Mô hình liên kết trồng ớt tại xã Đa Phúc (Yên Thủy) cho hiệu quả kinh tế cao.
Xã Đa Phúc cách trung tâm huyện 8 km, diện tích tự nhiên gần 2.740 ha, gồm 10 xóm, 1.580 hộ với 6.394 nhân khẩu, dân tộc Mường chiếm 98%. Thời điểm bắt đầu xây dựng NTM, xã gặp không ít khó khăn do xuất phát điểm thấp, một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về chương trình xây dựng NTM; tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, bình quân đầu người thấp; chưa có nhiều mô hình phát triển sản xuất; hệ thống cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện..., vì vậy, việc huy động sức dân trong xây dựng NTM có nhiều hạn chế.
Đồng chí Bùi Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Đa Phúc chia sẻ: "Trước những khó khăn đó, xác định xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, là cuộc cách mạng và cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư đồng lòng xây dựng xóm, thôn, làng xã ngày càng khang trang, sạch đẹp, an toàn; KT-XH, quốc phòng - an ninh phát triển toàn diện.Do vậy, để thực hiện thành công, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM gắn với thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Sau khi quy hoạch và đề án xây dựng NTM được phê duyệt, xã đã xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình, lựa chọn các tiêu chí ưu tiên tổ chức thực hiện, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Đảng ủy xã ban hành nghị quyết về việc lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM xã. Phối hợp các cơ quan chuyên môn của huyện lựa chọn, ưu tiên thực hiện các công trình trọng điểm thúc đẩy phát triển KT-XH như: xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, đường giao thông, thủy lợi… Đến nay, 100% trục đường xã, liên xã được cứng hóa, đường liên thôn, đường thôn được bê tông, nhựa hóa, cứng hóa hơn 85%, đường trục chính nội đồng được cứng hóa gần 75%. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới, tiêu chủ động đạt trên 84%. Hệ thống điện được đầu tư xây dựng, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất đảm bảo an toàn, ổn định đạt 100%.
Thu nhập là một trong những tiêu chí khó trong xây dựng NTM. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 22 triệu đồng. Để giải được bài toán này, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xã tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo hàng năm. Hiện xã có 1 mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm mía nguyên liệu, quy mô 200 ha với nhà máy mía đường Việt Nam - Đài Loan; 1 mô hình liên kết mía nguyên liệu với nhà máy mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa), diện tích 80 ha. Ngoài ra, xã đang triển khai mô hình liên kết tiêu thụ ớt, chanh leo, xoài và cây dược liệu quy mô khoảng 20 ha. Trên địa bàn có trà túi lọc cà gai leo, na Thái được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Từ đó, thu nhập bình quân được nâng lên, năm 2023 đạt 42,68 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 11,8%, thấp hơn 1,2% so với tiêu chí.
Với quyết tâm chính trị cao, xã Đa Phúc đã huy động được 188,35 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó, ngân sách T.Ư hơn 18,4 tỷ đồng, ngân sách huyện, xã trên 105,8 tỷ đồng, nguồn huy động từ nhân dân trên 10,5 tỷ đồng, vốn lồng ghép 53,4 tỷ đồng...
Xã Đa Phúc đạt chuẩn NTM là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương trong việc khắc phục khó khăn, nỗ lực vượt qua thử thách, chung sức, đồng lòng cùng hiện thực hóa xây dựng quê hương giàu đẹp.
Xuân Thiên
(Trung tâm VH - TT&TT huyện Yên Thủy)