Trang trại gà của chị Quách Thị Loan, thôn Sóc Bai, xã Yên Bồng (Lạc Thủy) cho thu nhập cao, tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 6 lao động.
Đồng chí Quách Hoàng Hiệp, Chủ tịch UBND xã Yên Bồng cho biết: "Xã đã đề ra các phương hướng, kế hoạch phát triển lợi thế cho từng loại sản phẩm của địa phương. Cùng với đó là sự cố gắng của các chủ trang trại đã đưa mô hình kinh tế ngày càng phát triển bền vững, mở rộng, đem lại lợi nhuận cao, đảm bảo quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó, trên địa bàn xã có nhiều nông dân giỏi, điển hình tiên tiến với quy mô sản xuất lớn, thu nhập vượt trội hơn nhiều so với thu nhập bình quân của xã".
Toàn xã có trên 50 mô hình kinh tế trang trại, gia trại quy mô từ nhỏ đến lớn. Hiện, ngành chăn nuôi vẫn là thế mạnh của địa phương với tổng đàn gia cầm 72.000 con, lợn 3.800 con, dê 770 con, ong mật trên 1.200 đàn, sản lượng trên 20 tấn mật/năm. Xã có gần 20 trang trại, gia trại chăn nuôi gà ri Lạc Thủy quy mô khoảng 400 - 500 con/gia trại, 7.000 - 8.000 con/trang trại, nhiều trang trại, gia trại có thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho từ 20 - 30 lao động. Xã xuất hiện nhiều gương nông dân làm kinh tế giỏi như: chị Quách Thị Loan (thôn Sóc Bai) với mô hình chăn nuôi gà thịt; ông Dương Văn Ưu (thôn Hồng Phong) với mô hình nuôi ong mật; ông Nguyễn Văn Quý (thôn Hồng Phong 2) với mô hình nuôi ong kết hợp canh tác, chế biến các loại lâm sản…
Thăm trại gà của chị Quách Thị Loan, thôn Sóc Bai, chị Loan cho biết: "Phát triển mô hình trang trại khép kín mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững cho gia đình tôi. Nhờ tận dụng tốt các nguồn vốn vay, mạnh dạn đầu tư sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, tuân thủ nghiêm ngặt quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, mô hình chăn nuôi 7.500 con gà ri bản địa cho thu nhập từ 400 - 450 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 6 lao động".
Với tiềm năng đất đồi rừng lợi thế cho việc chăn nuôi, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm sạch, số lượng đàn vật nuôi của xã phát triển cả về quy mô, chất lượng. Trong năm 2023, xã trồng được 138,79 ha rừng, công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng được duy trì thường xuyên. Nhiều trang trại, gia trại nông - lâm kết hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, chất lượng sản phẩm được nâng lên. Bên cạnh phát triển kinh tế trang trại, xã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh như: khai thác vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm sản, thực phẩm, cơ khí, vận tải, may mặc… đem lại thu nhập ổn định, tạo nhiều việc làm cho người lao động.
Hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân, xã tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi gia cầm, phòng trừ sâu bệnh hại, nuôi ong mật; triển khai các kênh vay vốn ủy thác thông qua các hội, đoàn thể…, giúp người dân tiếp cận gần hơn với nhiều nguồn vốn để mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 75,7 triệu đồng/năm.
Đồng chí Quách Hoàng Hiệp, Chủ tịch UBND xã Yên Bồng cho biết thêm: "Phát triển kinh tế trang trại là hướng đi phù hợp với đặc thù địa hình đồi núi thấp của địa phương, giúp đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ các loại cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi cho sản lượng, lợi nhuận cao, góp phần nâng cao thu nhập, tạo sự bền vững trong sản xuất, kinh doanh. Thời gian tới, xã tiếp tục chỉ đạo, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho đầu tư SX-KD; hỗ trợ vay vốn sản xuất cho nông dân; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường nhằm từng bước đưa sản phẩm của địa phương cạnh tranh hơn với thị trường trong và ngoài tỉnh”.
Hoàng Anh