Hộ bà Bùi Thị Thoa, xóm Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc) tích cực học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển mô hình nuôi cá lồng.
Thời điểm cuối năm, nhiều hộ nuôi cá lồng tại xóm Ngòi phấn khởi bởi năm nay thị trường ổn định, dịch bệnh không gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Hộ bà Bùi Thị Thoa có trên 30 lồng cá, gồm các giống cá: lăng đen, trắm cỏ, chép… So với năm trước, sản phẩm năm nay được tư thương thu mua với mức giá cao hơn, như cá lăng 120.000 - 150.000 đồng/kg, trắm cỏ 100.000 đồng/kg, rô phi 70.000 đồng/kg… Năm 2023, sản lượng cá cung cấp ra thị trường của hộ bà Thoa ước đạt 5 - 6 tấn, lợi nhuận đạt khoảng 150 triệu đồng. Bà Thoa cho biết: "Để tiếp tục thúc đẩy và nhân rộng mô hình nuôi cá lồng, toàn bộ lợi nhuận được gia đình tôi sử dụng mua giống, đầu tư hệ thống lồng, bè kiên cố. Cùng với đó, gia đình chú trọng tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Vì vậy, các sản phẩm cá lồng của gia đình được tư thương trên địa bàn và các vùng lân cận tin tưởng lựa chọn thu mua. Ngoài ra, gia đình đã liên kết tiêu thụ sản phẩm tại các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn để đảm bảo cung - cầu ổn định”.
Xã Suối Hoa có diện tích nuôi trồng thủy sản gần 3 ha. Theo rà soát, toàn xã có trên 600 lồng cá, trong đó có 280 lồng được hỗ trợ từ các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế đối với người dân vùng ven lòng hồ Hòa Bình. Hiện nay, hộ dân tại các xóm tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống lồng bè để nuôi những giống cá có giá trị. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua mạng xã hội facebook, zalo nhằm tiếp cận người tiêu dùng. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2023 ước đạt 55 tấn.
Nhằm đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền nhân dân tận dụng tiềm năng, lợi thế để phát triển nghề nuôi cá lồng. Phối hợp ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.
Tuy nhiên, để mô hình nuôi cá lồng phát triển hiện quả, xây dựng được thương hiệu, tạo chỗ đứng trên thị trường còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các hộ hiện phát triển mô hình theo quy mô nhỏ lẻ; quy trình sản xuất theo hướng truyền thống, chưa ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Các hộ nuôi cá lồng chưa liên kết, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã. Do đó công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm chưa được quan tâm, chú trọng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu do tư thương thu mua, giá thành một số thời điểm không ổn định.
Đồng chí Đinh Văn Bượng, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Hoa khẳng định: "Mô hình nuôi cá lồng đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế, giúp hộ dân nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, để cá lồng thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xã mong muốn chính quyền các cấp, sở, ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ điều kiện tốt nhất giúp người dân ổn định sản xuất. Tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ nuôi cá thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Song song với nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua đó quyết tâm xây dựng thương hiệu cá lồng trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, giúp nhân dân giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đức Anh