(HBĐT) - Trên diện tích 3.500 m2 trồng thanh long đang cho thu hoạch, mỗi năm, gia đình ông Bùi Văn Bình, xóm Đồng Nang, xã Đông Bắc (Kim Bôi) thu về khoảng 150 triệu đồng. Chưa dám nói là cây làm giàu nhưng khoảng 5 năm trở lại đây cho thấy, cây thanh long đã giúp đời sống người dân xã Đông Bắc khấm khá hơn.


Ông Bùi Văn Bình - người đầu tiên đưa cây thanh long về xã Đông Bắc (Kim Bôi) phấn khởi vì cây trồng thường xuyên cho thu hoạch.

Đưa chúng tôi thăm vườn thanh long đang cho thu hoạch, ông Bùi Văn Bình cho biết: Nhiều khu vực ruộng trên địa bàn xã thường xuyên bị thiếu nước tưới không trồng lúa được, phải trồng mía hoặc ngô nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2015, sau khi được tiếp cận, tham quan, học tập, tôi quyết định trồng thử nghiệm cây thanh long trên đồng đất Đông Bắc. Khi thấy phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, tôi tăng dần diện tích và hiện giữ ổn định 3.500m2. Cây thanh long trồng khoảng 1 năm rưỡi bắt đầu cho thu hoạch và cho thu rải rác quanh năm, nhưng chủ yếu tập trung từ tháng 6 đến tháng 10. Ưu điểm của cây thanh long là dễ trồng, dễ chăm sóc, năng suất cao. Cây không bị quá nhiều sâu bệnh, chủ yếu người trồng phải chú tâm chăm sóc, cắt tỉa cành thường xuyên. Khi chăm sóc đúng kỹ thuật cây sẽ khỏe, ít sâu bệnh, không phải phun thuốc bảo vệ thực vật.

Từ sự tìm tòi, thành công của ông Bình - người đầu tiên đưa cây thanh long về Đông Bắc, nhiều hộ đã học tập, làm theo. Theo số liệu thống kê của UBND xã, hiện diện tích cây thanh long trên toàn xã khoảng 9ha, trong đó 7ha đang cho thu hoạch, hơn 2ha mới trồng, tập trung ở một số xóm: Đồng Nang, Đầm Định, Trang, Ve… Bà con bắt đầu trồng nhiều, mở rộng diện tích khoảng từ năm 2017 đến nay. Khi triển khai trồng thanh long bà con được hỗ trợ hom giống, phân bón, bình chứa nước tưới và hướng dẫn kỹ thuật canh tác.

Năm 2022, tổng sản lượng thanh long của xã đạt 73,5 tấn. Thời điểm được giá cao nhất từ 25 - 30 nghìn đồng/kg, thời điểm rẻ nhất khoảng 10 nghìn đồng/kg. Theo tìm hiểu, đầu ra cho thanh long ở xã Đông Bắc hiện vẫn thả nổi theo thị trường tự do, tư thương đặt hàng thu mua tại vườn. Do sản lượng thanh long chưa lớn, thu rải rác trong 3 - 4 tháng chính vụ nên chưa xảy ra hiện tượng ùn ứ, không tiêu thụ được.

Đồng chí Bùi Đức Hậu, Bí thư Đảng ủy xã Đông Bắc cho biết: Là xã còn khó khăn, nhiều năm qua, chúng tôi vẫn loay hoay trong việc tìm kiếm loại cây trồng chủ lực phù hợp với địa phương, phát triển kinh tế hiệu quả. Trong xây dựng nông thôn mới xã mới thực hiện đạt 13 tiêu chí. Khi khảo sát, nắm tình hình thực tế nhận thấy cây thanh long phù hợp với đồng đất Đông Bắc, cho hiệu quả kinh tế cao, xã đã xác định thanh long là cây trồng chủ lực, được lựa chọn để thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu thanh long Đông Bắc, chúng tôi đã, đang tuyên truyền, vận động người dân trồng thanh long theo quy hoạch, không tự ý mở rộng diện tích. Đặc biệt, xã khuyến cáo người dân phải thực hiện nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, không được lạm dụng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không an toàn. Chúng tôi xác định phải giữ vững chất lượng sản phẩm sạch mới tiến đến xây dựng sản phẩm thanh long đạt tiêu chuẩn OCOP, nâng cao giá trị sản phẩm.

Dương Liễu


Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục