Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác kiểm tra dự án đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối với quốc lộ 6 (TP Hòa Bình).
Giải ngân đạt thấp so với trung bình cả nước
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, năm 2023, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao 10.090,9 tỷ đồng. Số vốn đã được HĐND tỉnh thông qua là 10.220 tỷ đồng. Đến ngày 6/9/2023, UBND tỉnh đã phân bổ, giao chi tiết kế hoạch VĐTC cho các dự án đạt 100% so với kế hoạch vốn. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các CĐT đẩy nhanh tiến độ giải ngân, như ban hành các văn bản chỉ đạo các CĐT về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân VĐTC năm 2023, trong đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị, CĐT trên địa bàn tỉnh nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đẩy mạnh giải ngân VĐTC, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân hết số VĐTC được giao. Đặc biệt, UBND tỉnh đã rà soát điều chỉnh kế hoạch VĐTC với 5 lần điều chỉnh, tổng số vốn là 466,5 tỷ đồng, bố trí vốn cho các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, tháo gõ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân VĐTC.
Tuy vậy, giải ngân kế hoạch VĐTC năm 2023 của tỉnh đạt kết quả thấp. Tính đến ngày 31/1/2024, tổng số kế hoạch vốn đã giải ngân là 3.698,9 tỷ đồng, chỉ đạt 37% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ và đạt 36% số vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến các dự án.
Năm 2024, việc phân bổ chi tiết kế hoạch VĐTC được thực hiện ngay sau khi có quyết định giao vốn của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1603/QĐ-TTg, ngày 11/12/2023 là 3.430,661 tỷ đồng. Số vốn đã được HĐND tỉnh thông qua là 3.763,925 tỷ đồng. Theo đó, số kế hoạch vốn đã được giao chi tiết ngay từ đầu năm cho các dự án đã đủ điều kiện bố trí vốn theo quy định của Luật Đầu tư công.
Đến ngày 31/3/2024, số kế hoạch vốn đã giải ngân là 270,5 tỷ đồng, đạt 8% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 7% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án; số tuyệt đối thấp hơn khoảng 225 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Trong quý I/2024, tỷ lệ giải ngân kế hoạch VĐTC của tỉnh đạt kết quả thấp so với trung bình cả nước…
Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân của tỉnh đạt thấp, theo các sở, ngành và CĐT trước hết là: Nguồn thu từ sử dụng đất khó khăn, không đạt nên chưa có nguồn vốn bố trí cho các dự án theo kế hoạch đầu tư công. Chương trình mục tiêu quốc gia có tỷ lệ giải ngân năm 2023 chưa cao (78%) do số vốn giải ngân của các chương trình chủ yếu thuộc kế hoạch vốn kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân từ năm 2022 sang năm 2023. Những dự án sử dụng vốn nước ngoài (ODA) có tỷ lệ giải ngân thấp hoặc chưa thể giải ngân do gặp vướng mắc trong việc thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, như dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Hòa Bình; dự án cung cấp thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa huyện Lạc Thủy. Một số dự án vướng mắc trong khâu GPMB, chủ yếu là vướng mắc về đơn giá và phương án đền bù nên chưa nhận được sự đồng thuận, nhất trí của một số hộ dân.
Ngoài ra, một số dự án gặp vướng mắc do chờ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lúa lớn, như dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) và các dự án thuộc Đề án phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà; dự án đầu tư đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19 - Km53 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình); các dự án trong lĩnh vực giao thông sử dụng vốn ngân sách T.Ư từ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Dự án đầu tư đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19 - Km53 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) mới được giao chi tiết kế hoạch vốn vào cuối quý III/2023 (chiếm 47% tỷ trọng kế hoạch vốn năm 2023 của tỉnh), mới hoàn thiện thủ tục đầu tư vào ngày 29/12/2023 nên tỷ lệ giải ngân rất thấp.
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch VĐTC cho tỉnh trên 10.000 tỷ đồng, song tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Đến ngày 31/1/2024 giải ngân chỉ đạt 37% kế hoạch vốn Thủ tướng giao năm 2023; trong 3 tháng đầu năm 2024, giải ngân mới đạt 8% kế hoạch vốn Thủ tướng và 7% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao. Trong khi đó tại nhiều địa phương trong cả nước, tỷ lệ giải ngân đến ngày 31/12/2023 đạt 90% và đến ngày 31/1/2024 đạt 100%. Tỷ lệ giải ngân thấp đó là vướng mắc về công tác chuẩn bị đầu tư, lập dự án, phê duyệt dự án, công tác GPMB, thực hiện các thủ tục chuyển đổi đất rừng, đất lúa chậm. Đặc biệt có nguyên nhân sự phối hợp giữa các ngành, CĐT, địa phương dẫn đến nhiều công việc chuyển động rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Rõ vai, thuộc bài, tăng cường trách nhiệm thúc đẩy giải ngân
Trước tình hình giải ngân VĐTC của tỉnh đạt thấp, Thường trực Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn ngân sách. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành phải tập trung giải quyết, tháo gỡ triệt để các khó khăn, quyết tâm triển khai giải ngân VĐTC. Đặc biệt tăng cường công tác phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các sở, ngành, địa phương và đơn vị; phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án.
Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiêm túc, quyết liệt triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Chính phủ; Công điện của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 01/CT-UBND, ngày 12/1/2024 của UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước tỉnh Hòa Bình năm 2024. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu, các CĐT chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đối với việc không giải ngân hết kế hoạch vốn đã được giao và cam kết giải ngân 100% phần kế hoạch vốn còn lại sau khi đã được điều chỉnh giảm, làm kết quả để đánh giá mức độ hoàn thành, xếp loại thi đua năm của đơn vị.
Nhà thầu tổ chức thi công đoạn qua xã Hòa Sơn tuyến đường thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn đi Xuân Mai, Hà Nội.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, CĐT xác định công tác GPMB là nhiệm vụ trọng tâm, huy động cả hệ thống chính trị để giải quyết dứt điểm công tác GPMB. Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng, quý. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ. Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án. Quyết liệt, chủ động xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện cơ chế phân công, giao trách nhiệm, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. Tiếp tục tham mưu, đề xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác thúc đẩy giải ngân. Đẩy mạnh tăng thu nguồn thu sử dụng đất, nguồn thu xổ số kiến thiết để đảm bảo có nguồn vốn bố trí cho các dự án triển khai thực hiện. Áp dụng các hình thức đấu thầu phù hợp với tính chất dự án, đúng quy định pháp luật, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực thi công, lựa chọn hình thức hợp đồng phù hợp theo quy định, tránh để tình trạng các nhà thầu có tâm lý chờ điều chỉnh giá đối với hợp đồng trọn gói thi công. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân VĐTC; tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên…
UBND tỉnh cũng chỉ đạo có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các CĐT, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân VĐTC. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công. Thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng. Chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để thực hiện. Chủ động bố trí VĐTC cho công tác chuẩn bị đầu tư, không để bị động, không để tình trạng có vốn mới làm công tác chuẩn bị đầu tư, vốn chờ dự án phê duyệt, vốn chờ thủ tục. Cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, ngày 9/2/2021 của Chính phủ làm cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư dự án. Kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi.
Nhóm ý kiến:
Đồng bộ các giải pháp thúc đẩy giải ngân
Nguyễn Văn Danh
Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn
Hiện huyện Lương Sơn đã giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 100% kế hoạch (bao gồm nguồn vốn năm 2023 và vốn năm 2022 chuyển sang). Huyện hoàn thành giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn giao thêm năm 2023. Đây là kết quả từ sự vào cuộc quyết liệt của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện; sự phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện uỷ phụ trách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Huyện thường xuyên tổ chức giao ban tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng.
Thứ 2 là UBND huyện quyết liệt chỉ đạo, điều hành ngân sách cấp huyện phục vụ các mục tiêu trọng tâm của tỉnh theo hướng linh hoạt, đồng bộ. Quá trình thực hiện, huyện đã đề xuất với các cơ quan của tỉnh tăng cường nhân lực cho Trung tâm Phát triển quỹ đất; đồng thời tăng thêm nhân lực cho Ban quản lý xây dựng cơ bản huyện thực hiện nhiệm vụ liên quan đến đầu tư công. Bên cạnh việc thực hiện theo các trình tự thủ tục đối với các dự án, huyện Lương Sơn đã triển khai 8 khu tái định cư để phục vụ các dự án trọng điểm của tỉnh và huyện. Trong quá trình triển khai, huyện tăng cường công tác quản lý đất đai, xử lý các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, qua đó thúc đẩy đầu tư công, tiến độ giải ngân... Huyện mong muốn UBND tỉnh, các sở, ngành phối hợp giải quyết những khó khăn về thực hiện các thủ tục , cơ chế, nguồn lực để phấn đấu hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn năm 2024.
Tháo gỡ khó khăn về chuyển đổi đất rừng, đất lúa
Bùi Ngọc Tâm
Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh được giao quản lý nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn đầu tư công của tỉnh. Ban đã và đang nỗ lực phối hợp đẩy nhanh các dự án công trình trọng điểm theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, từng bước giải quyết khó khăn về vấn đề vật liệu đất đắp. Tuy nhiên, hiện khó khăn lớn nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng các dự án và khó khăn về thực hiện các thủ tục đất rừng, đất lúa, nhất là công trình đường liên kết vùng. Ban đang quản lý 5.551 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư, trong đó riêng vốn của T.Ư dành cho cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu và đường liên kết vùng chiếm khoảng 5.100 tỷ đồng. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Ban đang triển khai lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật và dự toán. Song song với đó là triển khai các nội dung liên quan đến giải phóng mặt bằng như chuyển đổi đất rừng, đất lúa, đôn đốc nhà thầu tổ chức thi công những vị trí có mặt bằng, nỗ lực ở mức cao nhất để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án trọng điểm.