(HBĐT) - Theo đánh giá của Đài Khí tượng thuỷ văn Hoà Bình, lượng mưa năm nay ít hơn cùng kỳ năm trước và trung bình nhiều năm, khiến việc cấp nước tưới cho diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Ngành NN&PTNT đang tích cực chỉ đạo các địa phương tăng cường biện pháp chống hạn cho cây trồng để đảm bảo thắng lợi trong sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023, thúc đẩy sản xuất vụ mùa - hè thu, đồng thời sẵn sàng ứng phó với điều kiện thời tiết bất thuận và tình hình sâu bệnh hại.
Tại huyện Kim Bôi, toàn huyện có khoảng 3.000 ha diện tích cây trồng bị hạn hán. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Anh, Phó phòng NN&PTNT huyện cho biết: Để đảm bảo lượng nước phục vụ sản xuất vụ xuân năm nay, huyện đã chỉ đạo các đơn vị quản lý, các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra công trình thủy lợi, kịp thời nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; quản lý, phân phối nước tưới luân phiên, tiết kiệm; đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, bảo dưỡng các công trình thủy lợi. Đến nay trên địa bàn có 425km kênh mương đã được kiên cố hóa, đạt 59,3%. Bên cạnh đó, với diện tích cây trồng bị hạn hán, thiếu nước tưới, huyện khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với dự báo, cảnh báo và tình hình diễn biến hạn hán.
Theo báo cáo của các địa phương và qua kiểm tra thực tế của ngành NN&PTNT cho thấy, mực nước tại một số hồ chứa ở các huyện: Kim Bôi, Lạc Sơn, Yên Thuỷ… ở mức thấp, chỉ đạt dưới 30% lượng nước hồ tích trữ phục vụ tưới tiêu cho vụ chiêm xuân năm 2023. Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh có mưa nhưng chỉ đáp ứng phần nào lượng nước khắc phục hạn cho diện tích trồng cây rau màu. Đối với diện tích đất trồng lúa nhìn chung vẫn cần lượng mưa lớn tạo thành dòng mới đảm bảo nước. Qua thống kê, diện tích sản xuất nông nghiệp bị hạn trên địa bàn tỉnh khoảng trên 8.250 ha, chiếm gần 36% diện tích, các địa phương bị hạn nặng là: Kim Bôi, Yên Thuỷ, Lạc Sơn, Lương Sơn.
Diện tích cây trồng vụ đông xuân 2022 - 2023 đang trong giai đoạn sinh trưởng sinh thực. Đây là giai đoạn cây trồng mẫn cảm với các điều kiện thời tiết bất thuận cũng như các đối tượng sâu bệnh hại, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng và sản lượng các loại cây trồng. Vì vậy, để sớm khắc phục những diện tích sản xuất nông nghiệp bị hạn hán trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, bám sát cơ sở, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp nhằm cân đối khả năng nguồn nước, xây dựng kế hoạch điều tiết nước phù hợp, sử dụng tiết kiệm nước tưới...; kiểm tra, tu sửa, nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước. Tận dụng tối đa các nguồn nước để tưới dưỡng cho cây; sử dụng các sản phẩm phụ của trồng trọt như rơm, rạ, trấu... để ủ gốc giữ ẩm vườn cây; tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ, phát cỏ sát gốc trong giai đoạn nắng hạn nhằm bảo vệ lớp thảm thực vật giữ ẩm cho cây trồng. Triển khai sâu rộng các giải pháp phòng trừ bệnh hại, tăng cường chăm sóc, bón thúc cho lúa, cây ăn quả và cây màu theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Phát hiện, phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời, hiệu quả bằng các loại thuốc đặc hiệu. Khuyến khích, vận động người dân sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, tăng cường giải pháp phòng chống hạn hán (che chắn nắng, ủ bạt giữ nước tránh bốc hơi) cho các cây trồng có giá trị kinh tế cao như: cây ăn quả, cây dược liệu, cây lâu năm… Chủ động vận hành điều tiết hồ chứa trên địa bàn, điều tiết nước tưới từ các hồ chứa phục vụ tưới tiêu.
Bên cạnh đó, một số đơn vị thuộc Sở NN&PTNT gồm: Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tập trung lực lượng cán bộ tăng cường đi cơ sở, hỗ trợ các địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát đồng ruộng, chỉ đạo các giải pháp kỹ thuật. Phối hợp các cơ quan truyền thông tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, khắc phục kịp thời ảnh hưởng của thời tiết bất thuận đối với sản xuất.
Thu Hằng