Thời bình, ngành Công nghiệp quốc phòng tập trung phát triển sản xuất quốc phòng và tham gia sản xuất xây dựng nền kinh tế đất nước. Theo đó, các doanh nghiệp lĩnh vực này bên cạnh sản xuất mặt hàng quốc phòng, còn nâng cao năng lực sản xuất sản phẩm dân sinh phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ảnh minh họa. (Nguồn: qdnd.vn)
Bài 2: Sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: "Xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội”. Theo đó, việc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, trở thành mũi nhọn công nghiệp quốc gia; kết hợp chặt chẽ quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng là định hướng quan trọng, có ý nghĩa chiến lược của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Việc kết hợp sản xuất quốc phòng với kinh tế đã được ngành Công nghiệp quốc phòng quan tâm và phát huy hiệu quả; nhiều ngành hàng kinh tế tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường phục vụ dân sinh và xuất khẩu.
Nâng cao năng lực sản xuất kinh tế
Xí nghiệp Vỏ tàu, thuộc Nhà máy Z173 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng), chuyên đóng mới, sửa chữa phần vỏ tàu quân sự và tàu kinh tế có tiền thân là một phân xưởng sửa chữa tàu quân sự. Trung tá Nguyễn Năng Dũng, Giám đốc Xí nghiệp cho biết, những năm qua, đơn vị đã đóng mới, gia công phần thân vỏ tàu quân sự và sản xuất vỏ các tàu cho Tổng cục Hải quan, Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tàu chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn của Công an thành phố Hải Phòng; đóng phần vỏ các loại tàu 3.300 tấn, 2.600 tấn (tàu chở hàng) xuất khẩu sang Hà Lan...
Xí nghiệp thực hiện các sản phẩm quốc phòng và kinh tế có hàm lượng công nghệ cao vừa giải quyết được công ăn việc làm, vừa có điều kiện để đào tạo, xây dựng đội ngũ lao động tay nghề cao. Thông qua các sản phẩm xuất khẩu, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của tổ chức đăng kiểm nước ngoài, đòi hỏi chất lượng sản phẩm của đơn vị phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đơn vị coi trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đây là yếu tố then chốt để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ.
Thượng tá Nguyễn Hữu Đoan, Phó Giám đốc Nhà máy Z173 cho biết, thực hiện chủ trương của cấp trên về kết hợp sản xuất quốc phòng gắn với kinh tế, mặc dù còn khó khăn, song trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp phù hợp, luôn nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong đó, cùng với đóng các loại tàu, xuồng cho các đơn vị quân đội, Nhà máy còn triển khai đóng mới các loại xuồng cao tốc xuất khẩu sang thị trường châu Phi, tàu kéo cho Tập đoàn Damen, nhiều sản phẩm cho Cục Kiểm ngư, Tổng cục Hải quan và hàng trăm xuồng các loại cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước... Từ năm 2019 đến nay, có những năm doanh thu của Nhà máy từ sản phẩm kinh tế và xuất khẩu đạt hơn 90%, góp phần giữ gìn đội ngũ, có tích lũy để tái đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới dây chuyền công nghệ, mở rộng sản xuất và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người lao động.
Xưởng Bộ lửa (tiền thân Nhà máy Z121 ngày nay) được thành lập ngày 7/9/1966, với nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm hỏa cụ-sản phẩm được ví như "trái tim của vũ khí” dùng để phát hỏa cho bộ phận trung tâm của đạn, mìn, góp phần bảo đảm uy lực vũ khí cho bộ đội chiến đấu. Trong điều kiện vừa xây dựng, vừa sản xuất và nghiên cứu chế thử vũ khí, với muôn vàn khó khăn gian khổ, song với ý chí quyết tâm, sự sáng tạo và tinh thần nỗ lực của những người lính thợ quân giới Z121, nhiều sản phẩm vũ khí ra đời kịp thời chi viện cho tiền tuyến miền nam.
Sau Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước 1975, cả nước chuyển sang thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhà máy Z121 cùng các nhà máy trong Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đều chuyển nhiệm vụ từ thời chiến sang thời bình, vừa thực hiện nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, vừa tham gia sản xuất kinh tế.
Thành danh trong việc nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm vũ khí phục vụ bộ đội chiến đấu trong thời chiến, nhưng khi chuyển nhiệm vụ từ thời chiến sang thời bình, Nhà máy gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đại tá Trần Anh Mạnh, Phó Giám đốc Nhà máy Z121 cho biết, khó khăn lớn nhất trong thời điểm này của lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy Z121 đó là, bảo đảm việc làm, đời sống cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên, vốn chỉ quen sản xuất vũ khí nay phải tham gia sản xuất kinh tế trên các dây chuyền sản xuất quốc phòng.
Với tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, Nhà máy đã khai thác tính lưỡng dụng trên các dây chuyền sản xuất sẵn có để nghiên cứu, chế tạo và sản xuất hàng loạt các mặt hàng như: Đạn thể thao, đạn săn, vòi phun T100M, phụ tùng xe đạp, dao, xoong, nồi... Những sản phẩm làm ra tuy giá trị không cao nhưng tạo thêm việc làm để cải thiện đời sống cho cán bộ, công nhân viên, đồng thời duy trì tay nghề cho đội ngũ công nhân cho nhiệm vụ sản xuất quốc phòng về lâu dài. Bước vào thời kỳ đổi mới (sau năm 1986), Nhà máy tiếp tục đối mặt với những khó khăn thử thách đó là: nhiệm vụ sản xuất không ổn định, thiếu vốn, thiếu việc làm, đời sống của cán bộ, công nhân viên gặp nhiều khó khăn.
Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI và Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, với tinh thần chủ động, sáng tạo, Đảng ủy, chỉ huy Nhà máy đã đề ra chủ trương và định hướng mới. Trong đó, Nhà máy đã chủ động thiết kế, thi công hoàn chỉnh "Dây chuyền sản xuất thuốc đen hạt quân dụng, dây cháy chậm” và mạnh dạn đầu tư "Dây chuyền sản xuất thuốc nổ công nghiệp”, "Dây chuyền sản xuất dây nổ”, tạo việc làm cho gần một nghìn công nhân, góp phần tăng doanh thu cho Nhà máy.
Phát huy truyền thống đơn vị hai lần anh hùng, từ năm 2006 trở lại đây, Nhà máy tăng cường đầu tư chiều sâu, hiện đại hóa về công nghệ, tạo bước đột phá mới để phát triển bền vững. Nhà máy đã tập trung triển khai và ứng dụng nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khoa học có hàm lượng kỹ thuật cao phục vụ nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, trong đó ưu tiên thực hiện các đề tài nghiên cứu cải tiến các loại vũ khí hiện đại như: Hỏa cụ cho đạn chống tăng, các loại bộ lửa cho đạn của hải quân, không quân...
Đại tá Trần Anh Mạnh cho biết, những năm qua, bên cạnh sản xuất các sản phẩm quốc phòng phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ trọng tâm, Nhà máy còn phát huy công nghệ lõi sản xuất hỏa cụ để phát triển các mặt hàng kinh tế phục vụ dân sinh. Nhà máy cho ra đời nhiều sản phẩm mới phục vụ bộ đội huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Bên cạnh đó, Nhà máy chủ động đầu tư các dây chuyền công nghệ mới thay cho dây chuyền đã trang bị trước đây, như: Dây chuyền đổi mới nâng cao chất lượng hỏa cụ; dây chuyền nhồi nén kíp nổ tự động; dây chuyền công nghệ sản xuất pháo hoa; dây chuyền sản xuất thuốc nổ nhũ tương... Từ đây, nhiều sản phẩm của Nhà máy khẳng định uy tín, chất lượng đối với khách hàng như: các sản phẩm kíp nổ, dây cháy chậm, thuốc nổ, pháo hoa...; trong đó, sản phẩm pháo hoa của Nhà máy đã tạo được niềm tin và chinh phục được các khách hàng đòi hỏi chất lượng cao như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp...
Tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm
Là đơn vị chuyên sản xuất, cung cấp khí tài nghi binh, nghi trang cho quân đội, bước vào thời kỳ đổi mới, Nhà máy Z176 gặp muôn vàn khó khăn, thử thách, nhất là chuyển đổi cơ chế từ tập trung quan liêu bao cấp sang hạch toán kinh tế thị trường. Với ý chí, nghị lực và quyết tâm đổi mới, Nhà máy đã sớm tìm hướng đi thích hợp: tự vay vốn, phát huy nội lực, đầu tư thiết bị, đổi mới mặt hàng, đổi mới phương thức quản lý, tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm.
Nhờ đó, Nhà máy đã đứng vững trước cơ chế thị trường, giải quyết được vấn đề việc làm, thu nhập cho người lao động. Những năm đầu của thế kỷ 21, thực hiện nghị quyết của Đảng về đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, Nhà máy đã tích cực, chủ động tìm kiếm bạn hàng, thị trường, sản phẩm phù hợp ngành nghề mình sản xuất, kinh doanh; đồng thời tham gia hội nhập quốc tế, với đơn hàng túi siêu thị đầu tiên cho Tập đoàn IKEA (Thụy Điển). Đây là tiền đề tạo nên thành công và thương hiệu của những người "Lính thợ 76”.
Trung tá Hoàng Xuân Dương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên 76 (Nhà máy Z176) cho biết: Những năm qua, nhiệm vụ của Nhà máy ngày càng nặng nề và khó khăn hơn do tác động của nền kinh tế thị trường, điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt; cơ sở vật chất, máy móc thiết bị còn nhiều hạn chế, khó khăn về nguồn lao động; triển khai đề án sắp xếp các doanh nghiệp quân đội, nhất là năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát... đã tác động toàn diện, sâu sắc đến mọi hoạt động của Nhà máy.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Nhà máy luôn quán triệt và vận dụng đúng, linh hoạt, sáng tạo quan điểm của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, sản xuất quốc phòng và phát triển kinh tế; trực tiếp là Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát triển Công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết số 520-NQ/QUTW, ngày 25/9/2012 của Quân ủy Trung ương về "Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”, trong điều kiện sản phẩm quốc phòng nhóm I được giao hằng năm chiếm tỷ trọng rất thấp, song Nhà máy luôn xác định sản xuất quốc phòng là nhiệm vụ chính trị trung tâm, sản xuất kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, tập trung đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm kinh tế xuất khẩu.
Theo đó, Ban Giám đốc Nhà máy đã bám sát nhu cầu trang bị của quân đội, chủ động tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn; tích cực khai thác các đơn hàng quốc phòng thuộc nhóm II, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, lưỡng dụng dây chuyền thiết bị được đầu tư, qua đó nhiều sản phẩm có hàm lượng khoa học-công nghệ cao lần đầu được nghiên cứu, sản xuất thành công, nhiều sản phẩm quốc phòng mới đáp ứng nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và yêu cầu tác chiến hiện đại, được các đơn vị đánh giá cao.
Nhà máy Z176 đã chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; đầu tư trang, thiết bị hiện đại, mở rộng mặt bằng nhà xưởng, phát triển nhà cung cấp, sản phẩm, thị trường, bạn hàng mới. Chính nhờ có bước đột phá nêu trên mà sản phẩm của Nhà máy luôn bảo đảm: đẹp, bền, rẻ, tiện dụng và thân thiện với môi trường-một yếu tố quan trọng giúp Nhà máy cạnh tranh được trên thị trường quốc tế, đáp ứng mọi yêu cầu của đối tác.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Là doanh nghiệp có doanh thu chủ yếu từ xuất khẩu, Nhà máy tưởng như khó có thể vượt qua khó khăn nêu trên. Song nhờ sự năng động, sáng tạo, bên cạnh sản xuất các sản phẩm quốc phòng, Nhà máy kịp thời chuyển sang sản xuất các mặt hàng phòng dịch như: khẩu trang, tấm kính chắn phòng dịch, quần, áo phòng chống dịch.., đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu.
Nhờ vậy, mặc dù trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, nhưng Nhà máy vẫn duy trì tốt sản xuất quốc phòng và kinh tế, giữ vững đơn hàng xuất khẩu, bảo đảm doanh thu, việc làm và thu nhập cho người lao động. Nhà máy Z176 trở thành điểm sáng của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng trong việc biến thách thức thành cơ hội, vững vàng vượt qua khủng hoảng do tác động của đại dịch Covid-19.
Hiện nay, ngoài bạn hàng truyền thống là Tập đoàn IKEA (Thụy Điển), Nhà máy Z176 đã phát triển thêm bạn hàng mới như: Tập đoàn Decathlon (Pháp), Bikezac (Đan Mạch)... Doanh thu xuất khẩu hằng năm của Nhà máy năm sau cao hơn năm trước, dẫn đầu Tổng cục Công nghiệp quốc phòng về giá trị xuất khẩu; nhiều năm liền được Bộ Công thương xếp hạng "Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín”; Tập đoàn IKEA (Thụy Điển) xếp hạng "Nhà cung cấp ưu tiên”; Tập đoàn Decathlon (Pháp) xếp hạng A. Năm 2021, Nhà máy lọt vào tốp 100 doanh nghiệp Sao Vàng đất Việt; năm 2022, Nhà máy vượt mốc xuất khẩu 2.000 tỷ đồng và lọt vào tốp 10 doanh nghiệp quân đội tiêu biểu..., góp phần duy trì phát triển tiềm lực quốc phòng, vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng xuất khẩu.
(Còn nữa)
Theo Báo Nhân Dân
(HBĐT)- Ngày 28/8, tại Hà Nội, đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021-2025 chủ trì Phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo T.Ư theo hình thức trực tuyến với các địa phương. Dự họp tại điểm cầu UBND tỉnh có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố là thành viên Ban Chỉ đạo của tỉnh.
(HBĐT) - Tháng 8, các nhà vườn trồng na trên địa bàn xã Thu Phong (Cao Phong) bước vào vụ thu hoạch. Năm nay, na được mùa, chất lượng thơm ngon, hứa hẹn mang lại nguồn thu đáng kể cho các hộ trồng.
(HBĐT) - Phát triển đa dạng mô hình kinh tế, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn, phối hợp cơ quan chuyên môn mở lớp đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật… là những giải pháp được Hội Nông dân (HND) huyện Mai Châu tích cực triển khai giúp hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD). Qua đó, nhiều hộ hội viên phát huy thế mạnh về trồng trọt, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/8, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Tập trung ưu tiên hơn cho tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế là quan điểm chỉ đạo, điều hành xuyên suốt của Chính phủ từ nay đến cuối năm nhằm đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể.
Trong khi nền kinh tế đang "khát vốn” thì tình trạng các bộ, ngành, địa phương đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 vì không thể giải ngân hết số vốn được giao vẫn tiếp tục diễn ra.