Những năm qua, doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ được nhiều ngân hàng xác định là một trong những đối tượng ưu tiên trong cấp tín dụng. Tuy nhiên thực tế, vẫn tồn tại khoảng trống trong cung cấp tín dụng và các sản phẩm tài chính khác cho đối tượng này.
.
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh Ngân hàng SeABank.
Cùng với sự phát triển và hội nhập của đất nước, được sự quan tâm của Nhà nước và Chính phủ, phụ nữ Việt Nam ngày càng phát huy tiềm năng, trí tuệ và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Thực tế đã chứng minh, trong điều kiện kinh tế có những biến động khó lường, khu vực kinh doanh do phụ nữ làm chủ thường có khả năng bền vững hơn, không chỉ đóng góp phát triển kinh tế mà còn thực hiện tốt trách nhiệm xã hội.
Tạo điều kiện tiếp cận tín dụng
Theo đánh giá từ Chuyên gia tài chính cao cấp của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam - bà Chu Thị Hồng Minh, cùng với những nỗ lực chung về bình đẳng giới, Việt Nam đã từng bước có những chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nữ, doanh nghiệp nữ khởi nghiệp, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. Hệ thống ngân hàng đã coi đối tượng này là một trong những đối tượng ưu tiên thực hiện các hoạt động hỗ trợ và cấp tín dụng, nhất là trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Vũ Minh Châu cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước phối hợp các ngân hàng trong hệ thống tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Đơn cử như chính sách ưu đãi về lãi suất, tín dụng, chủ động tiếp cận, đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31 của Chính phủ,...
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước nỗ lực thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Nhờ vậy, vốn tín dụng ngân hàng đầu tư cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ đều tăng trưởng qua các năm.
Đáng chú ý, để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ có khó khăn về tài chính trong giai đoạn Covid-19, ADB đã triển khai Dự án giảm thiểu tác động của Covid-19 đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng giá trị 5 triệu USD từ tháng 4/2021, với cơ quan chủ quản là Ngân hàng Nhà nước và 5 ngân hàng tham gia thực hiện (BIDV, ACB, SHB, TPBank và VPBank).
Đồng hành với các doanh nghiệp và các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp với ADB triển khai các nghiên cứu, đánh giá nhằm tìm hiểu và nắm bắt các khó khăn, trở ngại với doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ trong hoạt động kinh doanh.
"Chúng tôi luôn ưu tiên phục vụ nhu cầu nguồn vốn cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, vì đây là tệp khách hàng tiềm năng. Nguồn vốn ngân hàng tiếp cận được là nguồn vốn giá rẻ và ổn định, như khoản vay của DFC có thời hạn lên đến 7 năm và các nguồn vốn huy động từ các tổ chức quốc tế như IFC của Ngân hàng Thế giới, DFC trực thuộc Chính phủ Mỹ và ADB. Do đó chúng tôi cũng sẽ cho vay doanh nghiệp với mức lãi suất ưu đãi hơn”, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) Loic Faussier cho hay.
Tháo gỡ khó khăn
Theo một khảo sát của ADB, hơn 80% chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ (WSME) khẳng định, vốn từ ngân hàng là nguồn vốn tin cậy cho các doanh nghiệp này phát triển, tuy nhiên họ vẫn có một số khó khăn trong tiếp cận do năng lực quản trị, phương án kinh doanh khả thi...
Đối với phụ nữ, công việc gia đình có ảnh hưởng nhất định trong việc tiếp cận tài chính. Đây là những khó khăn chung không chỉ riêng Việt Nam. Dù các tổ chức tài chính đã có nhiều hình thức cho vay như cho vay tín chấp, bảo lãnh dòng tiền,... nhưng hoạt động cho vay cũng còn nhiều khó khăn.
Bà Lê Thanh Tâm - Chuyên viên Tài chính quốc gia, Công ty Palladium đã chỉ ra một số rào cản trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho nữ làm chủ.
Cụ thể, các quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động kém hiệu quả, có 27 quỹ/64 tỉnh, thành phố hoạt động nhưng chỉ có một số quỹ hoạt động tốt, còn lại hoạt động thất thường, kém hiệu quả trong nhiều năm dẫn đến giải thể.
Nguyên nhân xuất phát từ một số lý do chính như: Nhiều quỹ bảo lãnh tín dụng năng lực thẩm định doanh nghiệp nhỏ và vừa còn yếu; chưa phát huy được vai trò hỗ trợ doanh nghiệp; các thủ tục nộp thay doanh nghiệp nhỏ và vừa, kiểm tra, giám sát, thu hồi nợ,... chưa hiệu quả.
Chuyên gia tư vấn tài chính quốc tế Reuben Jessop chia sẻ, phụ nữ và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là những khách hàng trung thành và có khả năng cao mang lại lợi nhuận cho tổ chức tín dụng.
Phụ nữ quảng bá mạng lưới tổ chức tín dụng và khi hài lòng với dịch vụ, có nhiều khả năng họ sẽ giới thiệu khách hàng mới hơn so với nam giới. Các khoản vay của cá nhân và doanh nghiệp nữ, các khoản cho vay bán lẻ của phụ nữ thường ít rủi ro hơn và có tỷ lệ nợ xấu thấp hơn. Trong khi đó, phụ nữ cũng có tỷ lệ tiết kiệm cao hơn và các doanh nghiệp nữ cũng thường tự cấp vốn.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã triển khai các chương trình cho vay được thiết kế riêng cho doanh nhân nữ như chương trình cho vay của Ngân hàng Franco-Lao (BFL) và IFC, "Chương trình Vốn” của Bank of America và Quỹ Tony Burch,...
Theo ông Reuben Jessop, đối với Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước và các nhà hoạch định chính sách cũng cần thúc đẩy hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ như một biện pháp phòng ngừa tích cực nhằm bảo vệ các ngân hàng trước tình trạng suy giảm danh mục cho vay; cải thiện các cơ chế bảo lãnh tín dụng và dịch vụ tư vấn để hoạt động hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng kiến thức và chuyên môn cho các tổ chức tài chính tập trung vào các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Các tổ chức tài chính cần theo dõi dữ liệu phân tách theo giới tính; xây dựng chiến lược dành riêng cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; phát triển các sản phẩm và dịch vụ phù hợp cho các doanh nghiệp này.
Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp (SeABank) Nguyễn Cảnh Hùng nêu khuyến nghị, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cần chủ động tiếp cận, tìm hiểu các thông tin về chính sách hỗ trợ phát triển, tham gia các mạng lưới hiệp hội, hội, câu lạc bộ doanh nhân nữ,...
Đối với các quy định pháp luật, cần đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ để doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ được tiếp cận và hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ; nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ kinh doanh với đối tượng này tại các địa phương; vinh danh và ghi nhận đóng góp của các doanh nghiệp này để thúc đẩy phụ nữ tham gia phát triển kinh tế-xã hội
Theo Báo Nhân Dân
(HBĐT) - Theo báo cáo của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, đến hết tháng 5/2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.502,5 tỷ đồng với 126.904 khách hàng còn dư nợ. Trong 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh có trên 16,2 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, doanh số cho vay đạt trên 630 tỷ đồng.
Tính đến ngày 21/6, lãi suất huy động tại cả 4 ngân hàng lớn đã đồng loạt được điều chỉnh giảm ở tất cả các kỳ hạn.
Hiện nay, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp còn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để mở rộng sản xuất. Ngoài các quy định chặt chẽ, dư nợ cho vay thấp, thì năng lực sản xuất, kinh doanh, thiếu chủ động cung cấp thông tin về tình hình tài chính... cũng trở thành lực cản trong tiếp cận nguồn vốn của các HTX. Việc đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn được xem là "chìa khóa” để giúp nhiều HTX phát triển bền vững.
(HBĐT) - Ngày 21/6, tại xã Độc Lập (TP Hòa Bình), Hội Cựu chiến binh (CCB) thành phố ra mắt hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ong mật Đại Nghĩa.
(HBĐT) - Ngày 21/6, tại huyện Kim Bôi, Ban chỉ đạo phong trào thi đua "Dân vận khéo” tỉnh tổ chức Hội thảo công tác dân vận trong tham gia giải phóng mặt bằng (GPMB) các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Dự hội nghị có đồng chí Bùi Tiến Lực, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UB MTTQ tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo phong trào thi đua "Dân vận khéo” tỉnh...
(HBĐT) - Ngày 21/6, Ban Kinh tế - Ngân sách (KT-NS) tổ chức hội nghị thẩm tra (đợt 1) đối với các báo cáo và dự thảo nghị quyết (NQ) trình tại Kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 (Kỳ họp thứ 14), HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban KT-NS chủ trì hội nghị. Tham dự có đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch TT HĐND tỉnh; lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh; các sở, ngành, đơn vị chức năng.