Toàn tỉnh hiện có 339 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, nhiều HTX, tổ hợp tác đã, đang triển khai thực hiện việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp nhằm tăng giá trị sản phẩm và nguồn thu nhập cho thành viên HTX.
Những năm gần đây, sản phẩm bưởi của Hợp tác xã nông nghiệp Đại Đồng, xã Ngọc Lương (Yên Thủy) từng bước xây dựng thương hiệu và đã được xuất khẩu sang thị trường Anh quốc.
Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, Hợp tác xã Liên Khương (Kim Bôi) hợp tác với các doanh nghiệp ở Hà Nội bao tiêu sản phẩm.
Thực trạng hoạt động của hợp tác xã
Theo Liên minh HTX tỉnh, sản phẩm của các HTX trong tỉnh chủ yếu là thực phẩm tươi sống hoặc nguyên liệu thô thu hoạch theo thời vụ, tỷ lệ hao hỏng cao, phụ thuộc vào thị trường nên lợi nhuận chưa cao. Sản phẩm qua chế biến, có thương hiệu và giá trị chưa nhiều. Cụ thể, trong 158 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao của tỉnh thì có 17 sản phẩm 4 sao và 98 sản phẩm 3 sao là của tổ chức kinh tế tập thể. 30% HTX có sản phẩm được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hữu cơ. 10 HTX và 1 tổ hợp tác được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số vùng trồng nội địa; 4 HTX đang chờ xét duyệt cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Các HTX đóng góp quan trọng đối với đảm bảo an sinh xã hội, đem lại nhiều lợi ích thông qua các dịch vụ cho cộng đồng, thành viên và đời sống kinh tế nông thôn; góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi, trực tiếp góp phần vào tăng năng suất, sản lượng nông nghiệp và nâng cao đời sống nhân dân. Tham gia tích cực trong xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo.
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, HTX trên địa bàn chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ. Năng lực tích lũy thu hút thành viên và vốn đầu tư của HTX còn hạn chế. Một số nơi HTX chưa thực hiện đúng nguyên tắc, cơ chế hoạt động theo quy định: Thành viên góp vốn không đầy đủ, không có sổ theo dõi góp vốn thành viên, không ký hợp đồng hợp tác giữa HTX và thành viên, đại hội thường niên chưa đảm bảo, chưa chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo, quản lý tài chính kế toán chưa bài bản, không đăng ký mã số và kê khai đầy đủ... Mặt khác, trình độ quản trị, tiếp cận khoa học công nghệ, thị trường của HTX, tổ hợp tác còn hạn chế, năng lực cạnh tranh yếu. Chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của hội thành viên trong quá trình phát triển, sản xuất hàng hóa, nhất là hỗ trợ về vốn, kỹ thuật bao tiêu, chế biến, bảo quản sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chuyển đổi số... Mô hình HTX hoạt động theo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tham gia chuỗi cung ứng bền vững chưa nhiều. Sản phẩm được chứng nhận OCOP nhưng quy mô sản xuất nhỏ, chưa có phương án mở rộng quy mô sản xuất. HTX ngừng hoạt động có chiều hướng tăng lên, tình trạng HTX không còn hoạt động nhưng không thông báo hoặc đề xuất giải thể phổ biến ở nhiều nơi, gây khó khăn cho công tác theo dõi, quản lý.
Tư duy bán lẻ giá cao của HTX còn khá phổ biến. Chưa phát huy được hiệu quả của các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, xây dựng liên kết. Chưa hướng đến sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thu hút thành viên tham gia liên kết cùng HTX. Hiện tượng bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng kém, mượn danh và bao bì sản phẩm vẫn còn ảnh hưởng đến hình ảnh sản phẩm của đơn vị khác. Hệ thống văn bản về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể Trung ương ban hành còn chậm và chưa có dòng vốn riêng để thực hiện nên khó cân đối bố trí vốn ngân sách tỉnh và các huyện, thành phố để hỗ trợ phát triển HTX. Các nguồn vốn chủ yếu lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ đất đai, tài sản cũng không được nhiều nên kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể còn hạn chế, có những chính sách ít phát huy tác dụng trên thực tế.
Văn bản hướng dẫn triển khai chuỗi giá trị thay đổi nên phải chờ và điều chỉnh dự án, danh mục, định mức đào tạo nghề chưa có, mô hình khởi nghiệp mới nên còn lúng túng trong cách làm. Giá bán sản phẩm tại các điểm bán hàng cao hơn so với mặt bằng chung nên không cạnh tranh được, phải ngừng hỗ trợ điểm bán.
Đối với Liên minh HTX, tinh thần gắn kết tham gia của một số thành viên chưa cao, chưa nghiêm túc trong việc thực hiện các trách nhiệm theo quy định và yêu cầu của điều lệ. Thành viên tham gia HTX, tổ hợp tác đa số là nông hộ, hạn chế về vốn, trang thiết bị kỹ thuật, trình độ quản trị, khoa học công nghệ, thiếu hiểu biết về kinh tế thị trường cũng như quy định pháp luật. Còn trông chờ, mang nặng lợi ích cá nhân, thiếu tính liên kết và sự chia sẻ để cùng nhau phát triển.
Để hình thành những chuỗi liên kết hiệu quả hơn
Trong thời gian qua, tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm và tạo điều kiện ưu tiên phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi, từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản, đặc biệt, đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có chuỗi liên kết sản xuất lợn xứ Mường hoạt động hiệu quả và đang trong quá trình mở rộng quy mô lớn hơn. Các sản phẩm lợn được kiểm soát từ khâu đầu vào đến sơ chế, chế biến, được thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tiêu thụ mạnh. Mỗi ngày chuỗi cung ứng ra thị trường khoảng 1 tấn lợn hơi. Ngoài ra, chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm măng, mía, rau củ quả đang trong quá trình đánh giá mức độ bao tiêu, chế biến, bảo quản để mở rộng.
Liên minh HTX tỉnh cho rằng, trước tiên, các HTX cần tiếp tục được củng cố, hoàn thiện công tác tổ chức, quản lý hoạt động của HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Mặt khác, các HTX cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ tổ chức, quản lý cho giám đốc và cán bộ quản lý HTX thông qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt chú trọng tới nâng cao tư duy thị trường, năng lực quản trị, điều hành, năng lực đàm phán, tiếp cận thị trường, duy trì quan hệ đối tác...
HTX cũng cần mở rộng sản xuất, tham gia sâu và rộng hơn trong chuỗi giá trị sản phẩm, tham gia các công đoạn bảo quản, chế biến sản phẩm để khép kín chuỗi giá trị sản phẩm, làm tăng thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm. Các HTX cần liên kết với nhau, tăng cường điều tra, nghiên cứu nhu cầu thị trường; xây dựng chiến lược sản phẩm; liên kết với các trang thương mại điện tử có uy tín để quảng bá, tiến hành hình thức phân phối sản phẩm.
Cùng với việc thực hiện các giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm của HTX, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của HTX để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, vận động phát triển HTX theo chuỗi liên kết. Liên minh HTX hỗ trợ, kết nối HTX về vốn, thông tin thị trường, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, xây dựng thương hiệu.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất tập trung, mô hình cánh đồng lớn; công khai quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, khuyến khích dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất; thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút mọi thành phần kinh tế đầu tư xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến với phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất theo liên kết chuỗi nhằm khai thác, tận dụng tốt các cơ hội để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.
Đồng chí Trịnh Ngọc Thủy, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Việc hình thành các chuỗi liên kết đã giúp các HTX, nhất là HTX sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm… hoạt động hiệu quả. Khó khăn lớn nhất khi xây dựng các chuỗi là đối tác đầu mối bao tiêu sản phẩm. Việc lựa chọn đối tác bao tiêu sản phẩm có uy tín ổn định cho hoạt động của chuỗi. Do vậy có sự cạnh tranh trong lựa chọn đơn vị bao tiêu. Mặt khác, thành viên HTX, người lao động chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của xây dựng chuỗi, chính sách của Nhà nước trong hoạt động sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp. Nhận thức của một bộ phận nông dân, thành viên HTX về liên doanh, liên kết, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp chưa cao, chưa thấy được lợi ích lâu dài của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Chính vì vậy, hợp đồng liên kết giữa người dân - HTX - doanh nghiệp thiếu bền vững, chưa có tính ràng buộc pháp lý. Các bên tham gia còn thiếu tin tưởng, chia sẻ với nhau, nhất là khi giá cả thị trường có sự biến động.
Việt Lâm
Cần có liên kết chặt chẽ và quy mô lớn, tạo điểm nhấn cho kinh tế của tỉnh
ĐỚI VĂN CHINH
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH
Ở nhiều nơi, các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng sản phẩm hoạt động rất tích cực. Từ những sản phẩm của địa phương đã được liên kết thành chuỗi cung ứng trở thành thế mạnh địa phương, giúp nông dân thoát nghèo và làm giàu được từ sản phẩm nông nghiệp. Điển hình như một số hợp tác xã ở tỉnh Sơn La xây dựng được nhiều chuỗi sản xuất, tiêu thụ lớn có uy tín trên thị trường.
Tỉnh ta có nhiều sản phẩm, có nhiều lợi thế nhưng việc tiêu thụ vẫn nhỏ lẻ, tự phát, chưa xứng tầm với quy mô sản xuất, trồng trọt. Do vậy, cần phải xây dựng chuỗi quy mô lớn, có nhiều hợp tác xã, thành viên tham gia, kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Cần nhiều người tích cực tham gia chuỗi
NINH VĂN NGHỊ
Giám đốc Công ty TNHH CooPlus (Hà Nội)
Đơn vị chúng tôi triển khai chuỗi tiêu thụ, chế biến sản phẩm lợn đen xứ Mường. Sản phẩm được người tiêu dùng ở Hà Nội rất ưa chuộng. Đây là yếu tố quan trọng để mở rộng chuỗi, mở rộng chăn nuôi và để nhiều người tiếp cận với sản phẩm.
Tuy nhiên, để xây dựng được chuỗi thành công đòi hỏi phải có nhiều đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã chung ý tưởng cùng tham gia. Một đơn vị không thể làm được tất cả các khâu. Cần xây dựng quy trình kỹ lưỡng, từ chọn con giống, nguồn thức ăn, chăm sóc, thú y đến sơ chế, chế biến... phải khép kín, tuân thủ nghiêm ngặt. Nếu một khâu bị lỗi sản phẩm sẽ hỏng, mất thương hiệu.
Chuẩn hóa từ khâu giống, kỹ thuật chăm sóc đáp ứng nhu cầu thị trường
HÀ THỊ TÂM
Giám đốc HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh (Đà Bắc)
Đối với các hợp tác xã, hộ thành viên khi tham gia chuỗi thì phải chuẩn hóa cây, con giống, kỹ thuật chăm sóc. Việc định hướng người nông dân sản xuất theo chuỗi và tuân thủ nghiêm các tiêu chí do doanh nghiệp đề ra còn nhiều khó khăn, do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế.
Vì vậy, chúng tôi mong muốn ngành chức năng, chính quyền địa phương phối hợp tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ sản xuất, kỹ năng quản trị, kỹ thuật sản xuất ở quy mô lớn, nhất là ý thức tuân thủ các quy định đã thỏa thuận trong hợp đồng. Đồng thời xác lập tư duy thị trường, khả năng gắn kết trong chuỗi theo mối quan hệ hữu cơ để duy trì, phát triển chuỗi liên kết một cách bền vững, hiệu quả.
Đến thời điểm này, Hội Nông dân (HND) tỉnh đang quản lý nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) trên 63 tỷ đồng. Trong quý I/2024, Hội đã giải ngân cho 12 dự án với tổng số tiền 4,77 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này ngày càng có nhiều hội viên nông dân (HVND) nỗ lực sản xuất, kinh doanh (SXKD), vươn lên làm giàu, góp phần phát triển KT-XH của địa phương.
Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Theo đại diện Agribank chi nhánh tỉnh Hoà Bình, Agribank đã dành 70.000 tỷ tín dụng ưu đãi cho khách hàng cá nhân năm 2024, trong đó có các khách hàng trên địa bàn tỉnh Hoà Bình.
Sáng 4/4, tại tỉnh Thanh Hóa, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) tổ chức hội nghị khách hàng với hơn 4.000 doanh nghiệp, khách hàng, khách mời đến từ 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Tham dự tại điểm cầu Công ty Điện lực Hoà Bình có lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Uỷ ban MTTQ tỉnh, một số sở, ngành và khách hàng sử dụng điện lớn trên địa bàn tỉnh.
Tính đến thời điểm này, 100% doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Hòa Bình đã hoàn thành việc nâng cấp hệ thống và thực hiện phát hành hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng.
Là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu, ngay từ những tháng đầu năm xuất khẩu gạo đã ghi nhận mức tăng trưởng tốt, thậm chí đột biến ở những thị trường mới.