(HBĐT) - Chi phí chăn nuôi tăng, trong khi giá bán vẫn ở mức thấp khiến nhiều người chăn nuôi trâu, bò trong tỉnh gặp khó khăn. Với mức giá hiện nay, người chăn nuôi cần tận dụng các nguồn thức ăn có sẵn để giảm chi phí, tránh thua lỗ.



Cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác, hơn 2 năm qua, gia đình ông Ngô Văn Dũng, xóm Tràng, xã Tú Lý (Đà Bắc) gặp nhiều khó khăn do giá bò giảm sâu.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY), từ đầu năm đến nay, tổng đàn trâu, bò của tỉnh duy trì ổn định. Trong đó, đàn trâu có khoảng 114 nghìn con, đàn bò khoảng 90 nghìn con. Chăn nuôi trâu, bò vẫn được nhiều hộ chú trọng, nhất là chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả, nuôi nhốt vỗ béo. Những năm trước, nuôi trâu, bò là nghề đem lại nguồn thu nhập lớn khi giá bán ổn định, giá hơi luôn đạt trên 90 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, hơn 2 năm trở lại đây, giá trâu, bò đã chạm đáy và chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Hiện, giá bình quân chỉ đạt khoảng 60 - 65 nghìn đồng/kg.

Gia đình ông Ngô Văn Dũng, xóm Tràng, xã Tú Lý (Đà Bắc) là hộ chăn nuôi bò lâu năm, quy mô từ 20 - 25 con, trong đó có khoảng 10 con sinh sản. Theo ông Dũng, gia đình nuôi các giống bò lai nên có kích thước lớn, sinh trưởng nhanh. Trong giai đoạn "hoàng kim” của nghề nuôi bò, mỗi con xuất bán có thể đem lại thu nhập vài chục triệu đồng cho gia đình. Tuy nhiên, từ thời điểm ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nay, giá bò xuống thấp nên việc chăn nuôi của gia đình gặp rất nhiều khó khăn. "Không chỉ giá thấp mà việc tiêu thụ cũng khó khăn. Ngày trước, một con bò sau 2 năm nuôi thu được 50 - 60 triệu đồng, còn nay thì giảm một nửa. Tính ra, trừ chi phí thì chả được bao nhiêu. Vừa rồi gia đình xuất bán bò, thương lái còn không cân mà mua tù mù luôn. Nói chung, càng nuôi càng khó khăn nhưng vẫn phải duy trì”, ông Dũng ngán ngẩm chia sẻ.

Hơn 4 năm trước, gia đình anh Bùi Văn Chiến, xóm Ong Man, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) quyết định vay ngân hàng để chăn nuôi bò thịt vỗ béo. Hai năm đầu, giá bán ổn định đã đem lại thu nhập khá cho gia đình. Từ số tiền xuất bán những con bò đầu tiên, anh Chiến đã đầu tư tăng số lượng. Hơn hai năm nay, đàn bò đã tăng lên 7 - 8 con. Tuy nhiên, do xuống giá nên từ vật nuôi được xác định là đem lại thu nhập chính, nay anh Chiến phải làm thêm công việc khác để có tiền trang trải. Anh Chiến chia sẻ: Gia đình nuôi nhốt hoàn toàn nên đã trồng gần 1 ha cỏ voi để đảm bảo thức ăn cho bò. Những năm đầu giá bán ổn định, sau 1 - 1,5 năm nuôi, mỗi con bò trừ chi phí đem lại thu nhập khoảng 15 - 20 triệu đồng. Tuy nhiên, từ cuối năm 2021 đến nay, giá bán giảm sâu, do vậy gia đình chủ yếu cho ăn cỏ voi và các loại cây, cỏ ở địa phương để giảm chi phí. Tính ra, với mỗi con bò xuất bán sau 1 chu kỳ nuôi chỉ còn được khoảng 10 triệu đồng.

Nếu như nhiều hộ chọn nuôi bò vì "bò ăn ít hơn trâu”, thì gia đình chị Bùi Thị Ban, xóm Gia Phú, xã Gia Mô (Tân Lạc) lại chọn nuôi trâu vỗ béo. Thời điểm gia đình chị Ban quyết định nuôi trâu là lúc giá vật nuôi giảm sâu nhất nên chi phí đầu tư con giống thấp và dự báo về thị trường có thể sẽ tăng giá trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Với 6 con trâu giống, chuồng trại xây mới hoàn toàn và chi phí trồng cỏ voi, tính ra gia đình chị Ban đã đầu tư trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên với giá như hiện nay, tiền bán trâu không đem lại lời lãi bao nhiêu. "Với mức giá như hiện nay thì không có lãi, trong khi nuôi trâu khá vất vả vì gia đình nuôi hoàn toàn bằng cỏ. Nếu đầu tư thêm thức ăn công nghiệp thì nguy cơ cao sẽ bị thua lỗ”, chị Ban chia sẻ.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY cho biết: Giá trâu, bò giữ ở mức thấp trong thời gian dài khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, nhất là nuôi nhốt vỗ béo. Do đó, để giảm chi phí, người chăn nuôi cần tận dụng các nguồn thức ăn có sẵn, phụ phẩm nông nghiệp, trồng cỏ voi. Hiện nay, việc dự báo giá cả thị trường rất khó vì thịt trâu, bò trong nước đang chịu sự cạnh tranh lớn từ các sản phẩm nhập khẩu. Trong thời gian tới, người chăn nuôi trâu, bò cần tiếp tục theo dõi diễn biến của thị trường để có kế hoạch phù hợp.

Chăn nuôi trâu, bò là nghề đem lại thu nhập chính cho hàng nghìn hộ dân. Tuy nhiên, thực tế việc liên kết để tiêu thụ sản phẩm từ các vật nuôi này chưa được chú trọng. Do đó, người chăn nuôi mong muốn sự đồng hành của các cấp chính quyền, ngành chức năng trong liên kết tìm đầu ra.


Viết Đào

 


Các tin khác


Tạo đà cho thanh niên Mai Châu khởi nghiệp

(HBĐT) - Tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm; đứng ra nhận ủy thác các nguồn vốn tín dụng ưu đãi; tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) chủ động, xung kích trong phát triển kinh tế. Đó là những việc làm thiết thực đã, đang được các cấp bộ Đoàn huyện Mai Châu triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp.

Sản xuất an toàn - nâng cao giá trị na Đồng Tâm

(HBĐT) - Chúng tôi đến thôn Đồng Bong, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy), trên khắp các sườn, đồi nông dân tất bật thu hái na chính vụ. Những cây na trĩu quả khiến ai nấy cũng phấn khởi, bởi tuy năm nay nắng nóng kéo dài, quả na không được đẹp mã như mọi năm song bán vẫn được giá.

Vùng cao Đà Bắc nuôi lợn bản địa, cải thiện thu nhập

(HBĐT) - Những năm trở lại đây, chăn nuôi lợn bản địa được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện vùng cao Đà Bắc chú trọng. Điều này không chỉ phù hợp với điều kiện của địa phương, mà còn đem lại hiệu quả kinh tế khá.

Huyện Cao Phong: Xây dựng sản phẩm OCOP gắn với phát triển vùng nguyên liệu

(HBĐT) - "Căn cứ vào kế hoạch của UBND tỉnh, năm 2023, huyện Cao Phong đã đăng ký thực hiện 3 sản phẩm OCOP là cao nghệ đen của HTX Ngọc Sáng, xã Bắc Phong; rượu mía Thạch Yên và rượu nếp râu Thạch Yên. Rút kinh nghiệm trong quá trình xây dựng các sản phẩm OCOP, năm nay, huyện Cao Phong chú trọng vào những sản phẩm có tính ổn định về vùng nguyên liệu, các sản phẩm chế biến và đảm bảo sản lượng để cung cấp ra thị trường", đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết.

Thịt chua Lâm Tin - hương vị đậm đà khó quên

(HBĐT) - Vị béo ngậy, chua thanh nhẹ của thịt lợn được lên men, vị bùi của thính ngô, hương thơm của hạt dổi tạo nên hương vị đậm đà, thơm ngon khó có thể nhầm lẫn khi thưởng thức thịt chua Lâm Tin. Điều này cũng lý giải tại sao sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, sản phẩm thịt chua Lâm Tin của hộ kinh doanh Bùi Thị Tin, phố Lâm Hóa, xã Vũ Bình (Lạc Sơn) ngày càng mở rộng thị trường và được người tiêu dùng đánh giá cao.

Thành phố Hòa Bình: Hỗ trợ nông dân xây dựng sản phẩm OCOP

(HBĐT) - Nhiệm kỳ 2018 - 2023, các cấp Hội Nông dân TP Hoà Bình đã đẩy mạnh các hoạt động đồng hành, tư vấn, hỗ trợ hội viên nông dân (HVND) xây dựng sản phẩm OCOP từ những nông sản thế mạnh của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục