Gia đình anh Đào Văn Hùng, thôn Đồng Bong, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) thu hoạch na để cung cấp ra thị trường.
Là một trong những hộ đi đầu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển cây na, gia đình anh Đào Văn Hùng, thôn Đồng Bong hiện có 1,2 ha trồng được 1.100 gốc na. Năm nay, gia đình anh thu khoảng 15 tấn quả với giá bán tại vườn hiện dao động từ 25 - 38 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, cây na đã mang về cho gia đình anh từ 500 - 600 triệu đồng/năm. Anh Hùng cho biết: Gia đình tôi trồng na từ nhiều năm nay, trước đây do chăm sóc theo cách truyền thống nên năng suất thường thấp. Nay nhờ kỹ thuật cắt tỉa cành thường xuyên để điều chỉnh vụ, chủ động thụ phấn khi na ra hoa, sẽ cho quả to và đậu quả đúng thời điểm nên năng suất, hiệu quả kinh tế tăng gấp 2 - 3 lần. Na thực sự là cây đã giúp gia đình tôi vươn lên làm giàu.
Đồng chí Nguyễn Đức Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết: Thực hiện nghị quyết của Đảng ủy xã về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, thời gian qua, xã Đồng Tâm đã thay thế các cây trồng kém hiệu quả sang trồng giống na dai. Cây na tỏ rõ là một trong những cây trồng chủ lực, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH của địa phương. Hiện, toàn xã có trên 50 ha na với hơn 40 hộ trồng, chủ yếu ở 2 thôn Đồng Bong, Đại Đồng. Đây là cây trồng không mới ở xã, tuy nhiên, những năm trở lại đây, nhu cầu thị trường và giá bán đều tăng, chất lượng na của địa phương dần được nhiều người biết đến. Do đó, người dân đã chuyển đổi sang trồng na. Ngoài na chính vụ, các hộ đã áp dụng khoa học kỹ thuật để cây cho quả trái vụ, thu hoạch 2 vụ/năm, tăng thêm thu nhập.
Chị Hồ Thị Hương, thôn Đồng Bong cho biết: Để đảm bảo chất lượng và tính an toàn cho sản phẩm, chúng tôi luôn ý thức trong việc chăm sóc cây na và chỉ sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, áp dụng kỹ thuật tỉa cành, tạo tán và thụ phấn. Do đó chất lượng na của thôn Đồng Bong luôn được tư thương lựa chọn. Cứ đến mùa thu hoạch là họ vào tận vườn cắt na, chúng tôi không phải lo đầu ra cho sản phẩm.
Đồng chí Nguyễn Đức Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết thêm: Từ thực tế cho thấy, mô hình trồng na đã và đang mở ra hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế, giúp người dân xã Đồng Tâm đa dạng cây trồng, nâng cao thu nhập. Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, xã đã xây dựng thành công sản phẩm "na Đồng Tâm" đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Qua đó, quả na của Đồng Tâm được nhiều người biết đến hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Quan trọng hơn, việc xây dựng thành công sản phẩm OCOP đã từng bước thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong canh tác, sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp tại địa phương. Để cây trồng này ngày càng hiệu quả, xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể địa phương tăng cường hướng dẫn người dân mở rộng diện tích trồng na theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ nhằm nâng cao hơn nữa giá trị quả na Đồng Tâm trên thị trường.
Minh Tuấn