Người chăn nuôi lợn vẫn gặp khó khăn dù giá lợn đã tăng trở lại nhưng giá thức ăn còn ở mức cao. Ảnh chụp tại xã Quyết Thắng (Lạc Sơn).
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Khi dịch bệnh được kiểm soát, tưởng rằng thị trường sẽ phục hồi, tuy nhiên hiện nay, người chăn nuôi vẫn gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do giá thức ăn chăn nuôi còn ở mức cao, trong khi giá bán các sản phẩm chăn nuôi chưa được cải thiện đáng kể.
Năm 2021, khi ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, giá trâu, bò xuống thấp chưa từng có, gia đình anh Bùi Văn Thản, xóm Rẽ Vơng, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi trâu, bò vỗ béo với quy mô hàng chục con/lứa. Sở dĩ anh Thản quyết định như vậy, bởi giá con giống thời điểm đó khá thấp và theo dự đoán của anh, khi dịch bệnh qua đi, thị trường Trung Quốc sẽ mở cửa. Đó là cơ hội để giá trâu, bò tăng trở lại.
Tuy nhiên, dự đoán của anh Thản và nhiều người chăn nuôi đến thời điểm này chưa được như mong muốn. Việc tiêu thụ trâu, bò đã thuận lợi hơn trước nhưng giá bán thấp, ở ngưỡng mà như anh Thản nói là "vẫn lỗ”. Theo anh Thản, với 15 con trâu, bò nuôi vỗ béo lứa đầu tiên, gia đình anh lỗ vài chục triệu đồng. "Giá như hiện nay nếu nuôi trâu, bò vỗ béo thì người chăn nuôi không có lãi. Sau lứa đầu tiên bị lỗ, gia đình tôi đã chuyển sang nuôi trâu, bò sinh sản, kết hợp nuôi thêm một số vật nuôi khác như: dê, gà ta”, anh Thản cho biết.
Cũng như chăn nuôi trâu, bò, suốt thời gian dài, người chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh cũng trải qua nhiều khó khăn khi giá cám công nghiệp tăng cao. Trong vài tháng trở lại đây giá lợn tăng nhẹ trở lại. Đặc biệt, thời gian gần đây, giá lợn hơi tăng lên hơn 50 nghìn đồng/ kg. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tháng trước giá lợn dao động từ 47 - 54 nghìn đồng/kg. Còn hiện nay đang ở mức 56 - 58 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi đã có lãi, dù giá thức ăn còn khá cao.
Gia đình ông Bùi Văn Nhọ, xóm Khoang, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) duy trì chăn nuôi lợn trên chục năm, quy mô gia trại với hàng chục lợn nái sinh sản và hàng trăm lợn thịt. Kinh nghiệm chăn nuôi nắm chắc trong tay, nhưng ông Nhọ không ít lần nếm trải thất bại. Nhất là những năm 2016 - 2017, khi giá lợn hơi xuống mức kỷ lục, dưới 20 nghìn đồng/kg. Trong những năm qua, khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá lợn hơi duy trì mức thấp, gia đình ông Nhọ chỉ nuôi cầm chừng. Nhờ chủ động được con giống nên ông nuôi lợn vẫn có công. Ông Nhọ cho biết: Hiện, gia đình đang nuôi hơn 50 nái và 300 lợn thịt. Giá lợn hơi hiện bán gần 60 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, do giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao nên mỗi con lợn chỉ lãi được khoảng 500 nghìn đồng, thấp hơn nhiều so với trước.
Đồng chí Nguyễn Thị Phương Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Hiện, toàn tỉnh có tổng đàn trâu trên 114 nghìn con, đàn bò 89,1 nghìn con, đàn lợn trên 484 nghìn con, tăng giảm không đáng kể so với cùng kỳ năm 2022. Nếu như chăn nuôi gà, lợn đã có những dấu hiệu khởi sắc thì chăn nuôi trâu, bò vẫn gặp khó khăn. Để giảm chi phí, người dân cần tận dụng các nguồn thức ăn có sẵn cho vật nuôi. Bên cạnh đó, cần tiếp tục theo dõi diễn biến của thị trường, thận trọng trong tái đàn và mở rộng sản xuất.
Viết Đào