Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động tiêu cực, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và thương mại, nền kinh tế trong nước phải trông cậy rất nhiều vào giải ngân vốn đầu tư công.



Các nhà thầu huy động nhân lực, thi công các dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam phía đông.

Thời điểm này, chỉ còn hơn ba tháng nữa là kết thúc năm, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung bình cả nước vẫn thấp, chỉ đạt 42,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Quyết liệt thúc đẩy giải ngân được xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các bộ, ngành, địa phương, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% đã đề ra.

Thủ tục đầu tư còn phiền hà

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đánh giá, tính đến hết tháng 8, thống kê tại 17 bộ, cơ quan trung ương thuộc thẩm quyền kiểm tra của Tổ công tác số 3 về đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công do Thủ tướng Chính phủ thành lập, đã giải ngân hơn 19.350 tỷ đồng (đạt 44,12% kế hoạch), cao hơn mức trung bình cả nước (42,35%).

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đơn vị giải ngân dưới 25%, gồm: Văn phòng Trung ương Đảng 0,04%; Tòa án nhân dân Tối cao 23,25%; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 11,28%; Bộ Ngoại giao 6,69%; Bộ Tư pháp 23,07%; Bộ Nội vụ 7,95%; Đài Truyền hình Việt Nam 22,57%; Thông tấn xã Việt Nam 9,76%; Đài Tiếng nói Việt Nam 9,7%.

Riêng 2 đơn vị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Dân tộc có tỷ lệ giải ngân 0% do phải hoàn thiện thủ tục đầu tư, còn vướng mắc trong thực hiện quy hoạch đô thị và thủ tục nhập Tabmis.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chia sẻ, Ủy ban Dân tộc chỉ có 2 dự án đầu tư công là Kho cơ sở dữ liệu 53 dân tộc thiểu số đang gấp rút chuẩn bị những bước cuối cùng để thực hiện giải ngân vào dịp cuối năm. Còn dự án thứ 2 là Học viện Dân tộc đang gặp nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư.

Thông thường, khi triển khai một dự án, phải thực hiện rất nhiều thủ tục và quan trọng nhất là thủ tục liên quan đến quy hoạch và đất đai - những yếu tố gốc để lập dự án. Tuy nhiên, do đất xây dựng Học viện đang bị "chồng chéo” ở 3 quy hoạch khác nhau nên nhiều năm qua, Ủy ban Dân tộc vẫn chưa thể hoàn thành việc lập dự án.

Hiện đơn vị đã cơ bản làm việc xong với các cơ quan liên quan, thống nhất nội dung chỉ giới, làm cơ sở để Viện Kiến trúc Hà Nội cấp chỉ giới đường đỏ cho nhiệm vụ quy hoạch, sau đó sẽ làm tiếp quy hoạch 1/500 để đủ điều kiện lập dự án.

Từ nay đến cuối năm, Ủy ban Dân tộc sẽ cố gắng giải ngân khoảng 500 triệu đồng cho các công việc trên, nhưng số vốn được giao còn lại chắc chắn không thể giải ngân kịp. Về vấn đề này, Ủy ban Dân tộc đã kiến nghị xin trả lại 20 tỷ đồng vốn được giao để điều chỉnh cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu bởi đơn vị không còn dự án khả thi nào để tự điều chỉnh.

Giải thích nguyên nhân tiến độ giải ngân vốn ngân sách chậm, đại diện Bộ Tư pháp chia sẻ, các dự án đầu tư công của Bộ trong năm 2023 chủ yếu là xây dựng trụ sở cho các cơ quan thi hành án hình sự địa phương.

Hiện các dự án này đều trong giai đoạn đầu tư mới, hoàn thành các thủ tục về thẩm định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu hay các thủ tục liên quan đến nhiều đơn vị chức năng ở trung ương và địa phương, do đó vấp phải hàng loạt vướng mắc từ quy trình thủ tục trong đầu tư công dẫn đến việc giải ngân chậm. Đó là những vướng mắc kéo dài liên quan đến thủ tục giao đất, cấp đất ở các địa phương.

Đơn cử, có địa phương còn lúng túng, phải xin ý kiến Bộ Tài chính về việc giao đất theo Luật Đất đai hay giao chuyển đổi tài sản công theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP. Để Bộ Tài chính cho ý kiến, đề nghị giải trình thêm, công văn "trao đi, đổi lại” đã kéo dài nhiều tháng chưa có kết luận cuối cùng.

Ngoài ra, các thủ tục khác như phòng cháy, chữa cháy hay thẩm định dự án tại cơ quan quản lý xây dựng cũng mất rất nhiều thời gian,…

Hiện Bộ Tư pháp đang tiếp tục bám sát theo từng dự án để cố gắng đẩy mạnh giải ngân vào mấy tháng cuối năm. Tuy nhiên, các dự án đã chậm và giải ngân không đúng kế hoạch bố trí vốn do yếu tố khách quan từ phía các cơ quan chức năng trong quá trình thẩm định thì hoàn toàn nằm ngoài khả năng, Bộ Tư pháp cũng chỉ biết nỗ lực tháo gỡ.

Giao trách nhiệm người đứng đầu

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, ngoài tình trạng giải ngân chậm, còn có 4 đơn vị Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Nội vụ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị điều chỉnh giảm vốn đầu tư công gần 477,5 tỷ đồng.

Hiện chưa có quy định về việc trả lại vốn đầu tư công đã giao, thay vào đó, các đơn vị thường vận dụng điều chuyển vốn giữa nơi cần và chưa cần, nhưng những cơ quan ít dự án như Ủy ban Dân tộc sẽ không còn dư địa để thực hiện việc điều chuyển.

Đặc điểm của năm 2023 là lượng vốn được bố trí lớn, trong khi nhu cầu xin trả lại vốn cao hơn xin thêm, vì vậy càng khó điều chuyển. Mặt khác, nếu điều chuyển không khéo, có thể sẽ gây ra mất công bằng giữa các đơn vị trong thực hiện chỉ tiêu giải ngân được giao.

Do đó, việc chuẩn bị dự án cũng như lập kế hoạch vốn, đòi hỏi các đơn vị thật sự sát sao, đánh giá đúng nhu cầu bố trí vốn, tránh việc chậm giải ngân rồi phải xin trả lại như hiện nay.

Khắc phục tình trạng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành xây dựng hàng loạt tiêu chí mới trên hệ thống đầu tư công để các bộ, ngành, địa phương có thể tự đánh giá khả năng thực hiện giải ngân trong từng dự án, từ đó nâng cao tính khả thi của việc lập kế hoạch vốn.

Được giao số vốn từ ngân sách tương đối lớn (gần 9.900 tỷ đồng), nhưng tỷ lệ giải ngân của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến nay đã đạt hơn 48,2%.

Theo thực tế từ nhiều năm nay cũng như rà soát từ phía chủ đầu tư các dự án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước giải ngân vốn đầu tư công các dự án trong nước cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 8.100 tỷ đồng (tương đương gần 106%) và vốn ODA đạt khoảng 68%; trung bình đạt gần 98%.

Theo kinh nghiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác giải ngân là luôn phân công một Thứ trưởng chuyên về lĩnh vực xây dựng cơ bản, thường xuyên "đi sâu, đi sát” việc quản lý đầu tư. Bộ lựa chọn các đơn vị đủ năng lực, kinh nghiệm giao tham gia thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Hệ thống quản lý đầu tư trực tuyến của Bộ được xây dựng và vận hành nhiều năm nay, quản lý theo thời gian thực các dự án, giúp lãnh đạo Bộ cập nhật số liệu và theo dõi trực quan nhất tiến độ từng dự án.

Ngoài ra, Bộ còn quy định hằng tháng giao ban định kỳ với chủ đầu tư và đơn vị quản lý dự án; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm các cơ quan, đơn vị trong quản lý đầu tư; tiến hành khen thưởng cá nhân/đơn vị có thành tích, ngược lại phê bình nghiêm túc các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp trong hệ thống.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác số 3 khẳng định: Nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước. Do đó, những tháng cuối năm, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục cố gắng đẩy mạnh giải ngân theo đúng kế hoạch đề ra.

Nếu gặp vướng mắc, các đơn vị cần ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư giữ vai trò đầu mối để trình lãnh đạo Chính phủ giải quyết, kịp thời hỗ trợ các đơn vị trong việc giải ngân từ nay đến cuối năm. Về phân bổ vốn cho năm sau, đơn vị nào năm trước giải ngân kém, cần cắt bớt vốn phân bổ, tuy nhiên cần cân nhắc kỹ cả điều kiện khách quan.

Các đơn vị cần lựa chọn Ban Quản lý dự án, đơn vị tư vấn có năng lực để triển khai hiệu quả các dự án, tránh sai sót phát sinh. Khi kiến nghị kế hoạch vốn cho dự án sắp tới, các đơn vị cần xem xét điều kiện, khả năng giải ngân.

Trước đây, đơn vị nào cũng mang tâm lý cứ đề xuất dư ra, trình các bộ cắt bớt là vừa, cho nên xảy ra trường hợp đã biết trước điều kiện triển khai khó khăn nhưng vẫn đề xuất, phát sinh hệ lụy dự án bị đình trệ.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đặc biệt nhấn mạnh: Cần lưu ý nguyên tắc, trả lại vốn đầu tư từ ngân sách là tốt hơn cho mục tiêu chung, không chỉ nhằm đạt tỷ lệ giải ngân để lấy thành tích. Chính phủ sẽ kiểm soát chặt việc này, nếu đơn vị nào đề xuất trả lại vốn để lấy chỉ tiêu thành tích sẽ coi như không hoàn thành nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, các cơ quan trung ương thường không chuyên về đầu tư xây dựng dự án và thiếu đội ngũ cán bộ chuyên trách như các địa phương, vì thế, cần lưu ý lựa chọn đơn vị đủ năng lực giao quản lý đầu tư; trong trường hợp cần thiết có thể thuê tư vấn hỗ trợ để việc triển khai dự án đạt hiệu quả cao nhất.


TheoNhanDan



Các tin khác


Đồng hành cùng nông dân xây dựng sản phẩm OCOP

(HBĐT) - Nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản ở địa phương, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực. Đặc biệt là những hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân (HVND) trong phát triển, sản xuất các sản phẩm OCOP, góp phần tăng giá trị hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đẩy mạnh chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm

(HBĐT) - Cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm (GQVL), duy trì và mở rộng việc làm là chính sách thiết thực, ý nghĩa của Đảng, Nhà nước giúp người dân có thêm "cần câu” phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động (NLĐ). Những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã tích cực phối hợp các tổ chức, hội, đoàn thể, sở, ngành triển khai có hiệu quả chương trình.

Ngăn chặn hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp

(HBĐT) - Nhằm tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) khi thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước, thời gian qua, ngành Thuế đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử như: kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, dịch vụ thuế điện tử trên thiết bị di động, triển khai cổng thông tin điện tử kê khai, nộp thuế dành cho nhà cung cấp nước ngoài… Đặc biệt, sau hơn 1 năm triển khai áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên toàn quốc, ngành Thuế đã đạt nhiều kết quả nổi bật, giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

Thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông thành phố mang tên Bác

Cơ sở hạ tầng giao thông đóng vai trò hết sức quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết 98/2023/QH15 (ngày 24/6/2023) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá sẽ mở ra nhiều cơ hội, tạo cú hích để hạ tầng giao thông thành phố được đầu tư, phát triển, nhất là các dự án đầu tư trên các tuyến đường giao thông hiện hữu theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).

Sáng nay, khai mạc Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2023

Sáng nay (19/9), Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Phiên chợ vùng cao tỉnh Hòa Bình dự kiến diễn ra từ ngày 3 - 7/10/2023

(HBĐT) - Chiều 18/9, UBND tỉnh tổ chức họp thống nhất công tác chuẩn bị  tổ chức Phiên chợ vùng cao tỉnh Hòa Bình năm 2023. Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục