(HBĐT) - Những năm qua, hoạt động khuyến công (KC) trên địa bàn tỉnh mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT). Từ đó góp phần duy trì việc làm, nâng cao đời sống cho một bộ phận lao động nông thôn, ổn định tình hình KT-XH, an ninh - trật tự tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi xây dựng nông thôn mới.
Thành quả từ những nỗ lực vượt khó
Đồng chí Hoàng Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN), Sở Công Thương cho biết: KC Hòa Bình đã nhận diện những khó khăn, tồn tại cụ thể trong triển khai công tác KC từ năm 2022 như: Bối cảnh hậu Covid-19; đa phần cơ sở CNNT quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nguồn vốn hạn hẹp, công nghệ cũ, kém hiệu quả; thị trường tiêu thụ chưa chủ động được, nhất là xuất khẩu; năng lực quản lý, điều hành còn hạn chế; trình độ tay nghề người lao động chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp… Từ nhận diện khó khăn, trung tâm đã có giải pháp, xác định những nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng kế hoạch và quyết tâm thực hiện mục tiêu đề ra.
Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình và sự phối hợp của các đơn vị có liên quan, năm 2022, trung tâm đã thực hiện tốt kế hoạch, nhiệm vụ được giao. Từ nguồn kinh phí KC địa phương, kinh phí KC quốc gia cùng với hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp đã hỗ trợ các cơ sở CNNT phát triển sản xuất qua 7 đề án KC, tổng kinh phí trên 3.248 triệu đồng. Hoạt động triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm CNNT tiêu biểu và sàn giao dịch thương mại điện tử giúp cơ sở CNNT đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện các hợp đồng tư vấn đầu tư xây dựng với doanh thu 127,685 triệu đồng. Thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh nội dung xây dựng mô hình chiếu sáng học đường, tuyên truyền trên Báo Hòa Bình với tổng kinh phí 90 triệu đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, trung tâm tiến hành khảo sát các cơ sở CNNT để xây dựng các đề án KC. Đối với kế hoạch KC quốc gia, trung tâm hướng dẫn 2 đơn vị thụ hưởng trên địa bàn huyện Lương Sơn và TP Hòa Bình mua sắm, lắp đặt máy móc, thiết bị thuộc đề án nhóm "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cơ khí”; trình thẩm định điều chỉnh, bổ sung đề án nhóm "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất dược liệu” đối với 2 cơ sở; phối hợp Trung tâm KC&TVPTCN khu vực 1 nghiệm thu 1 đề án, khảo sát, xây dựng một số đề án KC quốc gia năm 2023 khác trên địa bàn tỉnh. Đối với kế hoạch KC địa phương 2023, hoàn thành công tác trình thẩm định, phê duyệt Đề án KC địa phương năm 2023 (được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1282/QĐ-UBND, ngày 15/6/2023).
Hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng được trung tâm thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ, yêu cầu của chủ đầu tư theo nội dung hợp đồng và quy định pháp luật có liên quan, tạo được sự tín nhiệm, tin tưởng của chủ đầu tư dự án.
Đối với công tác tiết kiệm năng lượng, trung tâm đã triển khai thực hiện nội dung kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh năm 2023, gồm: Lắp đặt, nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng mô hình chiếu sáng học đường tại trường mầm non và điểm trường mầm non chi Đống Phản, xã Quý Hòa (Lạc Sơn); triển khai công tác tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên Báo Hòa Bình…
Khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy phát triển để tiếp nối những thành công
Theo đồng chí Giám đốc Trung tâm KC&TVPTCN, từ nay đến cuối năm, công tác KC của tỉnh còn nhiều chỉ tiêu lớn phải hoàn thành. Đội ngũ làm công tác KC đã được giao nhiệm vụ cụ thể và đang nỗ lực thực hiện. Trong đó, tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh hoạt động KC thực sự trở thành động lực cho phát triển CN-TTCN; xây dựng, thực hiện các chương trình, đề án KC có trọng tâm, trọng điểm; khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy phát triển CNNT trên cơ sở quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp của tỉnh, phù hợp tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Cùng với đó, thường xuyên tập huấn, nâng cao năng lực hoạt động KC; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT và người dân về chính sách KC, vị trí, tầm quan trọng của hoạt động KC trong công tác phát triển CNNT. Chú trọng hỗ trợ các làng nghề, ngành nghề truyền thống đã được tỉnh công nhận để phát triển bền vững.
Nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp chính quyền và Nhân dân về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả thông qua tuyên truyền, tập huấn, xây dựng các mô hình thí điểm sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; nghiên cứu triển khai các hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ phát triển công nghiệp địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao...
Với những giải pháp hữu hiệu, trong những tháng cuối năm, Trung tâm KC&TVPTCN tỉnh tiếp tục khắc phục khó khăn, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành kế hoạch đề ra.
Hồng Duyên