Ông Bùi Phi Nam, Giám đốc HTX nông nghiệp Yên Trị chia sẻ: Việc ứng dụng CNC vào sản xuất không chỉ góp phần làm gia tăng giá trị sản phẩm mà còn giảm chi phí nhân công, nâng cao năng suất cây trồng. Như việc đưa công nghệ tưới tự động, tưới nhỏ giọt và bón phân tự động có kiểm soát đảm bảo cho cây dược liệu được cung cấp độ ẩm, chất dinh dưỡng để sinh trưởng, phát triển trong điều kiện lý tưởng khi thời tiết khô hạn, cho năng suất cao, có thể đạt giá trị thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm.
Theo đồng chí Trịnh Đình Sơn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thủy, không chỉ ở HTX nông nghiệp Yên Trị mà ở hầu khắp các địa phương trong toàn huyện, việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp ngày càng được mở rộng giúp nâng cao giá trị sản xuất. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của huyện mặc dù còn nhiều khó khăn về dịch bệnh, thiên tai, hạn hán nhưng vẫn có những bước phát triển ổn định.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC được triển khai tại các HTX, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp. Hiện có 1 công ty, 6 HTX, 1 tổ hợp tác và 1 hộ gia đình áp dụng, ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Điển hình như HTX nông nghiệp Bảo Hiệu (xã Bảo Hiệu) sản xuất cà gai leo quy mô 2ha, đầu tư nhà lưới quy mô 1ha, sử dụng công nghệ tưới tự động phun sương; HTX nông nghiệp xóm Hổ 1, xã Ngọc Lương trồng rau an toàn quy mô 4,1ha, có 0,5ha nhà lưới, che phủ bạt nilon và sử dụng hệ thống tưới tự động; HTX nông nghiệp Đại Đồng (xã Ngọc Lương) trồng bưởi quy mô 24ha, đầu tư hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt hoàn toàn; Công ty Tân Lộc Phát, khu phố Khang Chóng, thị trấn Hàng Trạm trồng bí xanh, mướp đắng; HTX nông nghiệp Hòa Phát (xã Đa Phúc) trồng chanh leo, ớt xuất khẩu quy mô 5ha, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nhỏ giọt; hộ ông Hoàng Anh Việt, xã Hữu Lợi trồng bưởi quy mô 2ha đầu tư hệ thống tưới tự động.
Cũng theo đồng chí Trịnh Đình Sơn, việc ứng dụng CNC song hành với Chương trình OCOP đã giúp huyện Yên Thủy xây dựng, phát triển 17 sản phẩm OCOP được chuẩn hóa, nâng hạng. Cùng với đó, các HTX, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả ngày càng tăng, hình thành nhiều mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết tiêu thụ sản phẩm... Đến nay, trên địa bàn huyện có 39 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 37 tổ hợp tác với 537 thành viên, tạo việc làm cho hơn 800 lao động. Các HTX, tổ hợp tác hoạt động khá tích cực, hiệu quả.
Tuy nhiên, việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện còn hạn chế, số đơn vị thực hiện chưa nhiều. Do các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình còn thiếu nguồn vốn đầu tư cho mô hình sản xuất nông nghiệp CNC nên chưa đáp ứng yêu cầu; việc đóng góp cho nông nghiệp, nông thôn còn ít so với cơ cấu phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện. Do vậy, "Để tiếp tục thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng CNC hiệu quả trong thời gian tới, huyện đề nghị tỉnh và các ngành chức năng tăng cường cơ chế, chính sách hỗ trợ các mô hình ứng dụng quy trình công nghệ, thiết bị kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương; đẩy mạnh các mô hình nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ; tiếp nhận và chuyển giao công nghệ. Trong đó, lấy người nông dân là chủ thể của sản xuất gắn kết với doanh nghiệp; tăng cường đầu tư, hỗ trợ ứng dụng CNC để tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao lợi nhuận; hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, chủ thể sản xuất hiện tại đang ứng dụng nông nghiệp CNC để có thêm tiềm lực kinh tế mở rộng quy mô sản xuất...” - đồng chí Trịnh Đình Sơn cho biết.
Mạnh Hùng