(HBĐT) - Những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch bệnh (PCDB) động vật. Tuy nhiên, thực tế triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.


Hiện nay, ở nhiều xã việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi gặp khó khăn do lực lượng thú y mỏng, địa bàn rộng, trong khi mức hỗ trợ công tiêm còn thấp. Ảnh: Cán bộ thú y xã Ngổ Luông (Tân Lạc) tiêm phòng cho vật nuôi.

Nhiều chính sách hỗ trợ trong công tác PCDB động vật đã được ban hành như: Quyết định số 719/QĐ-TTg, ngày 5/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ PCDB gia súc, gia cầm; Quyết định số 1442/QĐ-TTg, ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 719/QĐ-TTg, ngày 5/6/2008; Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Nghị quyết số 16/NQ-CP, ngày 7/3/2019 của Chính phủ, trong đó quy định UBND cấp tỉnh sử dụng dự phòng ngân sách của địa phương và nguồn kinh phí hợp pháp khác hỗ trợ cho chủ vật nuôi có lợn mắc bệnh, lợn nghi mắc dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) buộc phải tiêu hủy…

Các chính sách hỗ trợ nêu trên đã giúp người nông dân có một phần kinh phí để khôi phục sản xuất sau thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh gây ra. Song, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ hiện còn nhiều bất cập, vướng mắc.

Chậm hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh gây ra

Trên địa bàn tỉnh, chăn nuôi là nghề đem lại thu nhập cho hàng nghìn hộ, được người dân chú trọng phát triển, nhất là chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, nghề chăn nuôi vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi nhiều dịch bệnh nguy hiểm rình rập. Thống kê của Chi cục Chăn nuôi và thú y (CN&TY), từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là DTLCP. Theo đó, năm 2019, tổng kinh phí hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do DTLCP hơn 26,3 tỷ đồng; năm 2020 gần 9,9 tỷ đồng; năm 2021, số lượng tiêu hủy lợn mắc DTLCP trên 389 tấn, tương đương số tiền hỗ trợ hơn 14,8 tỷ đồng; năm 2022, số tiền hỗ trợ hơn 4 tỷ đồng. Đáng chú ý là các hộ chăn nuôi có lợn phải tiêu huỷ vì DTLCP trong năm 2021 và 2022 đến nay vẫn chưa được hỗ trợ.

Năm 2021, DTLCP bùng phát mạnh ở một số địa phương, trong đó có huyện Mai Châu. Gia đình bà Hà Thị Bin, xóm Nghẹ, xã Vạn Mai là một trong những hộ phải tiêu huỷ đàn lợn 35 con vì dịch bệnh, nhưng đến nay chưa được hỗ trợ thiệt hại nên gia đình bà gặp nhiều khó khăn để khôi phục sản xuất. Bà Bin chia sẻ: Sau thời điểm đàn lợn bị DTLCP, gia đình đã thực hiện các biện pháp để tiêu diệt mầm bệnh nhằm sớm tái đàn. Tuy nhiên, do chưa được hỗ trợ thiệt hại nên việc phát triển chăn nuôi của gia đình gặp nhiều khó khăn, tiền thức ăn chăn nuôi vẫn chưa trả hết.

Đồng chí Hà Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu cho biết: Trong 2 năm 2019 - 2020, DTLCP đã gây thiệt hại lớn đối với chăn nuôi trên địa bàn. Huyện đã hỗ trợ một số hộ bị thiệt hại với số tiền trong 2 năm hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra, năm 2020, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu tiên bùng phát trên địa bàn huyện. Trước dịch bệnh mới này, huyện đã hỗ trợ 300 triệu đồng mua vắc xin phòng bệnh cũng như các vật tư để PCDB lây lan. Tuy nhiên, triển khai công tác PCDB trên động vật còn nhiều khó khăn, đặc biệt là việc hỗ trợ các hộ chăn nuôi sau thiệt hại chưa kịp thời, ảnh hưởng đến phục hồi sản xuất. Một khó khăn nữa huyện gặp phải là việc khai báo dịch bệnh của người chăn nuôi chưa được chú trọng. Khi xảy ra dịch bệnh khó tìm nơi tiêu huỷ vật nuôi bị bệnh do một bộ phận người dân chưa đồng tình. Để khắc phục thực trạng đó, huyện Mai Châu đề xuất cấp thẩm quyền ban hành các hướng dẫn, quy định cụ thể cũng như tăng mức hỗ trợ cho lực lượng tham gia PCDB.

Quan tâm, hỗ trợ lực lượng thú y xã

Công tác tiêm phòng đạt thấp, mức hỗ trợ tham gia PCDB cũng thấp. Đó là thực tế đầy trăn trở của ngành chức năng và lực lượng thú y cấp xã. Đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc chia sẻ: Với địa bàn miền núi, giao thông cách trở gây nhiều khó khăn, vất vả đối với lực lượng thú y xã trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Trong khi mức phụ cấp tháng, hỗ trợ cho cán bộ thú y xã thực hiện tiêm phòng vật nuôi thấp, không đạt ngày công, dẫn tới nhiều cán bộ thú y xã trên địa bàn huyện bỏ việc. Điều này gây nhiều khó khăn cho công tác PCDB, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm vì tỷ lệ tiêm phòng không đạt theo yêu cầu.

Anh Bùi Văn Yên, cán bộ thú y xã Ngổ Luông (Tân Lạc) có lẽ là người trải qua những vất vả điển hình của lực lượng thú y xã. Bởi Ngổ Luông là xã có địa bàn trải dài, giao thông khó khăn, người dân còn có tập quán chăn thả gia súc nên việc tiêm phòng gặp không ít khó khăn. Để gặp các chủ hộ, anh Yên phải tranh thủ đi vào buổi sáng và buổi chiều, thời điểm người dân chưa thả trâu, bò hoặc đã lùa trâu, bò về chuồng. Thậm chí, nhiều hôm anh phải đi bộ hàng cây số vào các bãi chăn thả gia súc tập trung của người dân để tiêm phòng. "Với mức hỗ trợ công tiêm như hiện nay còn thấp, trong khi công việc của chúng tôi rất vất vả. Thú thật, nhiều hôm tiêm không đạt số lượng nên cũng không đảm bảo ngày công. Đã có anh em làm cùng nghề bỏ công việc này. Rất mong cấp thẩm quyền quan tâm, nâng mức hỗ trợ cho lực lượng thú y xã” - anh Yên bày tỏ.

Ngoài những bất cập nêu trên, đồng chí Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục CN&TY cho biết: Hiện nay các cơ chế, chính sách hỗ trợ PCDB động vật vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc. Như Quyết định số 719/QĐ-TTg, ngày 5/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ PCDB gia súc, gia cầm chỉ quy định: "Ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ kinh phí PCDB gia súc, gia cầm, bao gồm dịch bệnh lở mồm long móng ở gia súc, tai xanh ở lợn và cúm gia cầm”. Thực tế đã xuất hiện nhiều dịch bệnh mới trên động vật mà trong quyết định chưa đề cập như DTLCP, viêm da nổi cục, dại động vật.

Đồng chí Chi cục trưởng Chi cục CN&TY cho biết thêm, mức hỗ trợ lực lượng PCDB động vật hiện nay tối đa 100 nghìn đồng/người/ngày đối với ngày làm việc, 200 nghìn đồng /người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, Tết. Mức hỗ trợ này không còn phù hợp tình hình thực tiễn, việc huy động các lực lượng tham gia PCDB khó khăn do mức chi hỗ trợ thấp. Hơn nữa, lực lượng này luôn gặp nguy cơ cao lây nhiễm các loại mầm bệnh có khả năng lây sang người. Cùng với đó, việc chậm được nhận tiền hỗ trợ cũng ảnh hưởng đến công tác PCDB. Ngoài ra, chưa có quy định về chế độ hỗ trợ cho người trực tiếp tham gia thống kê, xác nhận thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Điều chỉnh cơ chế, chính sách

Từ những tồn tại, bất cập nêu trên, tại hội nghị tổng kết, đánh giá và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ PCDB động vật do UBND tỉnh tổ chức đầu tháng 8 vừa qua, nhiều đề xuất, kiến nghị được nêu ra. Trong đó, đề xuất các đối tượng được hỗ trợ gồm: người chăn nuôi, người nuôi trồng thủy sản, hộ chăn nuôi nông hộ, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang có hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh động vật; người trực tiếp tham gia công tác kiểm kê, xác nhận thiệt hại do dịch bệnh và người tham gia công tác PCDB động vật.

Bên cạnh đó, đề xuất hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp bị thiệt hại khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện, gồm: sản xuất không trái với quy định của pháp luật về thú y, chăn nuôi, thủy sản; có kê khai hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản với UBND cấp xã theo quy định; thực hiện đầy đủ các biện pháp PCDB theo quy định, chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương; có quyết định công bố dịch hoặc kết quả xét nghiệm của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền xác định tác nhân gây bệnh thuộc danh mục bệnh động vật phải công bố dịch, danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người hoặc phát hiện có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới.

Theo đồng chí Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục CN&TY, vấn đề hỗ trợ người tham gia PCDB động vật được các địa phương đặc biệt quan tâm. Theo đó, tỉnh đề xuất mức hỗ trợ người tham gia PCDB động vật được hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 150 nghìn đồng/người/ ngày làm việc, 200 nghìn đồng/ người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, Tết. Mức hỗ trợ người tham gia PCDB động vật không hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 250 nghìn đồng/người/ngày làm việc, 400 nghìn đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, Tết.

Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh đều kiến nghị nâng mức hỗ trợ cho người trực tiếp tham gia tiêm phòng vắc xin với mức bình quân cho 1 đợt tiêm là 250.000 đồng/người/ ngày. Đồng thời, bổ sung mục chi phí mua hóa chất các loại để khử trùng, tiêu độc, vệ sinh chuồng trại, môi trường; mua trang phục phòng hộ cho người tham gia phòng, chống dịch và kinh phí tuyên truyền; mua sắm thiết bị, vật dụng cho kiểm tra phát hiện, chẩn đoán bệnh dịch và PCDB theoquy định.

Viết Đào


Nhóm ý kiến: 

 

 

Bổ sung dịch bệnh nguy hiểm mới vào diện hỗ trợ


Những năm qua, huyện Lạc Thuỷ đã triển khai nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của Nhà nước về công tác PCDB cho vật nuôi. Từ năm 2019 - 2021, trên địa bàn huyện đã xảy ra DTLCP, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Huyện đã đối ứng hơn 6,3 tỷ đồng hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại. Bên cạnh đó, hàng năm, UBND huyện bố trí kinh phí từ ngân sách phục vụ công tác PCDB cho đàn vật nuôi với mức 250 triệu đồng. Khi có dịch bệnh xảy ra, huyện chủ động trích nguồn ngân sách dự phòng cấp bổ sung nhằm PCDB kịp thời.

Với sự chủ động, công tác PCDB được triển khai thực hiện kịp thời, đạt hiệu quả. Tuy nhiên, việc hỗ trợ công tác PCDB động vật vẫn còn tồn tại, bất cập. Hiện, việc hỗ trợ mới tập trung vào một số dịch bệnh cũ, loại dịch bệnh mới chưa đề cập đến gây khó khăn cho công tác PCDB và hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Do đó, cần bổ sung đối tượng dịch bệnh mới, dịch bệnh nguy hiểm chưa có vắc xin tiêm phòng. Ngoài ra, cần tăng mức hỗ trợ cho người trực tiếp tham gia PCDB vì tính chất công việc nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm bệnh từ động vật sang người cao.

 

Hoàng Thị Thu Hằng

Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thuỷ

 


Còn vướng mắc về điều kiện hỗ trợ


Từ năm 2019 - 2022, huyện Lương Sơn đã bố trí kinh phí ngân sách chi hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên 3,2 tỷ đồng. Trong đó nhiều nhất là năm 2019, huyện bố trí kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng để phòng, chống DTLCP. Thực tế triển khai nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong thực hiện Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Trong nghị định này có quy định nội dung về điều kiện hỗ trợ, đó là phải đăng ký kê khai chăn nuôi ban đầu, UBND cấp xã xác nhận chăn nuôi tập trung. Tuy nhiên, thực tế khi phát triển chăn nuôi, người dân không đăng ký ban đầu với UBND cấp xã nên khi xảy ra dịch bệnh, rất khó để có căn cứ xem xét hỗ trợ. Do đó, cần nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp và bổ sung thêm một số dịch bệnh mới trong diện được hỗ trợ.

Bùi Quốc Hoàn

Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn


 

Các tin khác


Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 53 tỷ đồng

(HBĐT) - Tiếp tục phát triển nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), trong tháng 8/2023, từ nguồn ngân sách tỉnh cấp và nguồn vận động từ các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh, đến nay, tổng nguồn quỹ đạt 53,27 tỷ đồng.

8 tháng, gần 12,3 tỷ đồng cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến hết tháng 8/2023, toàn Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân gần 12,3 tỷ đồng/216 lượt hộ vay.

Huyện Lạc Sơn - nửa nhiệm kỳ “trải thảm đỏ”

(HBĐT) - Trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, huyện Lạc Sơn đã thu hút được 11 dự án với tổng mức đầu tư trên 9 nghìn tỷ đồng. Một số dự án đi vào hoạt động tạo việc làm cho nhiều lao động, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công những tháng cuối năm

(HBĐT) - UBND tỉnh ban hành Công văn số 1520/UBND-KTN, ngày 5/9/2023 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công (ĐTC) (bao gồm cả vốn ODA) những tháng cuối năm 2023.

Triển vọng từ trồng cây nha đam

(HBĐT) - Từ cuối năm 2022, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Lương Phú, huyện Tân Lạc đưa cây nha đam vào trồng ở 4 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, đến nay đã trồng được gần 50 ha. Sau một thời gian cây sinh trưởng tốt, phù hợp với đất đồi có độ dốc vừa phải, cho thu nhập bước đầu khả quan. Nhiều người cho rằng, nếu đầu ra và giá ổn định thì đây là cây giúp người dân xóa nghèo.

Thu nhập cao từ mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi

(HBĐT) - Chúng tôi có dịp thăm mô hình trồng cây ăn quả chất lượng cao kết hợp chăn nuôi lợn đem lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình ông Nguyễn Ngọc Hải, xóm Đồng Hòa, xã Mỵ Hòa (Kim Bôi). Năm 2022, gia đình ông Hải vinh dự được UBND tỉnh công nhận điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục