Chiều 15/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến lấy ý kiến dự thảo Báo cáo rà soát cơ chế đặc thù vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT chủ trì hội nghị. Tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, UBND 14 tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành chức năng.
Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình.
Bộ KH&ĐT đang đề xuất thực hiện 4 nhóm chính sách với 11 chính sách đặc thù, bao gồm: nhóm chính sách về phát triển hạ tầng giao thông kết nối; nhóm chính sách về phát triển kinh tế biên mậu, hạ tầng cửa khẩu; nhóm chính sách về quản lý, phát triển rừng, nguồn nước; nhóm chính sách về an sinh xã hội.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận nhằm triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù như: chính sách nâng tỷ lệ dư nợ vay ngân sách địa phương; nâng tỷ lệ vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của các địa phương trong thực hiện nhóm chính sách phát triển hạ tầng giao thông kết nối; chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu, phát triển hạ tầng thương mại biên giới, xây dựng thí điểm một số khu kinh tế biên giới; chính sách để lại thuế xuất nhập khẩu cho các địa phương nhằm phát triển kinh tế biên mậu, hạ tầng cửa khẩu; chính sách điều chỉnh định mức bảo vệ, phát triển rừng và phí dịch vụ môi trường rừng; thí điểm thị trường cacbon nhằm thực hiện nhóm chính sách về quản lý phát triển rừng, nguồn nước; chính sách hỗ trợ nhà cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa có nhà ở nhằm thực hiện nhóm chính sách về an sinh xã hội...
Phát biểu thảo luận, đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Các chính sách đặc thù có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển KT-XH vùng trung du, miền núi Bắc Bộ. Cơ bản đồng tình với các chính sách đặc thù đang được đề xuất, song đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần có cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển hạ tầng giao thông kết nối với vùng đồng bằng, liên kết vùng, nhất là phát triển các tuyến cao tốc Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình đến cảng biển Nghi Sơn, Thanh Hóa và kết nối với các cảng biển, sân bay quốc tế. Để huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng, đối với các dự án PPP cần nâng mức vốn Nhà nước tham gia từ 50 - 70% tổng mức đầu tư và nâng hạn mức dư nợ cho vay của các tỉnh miền núi lên từ 20% lên 40 - 50% tổng thu ngân sách và tỷ lệ vay lại ở mức 10 - 15%. Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng hạ tầng du lịch cho các tỉnh được quy hoạch khu du lịch quốc gia và các cơ chế, chính sách khai thác kinh tế rừng.
Đặc biệt, đồng chí Quách Tất Liêm cho rằng, để các cơ chế, chính sách đặc thù phát huy được hiệu lực và đi vào cuộc sống cần có sự điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách đồng bộ, như vậy mới đảm bảo cho việc thực hiện và áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù được hiệu quả, hợp pháp và hợp lý.
P.V
Tổng Cục thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố dữ liệu báo cáo tình hình kinh tế xã hội từ đầu năm đến nay, trong đó, đáng chú ý là hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) đã ghi nhận những tín hiệu tích cực về thu hút vốn đầu tư, số doanh nghiệp BĐS quay trở lại thị trường, gia tăng giao dịch các sản phẩm BĐS.
Ngày 14/3, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) tại huyện Cao Phong.
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT), góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, nhất là trong công tác quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thuận lợi, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 244/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ triển khai quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh; giao Cục Thuế tỉnh làm Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành.
Huyện Lạc Sơn đang tích cực phối hợp các sở, ngành giải quyết khó khăn, vướng mắc hoàn thiện công tác lập quy hoạch đảm bảo chất lượng trình cấp thẩm quyền phê duyệt, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, khai thác tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực du lịch, đô thị sinh thái, công nghiệp, nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Những năm gần đây, tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn huyện Mai Châu đã chủ động thích ứng, thay đổi tư duy kinh doanh, hướng đến cung cấp đa dạng các dịch vụ tiện ích và chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó từng bước đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Năm 2024, Chính phủ đã khôi phục Chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Sự trở lại của Nghị quyết sau một năm gián đoạn, mang theo thông điệp cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, thể hiện mức độ quan tâm và đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp.