Để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, văn minh mùa lễ hội đầu xuân, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ.
Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp cùng các ngành chức năng kiểm tra hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn). Ảnh: P.V
Ngay sau Tết Nguyên đán, các lễ hội, nhiều điểm tham quan, khu di tích, đền chùa tại Hòa Bình thu hút khá đông người dân, du khách thập phương đến chiêm bái, vãn cảnh. Do đó, hoạt động mua sắm, dịch vụ thương mại diễn ra nhộn nhịp, dễ xảy ra nguy cơ việc tăng giá bất hợp lý, chèn ép du khách.
Để đảm bảo các hoạt động mua sắm, dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi của người dân, du khách an toàn, văn minh, Cục QLTT tỉnh đã tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường, không để tình trạng bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, tình trạng "chặt chém” khách hàng tại các điểm kinh doanh, buôn bán, đặc biệt là những nơi diễn ra các lễ hội Xuân.
Theo đồng chí Vì Văn Dậu, cán bộ Đội QLTT số 4, hiện nay, Đội chịu trách nhiệm quản lý địa bàn các huyện: Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu. Đây cũng là địa bàn diễn ra nhiều lễ hội lớn dịp đầu năm. Do đó, sau Tết Nguyên đán, đơn vị tập trung kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phục vụ lễ hội đầu Xuân, nhất là hàng hóa thiết yếu, những mặt hàng được người dân tiêu thụ nhiều. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thực hiện đúng quy định pháp luật, đặc biệt là niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết, nguồn gốc hàng hóa, đảm bảo tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), mục tiêu nhằm không để xảy ra các hoạt động tiêu cực ảnh hưởng đến du khách, góp phần đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng.
Với cách làm đó, lực lượng QLTT đã góp phần giữ ổn định thị trường tại các lễ hội. Điển hình như tại Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể Keng Loóng và Lễ hội Xên Mường (Mai Châu), diễn ra trong các ngày 9 - 10 tháng Giêng, có 16 gian hàng tham gia trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm tại lễ hội. Hàng hóa chủ yếu là mặt hàng truyền thống của các xóm, xã được niêm yết giá đảm bảo; không vi phạm ATVSTP. Hay tại Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường, diễn ra từ mùng 6 - 8 tháng Giêng tại huyện Tân Lạc, có 49 cơ sở tham gia cung ứng hàng hóa. Tất cả các mặt hàng được niêm yết giá đầy đủ; Ban chỉ đạo ATVSTP huyện đã đi kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh ăn uống tại lễ hội; không có đơn vị nào vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Không chỉ ở địa bàn Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, tại các địa phương khác, lực lượng QLTT cùng các ngành chức năng cũng tập trung bám nắm địa bàn, thực hiện nhiệm vụ quản lý thị trường hàng hóa mùa cao điểm lễ hội sau Tết.
Đội QLTT số 1 thực hiện QLTT khu vực TP Hòa Bình, huyện Đà Bắc, Lương Sơn. Đây đều là những địa bàn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Do đó, sau Tết, đơn vị đã tập trung quân số, trực tiếp kiểm tra tại nhiều địa điểm kinh doanh, chú trọng về chất lượng an toàn thực phẩm, giá cả hàng hóa. Thực hiện kế hoạch của Cục về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, Đội đã tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, nhất là khu vực đền, chùa nơi phục vụ khách thập phương đến chiêm bái, vãn cảnh đầu năm. Trong 2 tháng thực hiện đợt cao điểm, riêng trên địa bàn huyện Lương Sơn, Đội đã độc lập và phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm tra 20 cơ sở, qua đó, xử phạt vi phạm hành chính 8 cơ sở, phạt tiền 16 triệu đồng.
Nhờ làm tốt công tác QLTT, môi trường kinh doanh văn minh đã mang lại sự yên tâm, ấn tượng tốt đẹp với du khách khi về với Hòa Bình. Chị Phan Thị Hà (huyện Nho Quan, Ninh Bình) chia sẻ: Đầu Xuân gia đình tôi đến Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường. Tôi có mua một số mặt hàng khu vực xung quanh lễ hội và sử dụng dịch vụ ăn uống trên địa bàn, tôi thấy giá cả cơ bản hợp lý, không có hiện tượng tăng giá đột biến, "chặt chém” khách hàng.
Theo đồng chí Đỗ Mạnh Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp, Cục QLTT, đơn vị đã chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc, đặc biệt là các địa bàn có nhiều điểm thu hút đông đảo du khách chủ động các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Qua công tác kiểm tra từ sau Tết đến nay, về cơ bản các tổ chức, cá nhân kinh doanh đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật.
Cùng với công tác kiểm tra, lực lượng QLTT cũng phối hợp với chính quyền địa phương, ban quản lý các khu di tích thực hiện ký cam kết, đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở dịch vụ thương mại chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong kinh doanh. Đồng thời, khuyến cáo người dân, du khách gọi điện tới số điện thoại đường dây nóng 0982891518 khi phát hiện các hành vi gian lận thương mại.
Minh Vũ
Thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lực lượng QLTT đã độc lập và phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra 202 vụ, xử lý vi phạm hành chính 132 vụ, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính 348,6 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu trên 42 triệu đồng. Trong đó, độc lập kiểm tra 160 vụ, xử lý vi phạm hành chính 109 vụ, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính 240 triệu đồng, trị giá hóa vi phạm trên 13,5 triệu đồng. |
Ngày 9/3/2024, Tập đoàn AGroup tiến hành khởi công Lakeside Village - dự án duy nhất cho đến thời điểm hiện tại được xây dựng theo tiêu chuẩn resort 5 sao ở lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình có đầy đủ giấy tờ pháp lý. Dự kiến, đây sẽ là nơi tổ chức cuộc thi Hoa hậu Quốc gia Việt Nam vào tháng 10 năm 2024.
Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh đang làm chủ đầu tư nhiều công trình quan trọng của tỉnh. Triển khai thực hiện các dự án, Ban đã chủ động kiểm tra, giám sát các đơn vị thi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình do Ban làm chủ đầu tư. Qua đó đạt được tỷ lệ giải ngân vốn cao, công trình đảm bảo chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu về công năng sử dụng cũng như phục vụ kết cấu hạ tầng phát triển.
Nhập khẩu gia tăng trong một thời gian ngắn đã gây ra áp lực lên tỷ giá, thể hiện ở đầu năm 2024 khi tỷ giá đang tăng nóng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, biến động đi lên của tỷ giá chỉ mang tính ngắn hạn, tiền đồng vẫn có khả năng tăng giá trở lại trong trung và dài hạn.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng dệt may đạt 5,2 tỷ USD xuất khẩu, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 4 trong nhóm mặt hàng có kim ngạch cao nhất cả nước.
Phát triển kinh tế tập thể luôn là mục tiêu xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Thực tế cho thấy, tiềm năng phát triển khu vực kinh tế tập thể rất lớn nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp cận được các nguồn lực cho đầu tư phát triển.