Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Đồng Nai triển khai mô hình liên kết theo chuỗi giá trị.


Anh San Thượng Minh (xã Phú Lợi, huyện Định Quán, Đồng Nai) thu hoạch ca cao. 

Thực tế cho thấy, việc liên kết mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, doanh nghiệp và nhà nước, giúp hình thành nền sản xuất lớn, đạt tiêu chuẩn an toàn. Tuy nhiên, để liên kết thực sự thành hướng đi bền vững của nền nông nghiệp thì các bên trong chuỗi cũng cần nâng cao trách nhiệm, vai trò của mình.

Ông Trần Quang Hiệp, xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai có hơn 20 năm trồng sầu riêng. Trước đây, ông Hiệp gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, tiêu thụ loại trái cây này. Nguyên nhân do canh tác đơn lẻ, lạm dụng phân hóa học nên cây nhanh bị suy kiệt. Đến kỳ thu hoạch thì phụ thuộc vào thương lái, giá bán bấp bênh. Thời điểm đầu mùa, thương lái tranh mua, trả giá cao nhưng chỉ cắt trái đẹp, cuối mùa thương lái không vào vườn thu mua.

Năm 2020, với sự hỗ trợ của nhà nước, ông Hiệp cùng người dân trong vùng thành lập Tổ hợp tác sầu riêng xã Xuân Quế với 50 thành viên, diện tích hơn 60 ha. Từ đây, các thành viên trong tổ hợp tác được chuyển giao kỹ thuật về nông nghiệp, hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, quy trình sản xuất an toàn; người dân chuyển qua sản xuất sầu riêng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn sạch; đồng thời ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp.

Ông Trần Quang Hiệp chia sẻ, Tổ hợp tác sầu riêng xã Xuân Quế ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty Toàn Thắng (huyện Cẩm Mỹ), doanh nghiệp bao tiêu cả vườn, thu mua toàn bộ trái với giá hợp lý. Đây là cái lợi rất lớn, giúp người dân tiêu thụ hết lượng trái trong vườn. Khi thành lập tổ hợp tác, người dân được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc sầu riêng do nhà nước tổ chức. Nhờ chăm sóc đúng cách, sử dụng phân hữu cơ nên cây sầu riêng bền, chống chịu sâu bệnh tốt hơn, chất lượng quả được đảm bảo.

Trước đây, Đồng Nai là vùng trồng ca cao lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, vì giá bấp bênh nên cách đây hơn 10 năm người dân trong tỉnh ồ ạt chặt bỏ loại cây này. Sau đó, ngành chức năng Đồng Nai đề ra chủ trương liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp và nông dân để xây dựng cánh đồng lớn trên cây ca cao. Từ đây, cây ca cao phục hồi mạnh mẽ, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được cánh đồng lớn trên cây ca cao với diện tích hơn 800 ha. Năm 2023, ca cao của người dân được doanh nghiệp thu mua với giá gần 6.000 đồng/kg, cao hơn thị trường khoảng 1.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ha ca cao người trồng thu lãi trên 150 triệu đồng/năm.

Anh San Thượng Minh, xã Phú Lợi, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai chia sẻ, ca cao là loại cây dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp nhưng nếu phụ thuộc vào thương lái thì người dân luôn bị ép giá. Khi liên kết, doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ trái ca cao cho nông dân với giá cao hơn giá thị trường; đưa ra các quy định đối với việc chăm sóc, thu hoạch ca cao. Điều này giúp nâng cao năng suất cây trồng, chất lượng trái luôn đảm bảo.

Những năm qua, nhờ liên kết với nông dân 6 huyện của Đồng Nai và 2 huyện thuộc tỉnh Bình Thuận (thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã) mà Công ty Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) có được nguồn nguyên liệu ổn định; kiểm soát được chất lượng ca cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Do liên kết mang lại hiệu quả nên doanh nghiệp đang lên phương án hợp tác với người dân khu vực Tây Nguyên và Duyên Hải Miền Trung để mở rộng vùng nguyên liệu.

Ông Đường Dĩ Tấn, phụ trách thu mua Công ty Ca cao Trọng Đức cho biết, để tăng sự ràng buộc trong liên kết, công ty ký hợp đồng với từng hộ với những điều khoản chặt chẽ. Công ty cam kết đảm bảo quyền lợi của người dân khi tham gia liên kết; mong muốn người dân nâng cao trách nhiệm, giữ chữ tín.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, những năm qua, Đồng Nai dành sự quan tâm rất lớn cho mô hình hợp tác, liên kết trong nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 200 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với sự tham gia của trên 160 doanh nghiệp, hợp tác xã và gần 15.000 nông hộ. Việc liên kết tạo thuận lợi cho nhà nước trong chuyển giao khoa học, kỹ thuật, triển khai các chính sách hỗ trợ. Việc này cũng giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp đảm bảo được nguồn nguyên liệu ổn định, đồng thời tạo tiền đề hình thành nền sản xuất lớn.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đánh giá, liên kết mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên, ở Đồng Nai vẫn còn một số mô hình liên kết lỏng lẻo, người dân vì lợi ích trước mắt mà tự phá vỡ hợp đồng, không thực hiện đúng cam kết. Ngoài ra, một số hợp tác xã trên địa bàn chưa làm tốt công tác tổ chức sản xuất. Ngành nông nghiệp sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ liên kết mang lại nhiều lợi ích, là hướng đi chủ đạo trong nông nghiệp; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp qua kinh tế nông nghiệp. Từ đó tạo được giá trị gia tăng cũng như đa giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng, tạo thuận lợi trong trao đổi hàng hóa; gắn liên kết sản xuất với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời rà soát lại những cơ chế, chính sách còn bất cập, đưa ra chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm mở rộng thêm các chuỗi liên kết ngày một bền vững.



Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Huyện Mai Châu xây dựng thương hiệu cho nông sản chủ lực

Huyện Mai Châu có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn tài nguyên phong phú, nhiều vùng có khí hậu khác nhau là điều kiện thuận lợi để đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp và phát triển những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương. Thương hiệu các nông sản Mai Châu ngày càng được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh biết đến và tin dùng như: dưa hấu, cá dầm xanh, tỏi tía, khoai sọ, ngô nếp...

Huyện Đà Bắc hỗ trợ sinh kế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đà Bắc là huyện nghèo duy nhất của tỉnh. Theo rà soát, thu nhập bình quân ước đạt 37,9 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 26,84%. Thực hiện chủ trương của Đảng về công tác dân tộc, xác định phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) gắn với đổi mới cơ cấu kinh tế, tổ chức sản xuất, huyện đã quyết liệt thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ sản xuất, ổn định đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS).

Tư duy mới, tầm nhìn xa

Trong xu thế mở cửa hội nhập toàn cầu hiện nay, Quảng Ngãi đã và đang hình thành một tư duy mới, tầm nhìn xa để tận dụng cơ hội thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để cùng với cả nước vươn lên, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh.

Huyện Đà Bắc: Tiếp vốn kịp thời cho đồng bào dân tộc thiểu số

Việc triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giúp nhiều hộ dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng khó khăn trên địa bàn huyện Đà Bắc vượt qua khó khăn, cải thiện thu nhập.

Tiêu hủy hơn 3 nghìn đơn vị sản phẩm là tang vật vi phạm hành chính

Sáng 21/12, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh tổ chức tiêu hủy tài sản là tang vật bị tịch thu do vi phạm hành chính.

Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước

Ngày 21/12, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Bộ Ngoại giao tổ chức phiên họp toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo. Dự hội nghị có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục