Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đều khẳng định, tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương ổn định. Các địa phương đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút tốt nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân, 9 tháng qua, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ của thành phố tiếp tục duy trì sự ổn định, có sự phát triển. Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục "rót" vốn mạnh vào thành phố thể hiện niềm tin vào môi trường đầu tư, kinh doanh tại thành phố Hải Phòng. Thành phố Hải Phòng có sự bứt phá mạnh mẽ, trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài với tổng số vốn thu hút 9 tháng năm 2023 ước đạt 3,5 tỷ USD, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt 72% kế hoạch thu hút đề ra cho cả năm.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương Lê Văn Bản, cùng với phát triển kinh tế, địa phương tiếp tục đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án giao thông quan trọng của tỉnh, phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận thống nhất phương án khớp nối hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nhằm kết nối hệ thống giao thông trong vùng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng cho biết, kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế của địa phương là thu hút du lịch. Cụ thể, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt gần 13 triệu lượt, tăng 41,7% cùng kỳ năm trước (cùng kỳ đón gần 9,2 triệu lượt). Về phát triển sản phẩm OCOP, địa phương tổ chức 17 hội nghị, chương trình xúc tiến thương mại kết nối giao thương tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP, thu hút sự quan tâm của gần 222.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm, doanh thu ước đạt khoảng 49 tỷ đồng.
Bên cạnh chia sẻ về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, lãnh đạo 3 tỉnh, thành phố kiến nghị một số nội dung liên quan đến giải quyết các vướng mắc trong xây dựng nhà ở xã hội, điều tiết điện, xử lý vấn đề về đất đai trong khu kinh tế, khu công nghiệp... Trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, đại diện lãnh đạo bộ, ngành làm rõ một số nội dung liên quan. Cơ bản các ý kiến đều thống nhất, vướng mắc lớn nhất xuất phát từ quy định của pháp luật còn chồng chéo.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao kết quả các địa phương đạt được nhất là trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài; trong đó, Hải Phòng đã vươn lên trở thành điểm sáng của cả nước.
Phó Thủ tướng ghi nhận sự liên kết chặt chẽ của 3 địa phương, đặc biệt trong xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng. Sự liên kết là nguồn lực quý báu không chỉ vật chất mà còn về tinh thần, chứng minh rằng trong lúc khó khăn, nếu các địa phương đoàn kết, chung tay mọi việc sẽ nhanh chóng được giải quyết.
Phó Thủ tướng khẳng định, vị thế, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao. Đây là cơ hội vàng cho các địa phương.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đặc biệt lưu ý các địa phương tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Hải Phòng đạt kết quả giải ngân khoảng 79,3% song 2 địa phương còn lại chưa cao, nhất là Hải Dương mới chỉ đạt 29,65% - thấp hơn bình quân chung cả nước. Trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công sẽ là công cụ cơ bản thúc đẩy phát triển kinh tế. Cùng với đó, cần hoàn thành quy hoạch địa phương theo đúng kế hoạch Trung ương giao.
Đối với công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và phòng chống tội phạm, các tỉnh, thành phố không được lơ là, chủ quan, bởi trong điều kiện kinh tế khó khăn, hoạt động này sẽ gia tăng và với thủ đoạn ngày càng tinh vi.