Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ đề xuất: gia hạn thêm thời gian thực hiện Thông tư 02, về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về triển khai điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ đề xuất: gia hạn thêm thời gian thực hiện Thông tư 02, về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng.

Như vậy, thay vì kết thúc vào giữa năm nay như dự kiến, những khoản nợ của doanh nghiệp, người đi vay có thể được tiếp tục kéo giãn đến hết năm nay. Việc gia hạn Thông tư 02 được kỳ vọng sẽ tạo thêm điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp xuất khẩu quế hồi bắt đầu có nhiều đơn hàng hơn trong năm nay, dự kiến sẽ tăng khoảng 20%. Do đó, họ cần lượng vốn lớn để duy trì sản xuất. Theo doanh nghiệp, với đà phục hồi kinh tế hiện nay, nếu được giãn, hoãn thời gian trả nợ sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính.

Bà Lê Mai - Tổng Giám đốc, Công ty Thương mại và Sản xuất Tuấn Minh cho biết: "Các tổ chức tín dụng cũng như Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ doanh nghiệp. Đó là một tháo gỡ rất thiết thực".


Khi được giãn, hoãn nợ, không chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính, mà còn giúp tăng cơ hội tiếp cận vốn

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến hết năm 2023, đã có gần 188.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu hơn 183.000 tỷ đồng. Khi được giãn, hoãn nợ, không chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính, mà còn giúp tăng cơ hội tiếp cận vốn. Bởi nếu bị chuyển sang nhóm nợ xấu, doanh nghiệp sẽ khó có thể vay thêm vốn cho sản xuất kinh doanh.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định: "Đây là một chính sách trực tiếp hỗ trợ cho cả doanh nghiệp, cả ngân hàng khi những khoản nợ về lãi, về gốc mà chưa trả được thì có thể kéo dài thêm thời gian để giúp cho doanh nghiệp khắc phục được khó khăn".

Ông Trần Văn Luân - Phó Tổng Giám đốc PGBank nêu ý kiến: "Với việc doanh nghiệp tiếp tục được cơ cấu nợ, giãn nợ và qua đó sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bớt áp lực về mặt dòng tiền, sẽ đưa dòng tiền vào sản xuất kinh doanh và phục hồi".

Giãn, hoãn nợ tức là khoản nợ vẫn còn đó, chỉ là chưa thu và doanh nghiệp vẫn có cơ hội được vay các khoản vay mới. Tuy nhiên, để đề phòng khả năng gia tăng nợ xấu, ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận. Vì với các khoản nợ được giãn, hoãn, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng.

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia chia sẻ: "Các tổ chức tín dụng cũng rất chủ động trong năm vừa qua, có nơi đã trích 70-75%, có nơi trích luôn 100%. Trong bối cảnh tiềm lực tài chính có phần tốt hơn, các ngân hàng đã chủ động trích lập rủi ro".

Cùng với chính sách giảm lãi suất, việc giãn, hoãn nợ sẽ phần nào giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn, giúp tạo vòng quay sản xuất kinh doanh liên tục. Chậm trả nợ cũng sẽ giúp doanh nghiệp và người dân có thêm cơ hội vượt qua khó khăn.


Theo VTV.VN

Các tin khác


Chọn vàng hay bất động sản?

Vàng và bất động sản là 2 danh mục đang được người dân quan tâm bởi nhu cầu thực, tích lũy hay đầu tư đều lớn.

Thủ tướng chỉ thị về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Kim Bôi, Cao Phong

Ngày 2/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Kim Bôi và Cao Phong.

Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân làm chậm tiến độ triển khai dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng rừng, cắm mốc, trích đo, giải phóng mặt bằng (GPMB)...

Công khai người nộp thuế nợ thuế đến ngày 31/3/2024

Ngày 25/4, Cục Thuế tỉnh có Công văn số 1991/CTHBI-QLN về việc công khai người nộp thuế nợ thuế.

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để phát triển

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận số 179/TB-VPCP, ngày 23/4/2024 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ngày 13/4/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục