Với cách quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các cấp Hội Nông dân (HND) và hội viên, những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã trở thành một trong những nguồn tín dụng giúp nông dân phát triển sản xuất - kinh doanh (SXKD), đem lại hiệu quả thiết thực, trở thành điểm tựa vững chắc góp phần giảm nghèo, phát triển KT-XH ở các địa phương. Từ nguồn vốn vay này, nhiều hội viên nông dân (HVND) đã giải quyết được khó khăn, từng bước nâng cao quy mô sản xuất, phát triển ngành nghề và các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn...


Nông dân thị trấn Cao Phong (Cao Phong) phát triển kinh tế với mô hình chăn nuôi gia cầm kết hợp trồng cây ăn quả có múi.

HND thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) hiện quản lý nguồn Quỹ HTND 550 triệu đồng, thông qua 2 dự án cho 18 hộ vay vốn. Từ nguồn vốn vay này, các hộ đã mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn tạp, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng quy mô phát triển ngành nghề, vươn lên ổn định cuộc sống. Bà Bùi Mai Thanh, Chủ tịch HND thị trấn Hàng Trạm cho biết: Qua các đợt kiểm tra, rà soát tại các cơ sở hội có thể thấy nguồn Quỹ HTND được các hộ vay sử dụng đúng mục đích. Khi hết thời hạn vay, các hộ trả vốn và phí đầy đủ, đồng thời tạo được mối liên kết giữa các hộ vay vốn khi trao đổi kinh nghiệm sử dụng vốn hiệu quả, kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất... Hiện nay, từ nguồn Quỹ HTND, trên địa bàn thị trấn có một số dự án, mô hình kinh tế phát huy hiệu quả như: hộ chị Bùi Thị Ngọc, khu phố Khang Chóng với dự án chăn nuôi bò sinh sản; hộ anh Bùi Văn Liêm, khu phố Khang Chóng với dự án nuôi lợn nái...

Không chỉ tại thị trấn Hàng Trạm, năm qua, Quỹ HTND đã giải ngân 60 dự án trong toàn tỉnh với số tiền 19,195 tỷ đồng, cho 574 nông dân vay vốn, nâng tổng số dự án cho vay lên 184 với trên 8.270 lượt hộ được vay vốn. Cũng từ nguồn vốn Quỹ HTND, nhiều dự án hiệu quả đã xây dựng được các mô hình tổ hợp tác SXKD. Trong năm 2023, toàn tỉnh thành lập mới 14 HTX và 105 tổ hợp tác, nâng tổng số lên 240 HTX và 598 tổ hợp tác... Qua đó góp phần thay đổi nhận thức của nông dân, chuyển từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, góp phần xây dựng mô hình hợp tác sản xuất và tạo niềm tin cho cán bộ, HVND, thu hút nhiều hội viên tham gia. 

Cùng với phát huy hiệu quả việc quản lý và sử dụng nguồn Quỹ HTND, các cấp Hội tăng cường hoạt động hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún, đơn độc sang sản xuất lớn; định hướng từ sản xuất hộ sang theo chuỗi giá trị, mở rộng liên kết; từ sản xuất chú trọng năng suất chuyển sang chú trọng giá trị gia tăng; đồng thời tăng cường áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Năm qua, toàn tỉnh có 70.789 hộ HVND đăng ký và có 40.132 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp (đạt 121,6% chỉ tiêu giao). Từ "điểm tựa” của nhà nông, nhiều hộ nông dân đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá, giàu. Tiêu biểu như hộ ông Hà Văn Cương, xóm Văn, thị trấn Mai Châu với mô hình nuôi dê, kết hợp kinh doanh nhà nghỉ du lịch; hộ ông Đinh Công Sử, xã Cao Sơn (Lương Sơn) với mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả, thu nhập bình quân hàng năm trên 1,5 tỷ đồng; hộ bà Nguyễn Thị Thúy Ngân, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) với mô hình chăn nuôi bò sữa kết hợp trồng cây lâu năm, thu nhập bình quân hàng năm trên 1,3 tỷ đồng...

Đồng chí Bùi Đức Biên, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Quỹ HTND được triển khai với mục tiêu ưu tiên cho vay để xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương; ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ mới vào SXKD; có sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; sản phẩm tạo ra phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng tới sản phẩm đạt chuẩn OCOP của địa phương. Năm qua, tăng trưởng nguồn Quỹ HTND là 8,248 tỷ đồng, nâng tổng số Quỹ HTND lên 54,288 tỷ đồng. Đã có 60 dự án được giải ngân, với hàng trăm hộ HVND được vay vốn để phát triển SXKD. Có thể nói, nguồn Quỹ HTND đã và đang trở thành "điểm tựa” giúp HVND trong tỉnh đầu tư mở rộng SXKD, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm. Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới.


Thu Hằng

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục