Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân cùng những giải pháp được triển khai đồng bộ, hiệu quả, năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục khẳng định vai trò là "trụ đỡ" của nền kinh tế với nhiều thành quả đáng mừng.



Nhân viên Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân (TP Hòa Bình) sơ chế mía trắng trước khi đóng gói đưa đi xuất khẩu.

Là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh, Công ty CP Kim Bôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) chủ yếu cung cấp các sản phẩm sơ chế, chế biến từ măng và một số sản phẩm sơ chế, chế biến như phở, sung muối, dưa cải muối sang thị trường các nước: Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Hàn Quốc, Úc, Angola, Anh, Đông Âu... Trong đó, sản phẩm đặc trưng là măng Kim Bôi và phở khô Kim Bôi đã được công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh. Ông Ngô Đức Sinh, Giám đốc Công ty CP Kim Bôi cho biết: Công ty đang hướng tới mục tiêu đưa thương hiệu măng Hòa Bình đến với nhiều thị trường xuất khẩu mới trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, đảm bảo sinh kế cho người dân địa phương.

Cùng với sản phẩm măng, những năm gần đây, liên tiếp các loại nông sản áp dụng quy trình sản xuất sạch, chất lượng cao đã được "xuất ngoại” như: bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn Yên Thủy, nhãn Sơn Thủy (Kim Bôi), mía Lạc Sơn, cam Cao Phong... Đó là những kết quả tích cực bước đầu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ (NQĐHĐB) tỉnh lần thứ XVII đề ra là: Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng bình quân 18% trở lên. Đồng thời cũng là cụ thể hóa kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 của UBND tỉnh, trong đó có mục tiêu phát triển các hình thức sơ chế, chế biến, tạo sản phẩm đa dạng phục vụ thị trường xuất khẩu và tiêu dùng trong nước...

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tích cực triển khai, thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch trong lĩnh vực NN&PTNT. Các hoạt động nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được chú trọng. Xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch, tập trung thực hiện những chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lĩnh vực NN&PTNT như Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 9/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025...

Những nỗ lực của ngành NN&PTNT, sự vào cuộc tích cực của chính quyền các địa phương và những cố gắng trong sản xuất của nông dân đã góp phần thực hiện đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu phát triển ngành so với chỉ tiêu NQĐHĐB tỉnh đề ra trong nửa nhiệm kỳ qua. Tốc độ tăng trưởng ngành (GRDP) nông, lâm, thủy sản đạt 4,69%/năm; độ che phủ rừng duy trì 51,69%, vượt 0,37% chỉ tiêu nghị quyết. Mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm được triển khai đến các huyện, thành phố; công tác quản lý nhà nước trong nông nghiệp được tăng cường, phát huy hiệu quả. Giá trị sản phẩm trung bình trên diện tích đất canh tác trồng trọt đạt từ 160 - 165 triệu đồng/ha, trên diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 180 - 200 triệu đồng/ha; trên 4.400 ha đất sản xuất đã thực hiện dồn điền, đổi thửa...

Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Với các chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp đã tăng khá trong thời gian qua. KT-XH của tỉnh ngày càng phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp cộng với các chính sách mở cửa, hội nhập với nền kinh tế thế giới… là những điều kiện thuận lợi để ngành nông nghiệp tỉnh phát triển. Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp đạt được những thành tựu đáng kể. Một số chỉ tiêu đã đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra cho cả giai đoạn. So với giai đoạn 2015 - 2020, sản lượng các cây trồng, vật nuôi chính đều tăng. Mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm được triển khai đến các địa phương; công tác quản lý nhà nước trong NN&PTNT được tăng cường, phát huy hiệu quả. Số dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có xu hướng tăng. Giải pháp cơ cấu lại ngành, Chương trình OCOP, xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện đồng bộ, đảm bảo theo kế hoạch. Nổi bật nhất trong nửa nhiệm kỳ là hoạt động xuất khẩu nông sản chủ lực, có lợi thế của tỉnh. Đây là hoạt động mang tính đột phá của ngành nông nghiệp, với tỷ lệ giá trị xuất khẩu nông, lâm sản năm 2023 tăng 10,01% so với năm 2022. Đồng thời, thời gian tới, các sản phẩm bưởi đỏ, bưởi Diễn của 7 hợp tác xã được xuất khẩu sang thị trường Anh quốc, Mỹ và EU với giá trị khoảng 1,29 tỷ đồng.


Thu Hằng

Các tin khác


Từ 1/1/2024, giảm thuế giá trị gia tăng 2%

Chính phủ ban hành Nghị định 94/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội.

Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình năm 2023

Ngày 29/12, Cục Thống kê tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê KT-XH năm 2023 của tỉnh. Dự họp báo có đại diện các sở, ban, ngành và phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh.

Năm 2024, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt 4,5%

Ngày 29/12, Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và phát biểu chỉ đạo.

Xã Suối Hoa đẩy mạnh nghề nuôi cá lồng

Xã Suối Hoa (Tân Lạc) có 6/8 xóm tiếp giáp vùng lòng hồ Hòa Bình. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân khai thác, phát triển mô hình nuôi cá lồng, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời là cơ hội xây dựng thương hiệu cá lồng - sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Triển khai nhiệm vụ xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch năm 2024

Chiều 28/12, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch (XTĐT,TM&DL) tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục