Gần đây, một số diện tích lúa xuân tại thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu nguy cơ bị hạn do thiếu nước. Ảnh chụp ngày 27/3/2024. Ảnh: T.H
Dự báo năm 2024, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, nhất là trong mùa hè. Nắng nóng có khả năng xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Mùa lũ ở Bắc Bộ (trong đó có tỉnh Hòa Bình) ít có khả năng đến sớm, dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên sông Đà có thể thiếu hụt 30 - 40% so với trung bình nhiều năm; nguy cơ tiếp tục xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước.
Dù mưa lũ có khả năng đến muộn song không tránh khỏi những diễn biến bất thường, nhất là hiện tượng giông, lốc, sạt lở đất có thể xảy ra trong mùa mưa bão. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 234 điểm dân cư có nguy cơ thiên tai cao với 5.215 hộ nằm trong vùng bị ảnh hưởng thiên tai cần phải có phương án bố trí sắp xếp, ổn định dân cư theo Quyết định số 590/QĐ-TTg, ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá lăn có 143 điểm với 3.298 hộ bị ảnh hưởng cần phải bố trí ổn định dân cư; khu vực thường xuyên bị lũ ống, lũ quét có 21 điểm với 167 hộ bị ảnh hưởng cần phải bố trí ổn định dân cư; khu vực thường xuyên bị ngập úng có 70 điểm với 1.750 hộ bị ảnh hưởng cần phải bố trí ổn định dân cư.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là đối mặt với mùa khô năm nay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về việc chủ động ứng phó với nắng nóng, hạn hán. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước; kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước của địa phương phù hợp với các kịch bản nguồn nước. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động có hình thức linh hoạt tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước ngọt. Tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; trường hợp xảy ra thiếu nước không bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu sử dụng phải ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu khác; vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng khi xảy ra thiếu nước, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất - kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp.
Xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để chủ động tổ chức triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt, trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân. Chủ động nạo vét các kênh mương, hồ chứa nước bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước, kết hợp tận thu vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật; rà soát, đánh giá khả năng lấy nước các công trình thủy lợi, nhất là dọc các tuyến sông, suối xảy ra tình trạng hạ thấp mực nước để chủ động triển khai các giải pháp thích ứng phù hợp.
Nhằm chủ động công tác phòng chống thiên tai, Sở NN&PTNT đã tổ chức đoàn kiểm tra các địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, kiểm tra hệ thống các hồ, đập trên địa bàn, các điểm sạt lở đất, đá bờ sông, suối để tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương phòng chống thiên tai. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Phương án phòng chống thiên tai trong mùa mưa lũ năm 2024 và rà soát các điểm dân cư có nguy cơ sạt, trượt để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh.