(HBĐT) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là: xây dựng nông thôn mới (XDNTM), giảm nghèo bền vững (GNBV) và phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN). Có thể nói, các CTMTQG đã góp phần tạo đà cho phát triển KT-XH vùng nông thôn, vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, năm 2023, các CTMTQG chậm triển khai và có nguy cơ khó hoàn thành tiến độ giải ngân theo kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu là những "điểm nghẽn" trong giải quyết thủ tục hồ sơ liên quan đến đầu tư.


Để hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2023, xã Bắc Phong (Cao Phong) được đầu tư công trình phụ trợ sân tường bao, điểm vui chơi tại nhà văn hoá xã. Tuy nhiên, do chưa bố trí được nguồn vốn nên công trình chưa được triển khai.


Tỷ lệ giải ngân vốn thấp

Theo báo cáo, những tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn CTMTQG của tỉnh đạt thấp và gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai. Cụ thể, đối với CTMTQG GNBV, kế hoạch vốn giao năm 2022 và năm 2023 là 447.235 triệu đồng, trong đó, vốn ngân sách T.Ư 442.633 triệu đồng, ngân sách tỉnh 4.602 triệu đồng. Tính đến thời điểm này, giá trị giải ngân đạt 64.285 triệu đồng, bằng 14,3% tổng vốn kế hoạch giao.

Đối với CTMTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN, kế hoạch vốn giao năm 2022 và năm 2023 là 1.238.820 triệu đồng, trong đó, ngân sách T.Ư 1.237.140 triệu đồng, ngân sách tỉnh 1.680 triệu đồng; giá trị giải ngân đạt 71.353 triệu đồng, tương đương 5,76%.

Riêng CTMTQG XDNTM, kế hoạch giao vốn từ năm 2021 - 2023 là 503.269 triệu đồng, trong đó, ngân sách T.Ư 380.361 triệu đồng, ngân sách tỉnh 122.908 triệu đồng; giá trị giải ngân hiện mới đạt 25.395 triệu đồng, tương đương 7,03% tổng vốn kế hoạch giao.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&ĐT, nguyên nhân tiến độ giải ngân vốn CTMTQG chậm chủ yếu do hồ sơ, thủ tục đầu tư triển khai chậm. Theo tổng hợp của Sở KH&ĐT, đối với nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc CTMTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN, đến thời điểm này còn 31 công trình và 2 dự án do UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành làm chủ đầu tư chưa hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, như phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc hồ sơ xây dựng công trình. Đối với CTMTQG XDNTM, hiện vẫn còn nhiều huyện chưa có báo cáo tổng hợp danh mục các dự án đủ điều kiện giao kế hoạch chi tiết vốn đầu tư (đợt 2).

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân gây chậm tiến độ giải ngân vốn các CTMTQG là việc tổ chức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án ở cơ sở chậm, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa đảm bảo, đặc biệt là công tác chuyển đổi rừng, đất rừng gặp nhiều vướng mắc. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Năm 2022, thực hiện Dự án 15 về ổn định dân cư, UBND tỉnh đã giao 15 tỷ đồng về huyện Kim Bôi triển khai, do vướng mắc trong GPMB nên số vốn đã giao từ tháng 10/2022 đến nay chưa thực hiện được. 2 công trình đường liên kết xã giữa 2 huyện Lương Sơn và Kim Bôi, tổng số vốn giao hơn 36 tỷ đồng, tuy nhiên UBND 2 huyện Kim Bôi và Lương Sơn chưa có giải pháp thực hiện chuyển đổi đất rừng nằm trong phạm vi công trình.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tình trạng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, điều chỉnh kế hoạch 3 loại rừng để thực hiện các dự án, công trình thuộc CTMTQG cũng đang là vướng mắc chung tại nhiều huyện, thành phố dẫn đến chậm tiến độ giải ngân thực hiện các chương trình.

Không đủ khả năng bố trí vốn đối ứng thực hiện chương trình nông thôn mới

Cùng với những khó khăn trong triển khai các thủ tục đầu tư, tại nhiều huyện, thành phố, việc huy động nguồn lực thực hiện CTMTQG XDNTM gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ đối ứng quá cao. Theo Nghị quyết số 182, ngày 20/10/2022 của HĐND tỉnh, mức hỗ trợ tối đa từ ngân sách Nhà nước để thực hiện một số công trình, dự án XDNTM giai đoạn 2021 - 2025 đang là "điểm nghẽn" gây khó khăn cho các huyện, thành phố trong triển khai thực hiện chương trình. Theo quy định tại nghị quyết, công trình đường xã mức hỗ trợ tối đa đối với công trình thuộc thôn đặc biệt khó khăn là 85%, đối với các xã còn lại là 75%. Công trình đường liên xóm, đường nội đồng, nhà văn hoá xóm, mức hỗ trợ tối đa từ ngân sách Nhà nước đối với các xã đặc thù, thôn đặc biệt khó khăn là 75%, đối với các xã còn lại là 50%... còn lại là nguồn xã hội hoá. Điều này gây khó khăn trong việc lựa chọn danh mục công trình đầu tư, vì ngoài ngân sách Nhà nước còn phải lựa chọn địa bàn nhân dân đồng tình ủng hộ đóng góp nguồn lực thực hiện.

Đồng chí Lường Văn Thi, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: Năm 2023, huyện được phân bổ hơn 10 tỷ đồng thực hiện CTMTQG XDNTM. Theo Nghị quyết số 182, nguồn vốn phải thực hiện đối ứng 50% gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn đối ứng này chủ yếu do người dân đóng góp, với các xã vùng cao, tỷ lệ hộ dân thưa thớt, việc huy động vốn từ hộ dân rất khó để thực hiện.

Đồng tình với quan điểm này, đồng chí Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy cho rằng: Năm 2022, thực hiện CTMTQG XDNTM, huyện được giao 33 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách 24 tỷ đồng, xã hội hoá 8 tỷ đồng. Năm 2023, huyện được giao 22 tỷ đồng, nguồn ngân sách hơn 15 tỷ đồng, xã hội hoá 6,6 tỷ đồng. Như vậy, trong 2 năm huyện phải thực hiện đối ứng hơn 14 tỷ đồng. Trong khi theo quy định của nghị quyết không được dùng ngân sách địa phương mà bằng nguồn xã hội hoá. Đây thực sự là khó khăn không nhỏ vì các địa bàn thực hiện chương trình hiện chủ yếu là thôn, bản khó khăn về kinh tế, dân cư thưa thớt. Để thực hiện được chương trình, gánh nặng tiếp tục đặt lên vai người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG, UBND tỉnh đề nghị các chủ đầu tư và UBND các huyện, thành phố khẩn trương hoàn thành phê duyệt các dự án còn lại làm cơ sở phân bổ vốn. Rà soát toàn bộ tiến độ thực hiện các dự án triển khai của năm 2022, 2023, lập kế hoạch giải ngân phù hợp với tiến độ thực hiện các dự án để đẩy nhanh giải ngân vốn của các chương trình. Chủ động cân đối ngân sách cấp huyện để đối ứng nguồn vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ kế hoạch năm 2022, 2023, đồng thời huy động, lồng ghép nguồn lực khác để thực hiện các dự án thuộc các chương trình đảm bảo theo quy định hiện hành.



Đinh Hòa

Các tin khác


Ký kết thoả thuận hợp tác thực hiện Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn

(HBĐT) - Chiều 20/5, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), Sở NN&PTNT, UBND huyện Lạc Sơn, Yên Thuỷ, Công ty CP nông nghiệp hữu cơ Fusa tổ chức ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược về việc phối hợp thực hiện Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu (VNL) nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2022 - 2025. 

Tỉnh Hòa Bình đồng hành với doanh nghiệp để cùng phát triển

(HBĐT) - Khẳng định nhất quán quan điểm của tỉnh là xây dựng bộ máy "Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) để cùng phát triển", đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Cấp ủy, chính quyền phải đồng hành chia sẻ khó khăn, hỗ trợ DN. Cán bộ, công chức phải thay đổi tư duy, đặt mình vào những khó khăn của DN và phải có trách nhiệm trước công việc hỗ trợ DN phát triển. Thường trực Tỉnh ủy sẽ thường xuyên lắng nghe, ghi nhận những ý kiến của DN, từ đó có những chỉ đạo cụ thể, kịp thời hỗ trợ DN để các DN, nhà đầu tư cùng đồng hành với tỉnh phát triển bền vững.

Hiệu quả các chương trình ủy thác tín dụng

(HBĐT) - Thời gian qua, các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) các cấp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ nhận ủy thác tín dụng từ các ngân hàng; phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng triển khai thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao hàng năm; duy trì, đảm bảo chất lượng tín dụng, chất lượng ủy thác và hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).

Phổ biến, tuyên truyền pháp luật trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y

(HBĐT) - Sáng 19/5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) tổ chức hội nghị phổ biến, tuyên truyền pháp luật trong lĩnh vực CN&TY. Dự hội nghị có đồng chí Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT); lãnh đạo Sở NN&PTNT; Phòng NN&PTNT các huyện, Phòng Kinh tế TP Hoà Bình; đại diện các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và các công ty, chủ trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Hiện thực hóa khát vọng hình thành những cánh đồng mẫu lớn

(HBĐT) - Những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) tại các địa phương trong tỉnh đã, đang trở thành nỗi trăn trở của các cấp chính quyền và Nhân dân. Những vướng mắc này cần được giải quyết rốt ráo để việc DĐĐT diễn ra thuận lợi, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của Nhân dân. Thực tế đặt ra yêu cầu cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cần quan tâm sát sao, chỉ đạo công tâm. Quá trình thực hiện DĐĐT người dân được bàn bạc dân chủ, nắm rõ mục đích, có sự đồng thuận thì sẽ thực hiện thành công.

Nỗ lực chống hạn, bảo vệ năng suất cây trồng cuối vụ xuân

(HBĐT) - Theo đánh giá của Đài Khí tượng thuỷ văn Hoà Bình, lượng mưa năm nay ít hơn cùng kỳ năm trước và trung bình nhiều năm, khiến việc cấp nước tưới cho diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Ngành NN&PTNT đang tích cực chỉ đạo các địa phương tăng cường biện pháp chống hạn cho cây trồng để đảm bảo thắng lợi trong sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023, thúc đẩy sản xuất vụ mùa - hè thu, đồng thời sẵn sàng ứng phó với điều kiện thời tiết bất thuận và tình hình sâu bệnh hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục