Người dân xóm Mõ, xã Kim Lập (Kim Bôi) tham quan mô hình cấy giống lúa Thiên ưu 8 mới.
Còn tại khu Mớ Khoắc, thị trấn Bo, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kim Bôi phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Thái Bình Seed đã xây dựng mô hình trình diễn 4 giống lúa thế hệ mới có năng suất, chất lượng cao, gồm 2 giống lúa thuần Đông A1, TBR97 và giống lúa lai Thái Xuyên 111, QL 301. Quá trình trồng thực tế cho thấy, cả 4 giống lúa đều có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thích ứng rộng, đẻ nhánh khỏe, chịu thâm canh, chất lượng gạo ngon, cơm mềm và có mùi thơm nhẹ. Đặc biệt, cả 4 giống lúa này đều cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao; giống thấp nhất đạt trên 62 tạ/ha, giống cao nhất đạt gần 77 tạ/ha; hiệu quả kinh tế thu lợi cao nhất đạt trên 41 triệu đồng/ha.
Thời gian qua, thực hiện chủ trương cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất trên cùng diện tích canh tác, phát triển nông nghiệp sạch và bền vững, huyện Kim Bôi đã đẩy mạnh thử nghiệm, khảo nghiệm, đưa vào sản xuất những giống lúa mới năng suất cao, chất lượng tốt. Từ đó hình thành các vùng trồng lúa trọng điểm, góp phần "mở lối” thoát nghèo cho người nông dân. Hàng năm, huyện phối hợp với 2 doanh nghiệp lớn là Công ty cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Thái Bình Seed và Công ty cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam chọn lựa từ 5 - 6 giống lúa mới với diện tích trên 2ha/bộ giống. Qua đó để tuyển chọn những hạt thóc "vàng” có khả năng kháng sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, phù hợp với đồng đất, tập quán canh tác của người dân Kim Bôi.
Hiện nay, các giống lúa như VNR 20, Thụy Hương 308, Thiên ưu 8… đã qua khảo nghiệm và đưa vào sản xuất đại trà với diện tích trên 100 ha/vụ trở lên, cho năng suất, chất lượng tốt. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kim Bôi khẳng định: Hàng năm, trung tâm chủ động phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất lúa giống lớn, có uy tín thực hiện khảo nghiệm các giống lúa mới. Từ đó đánh giá, lựa chọn những bộ giống tốt có năng suất, chất lượng cao, thích nghi với điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác của nông dân trên địa bàn. Thành công của các giống lúa mới đã tạo động lực cho các địa phương trong huyện tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất lúa tập trung, có chất lượng cao. Ngoài nỗ lực tìm kiếm các giống lúa mới có năng suất, chất lượng để sản xuất đại trà, chúng tôi luôn đồng hành với người dân qua việc hỗ trợ giống lúa, chi phí vật tư, phân bón và tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác.
Hiện nay, với tổng diện tích gieo trồng trên 3.100 ha lúa vụ mùa, trên 2.400 ha lúa ở vụ xuân thì những nỗ lực trong việc tìm kiếm và đưa vào sản xuất các giống lúa mới để "mở lối” cho người dân Mường Động thoát nghèo là điều rất cần thiết. Qua đó nhằm phát hiện, tuyển chọn những giống lúa mới có tính ổn định, đạt kết quả lâu dài trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày một phức tạp để đưa vào sản xuất đại trà, góp phần thúc đẩy và thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thu Hường
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Kim Bôi)