Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.


Cán bộ UBND xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) trao đổi với hộ chăn nuôi gà ri về nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Sau hơn 4 năm khởi nghiệp, gia đình anh Bùi Văn Hùng ở xóm Duộng Rềnh hiện là một trong những hộ chăn nuôi gà ri tiêu biểu trên địa bàn. Với diện tích khoảng 1ha, vợ chồng anh duy trì chăn nuôi gà thả vườn với giống gà ri bản địa. Tổng đàn năm 2023 đạt gần 16.000 con, nuôi gối trong 3 lứa, mỗi lứa từ 4,5 - 6 tháng. Thị trường tiêu thụ chính trên địa bàn và các vùng lân cận. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận năm 2023 ước đạt trên 400 triệu đồng. Anh Hùng chia sẻ: Mô hình chăn nuôi gà ri đã giúp gia đình tôi cải thiện thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Yếu tố quan trọng nhất quyết định đến thành công là chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy chúng tôi phải tích cực học hỏi, tìm tòi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao quy trình chăn nuôi, sản xuất. Hiện nay, sản phẩm của gia đình tôi không lo về đầu ra. Tuy nhiên, để phát triển lâu dài và bền vững cần nhanh chóng xây dựng, quảng bá thương hiệu gà Quyết Thắng đến với các thị trường rộng lớn hơn.

Xã Quyết Thắng có địa hình, khí hậu tự nhiên và hệ thống giao thông thuận lợi để phát triển chăn nuôi. Theo rà soát, xã hiện có trên 300 hộ chăn nuôi gà quy mô từ 500 - 2.000 con/năm, trong đó, gần 15 hộ chăn nuôi quy mô từ 2.000 - 6.000 con và lớn hơn. Nắm bắt nhu cầu của thị trường, các hộ chăn nuôi từng bước phát triển, nhân rộng mô hình chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm..., phát triển thành chuỗi giá trị sản phẩm. Đồng thời tham gia vào Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi và cung ứng gà Chí Thiện để trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Anh Bùi Văn Huế, Phó Giám đốc HTX chăn nuôi và cung ứng gà Chí Thiện chia sẻ: "Với mong muốn bảo tồn, nhân rộng giống gà ri bản địa, HTX tập hợp trên 10 hộ chăn nuôi với mục tiêu phát triển, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương. Đây là ngành nghề phù hợp điều kiện thực tế tại cơ sở, có thể giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Hiện nay, HTX cung ứng gà thương phẩm, gà giống bản địa. Năm 2023, HTX cung cấp khoảng 80 tấn gà thịt, 350.000 con gà giống ra thị trường”.

Gà ri tại xã Quyết Thắng dần khẳng định chất lượng trên thị trường và được thương lái tin tưởng lựa chọn bởi mã đẹp, giống khỏe mạnh. Theo chia sẻ của những hộ chăn nuôi, gà ri tại vùng đất này có lông màu mơ, chân nhỏ, mào đỏ, cân nặng trung bình khoảng 1,4 kg. Hiện giá gà thương phẩm trên thị trường khoảng 120.000 đồng/kg, một số thời điểm có thể lên 140.000 đồng/kg, tuy nhiên nguồn cung không đảm bảo.

Theo thống kê năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã Quyết Thắng đạt 35 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo gần 30%. Xác định mô hình chăn nuôi gà là mô hình kinh tế giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, đoàn thể. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển, nhân rộng mô hình nuôi gà. Duy trì tổ chức các lớp tập huấn về lĩnh vực chăn nuôi, tổ chức tham quan, học hỏi các trang trại chăn nuôi đem lại thu nhập cao. Tạo điều kiện tối đa cho nhân dân được tiếp cận các nguồn vốn chính sách với lãi suất ưu đãi. Huy động nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông thuận tiện cho việc giao thương hàng hóa.

Đồng chí Bùi Xuân Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Quyết Thắng khẳng định: Việc xây dựng thương hiệu gà ri Quyết Thắng trở thành sản phẩm OCOP là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu nghị quyết đã đề ra. Thời gian tới, xã tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến thị trường trong và ngoài tỉnh. Đẩy mạnh giao thương, liên kết tiêu thụ tại chuỗi siêu thị, nhà hàng… Mong muốn các hộ chăn nuôi chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất. Qua đó từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện thu nhập, đời sống, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.


Đức Anh

Các tin khác


Huy động trên 11 nghìn ngày công làm công tác dân vận

Thực hiện công tác dân vận, trong 5 năm qua (2019 - 2024), LLVT tỉnh và các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn đã tổ chức 47 đợt "Hành quân huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận”. Qua đó huy động 11.132 ngày công của CB,CS, trên 1.000 lượt phương tiện tham gia giúp dân lao động sản xuất, vệ sinh môi trường, sửa chữa nhà ở.

Quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và kết nối tiêu thụ sản phẩm

Nhằm thúc đẩy kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm trong tỉnh, Hội Nông dân tỉnh vừa có Công văn số 339-CV/HNDT về tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) và kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Huyện Đà Bắc vượt khó xây dựng nông thôn mới

Xuất phát điểm thấp, yêu cầu của các tiêu chí ngày càng cao nên công cuộc xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng cao Đà Bắc còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện chung sức, đồng lòng, nỗ lực đẩy nhanh chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hiệu quả mô hình trồng hoa ly ở xã Bình Sơn

Cách đây 10 năm, gia đình anh Vì Văn Trường ở xóm Khăm, xã Bình Sơn, huyện Kim Bôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà màng trên 10.000 m2 để trồng hoa ly là loài hoa đẹp, được thị trường ưa chuộng. Nhờ đó gia đình anh đã có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Tiết kiệm 428.000 số điện sau 1 giờ tắt đèn

Qua số liệu về mức tiêu thụ điện toàn quốc, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết, sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 (từ 20h30 đến 21h30 ngày 23/3/2024), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 428.000 kWh (tương đương số tiền khoảng 858,9 triệu đồng).

Hội Nông dân huyện Cao Phong: Giải ngân 600 triệu đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân

Nhằm hỗ trợ hội viên nông dân có điều kiện phát triển sản xuất và có thu nhập ổn định, đồng thời khẳng định vai trò của Hội Nông dân (HND) trong các hoạt động hỗ trợ, đồng hành với hội viên, từ đầu tháng 1/2024, HND huyện Cao Phong đã hướng dẫn HND các xã, thị trấn và hội viên xây dựng các dự án, thực hiện bình xét các hộ có nhu cầu vay vốn; phối hợp với Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh thực hiện thẩm định dự án, trình Ban Thường vụ HND tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục