Ông Hà Văn Tiên, xóm Tràng, xã Tú Lý (Đà Bắc) xót xa nhìn đàn lợn chết dần vì dịch bệnh. Thẫn thờ vì phòng bệnh nghiêm ngặt nhưng lợn vẫn chết
Đầu tháng 4/2024, Cao Sơn là xã đầu tiên trên địa bàn huyện Đà Bắc ghi nhận trường hợp lợn chết vì DTLCP. Đến đầu tháng 5, dịch bệnh bùng phát và lây lan mạnh trên địa bàn xã Tú Lý. Gia đình ông Hà Văn Tiên, xóm Tràng gắn bó với nghề nuôi lợn hàng chục năm qua. Do thực hiện khá nghiêm ngặt khâu kiểm soát dịch bệnh nên nhiều năm nay, đàn lợn của gia đình ông Tiên luôn an toàn, dù có thời điểm lợn của các hộ xung quanh ốm, chết vì DTLCP. Năm ngoái, từ nuôi lợn gia đình ông Tiên lãi được 200 triệu đồng. Đầu năm nay, quá nửa số tiền lãi của năm vừa rồi ông lại đầu tư vào nuôi lợn. Để phòng, chống dịch bệnh, gia đình ông Tiên lựa chọn mua con giống từ trại lợn uy tín với giá 1,5 triệu đồng/con, cao hơn giá lợn mua ở ngoài từ 300 - 400 nghìn đồng/con. Khu chăn nuôi lợn được tách rời khu dân cư, không cho người lạ vào và được phun tiêu độc, khử trùng thường xuyên.
Tuy nhiên, mấy ngày qua đàn lợn cứ chết dần. Hơn 30 con lợn thịt và cả lợn nái bị chết phải tiêu huỷ. Ông Tiên ngậm ngùi: "Từ khi phát hiện ra, đến nay lợn chết dai dẳng, tính ra đã trên 30 con rồi. Hiện nay vẫn tiếp tục lây sang đàn ở chuồng bên. Mỗi ngày đều phải đi chôn lợn bị chết, thật sự rất buồn và chán nản. Gia đình tôi thường xuyên phun tiêu độc, khử trùng để nền chuồng sạch sẽ, không cho người ngoài vào, con giống thì mua ở trại uy tín. Thế mà lợn vẫn mắc bệnh chết”. Theo ước tính, đợt dịch này gia đình ông thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Với diễn biến dịch bệnh như hiện nay, khả năng đàn lợn còn lại của gia đình ông cũng khó qua khỏi…
Cùng ở xóm Tràng, gia đình bà Đinh Thị Nở đã "treo” chuồng trong đợt càn quét này của DTLCP. Mấy hôm trước, đàn lợn của gia đình bà Nở gồm 1 con nái hơn 200kg, 17 con lợn giống và 1 con lợn thịt đã phải tiêu huỷ vì DTLCP. Theo bà Nở, cách đây 3 năm, gia đình bà cũng chịu thiệt hại gần 50 triệu đồng bởi dịch bệnh nguy hiểm này. Sau 1 năm dừng chăn nuôi, gia đình đã đầu tư nuôi lợn trở lại. Thế nhưng chưa kịp hoàn vốn thì lại nếm trái đắng. Sau khi lợn chết, gia đình bà Nở đã đào hố chôn lấp trong góc vườn và dùng rơm đốt, rắc vôi để diệt mầm bệnh ở trong chuồng và khu vực xung quanh. Gần 20 con lợn bị chết, thiệt hại khoảng 30 triệu đồng. "Ở nông thôn chủ yếu chăn nuôi để cải thiện kinh tế. Bây giờ lợn lại bị chết dịch thế này, tiền mua cám còn đang nợ. Gia đình tôi cùng các hộ bị thiệt hại rất mong được các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ dập dịch để sau này có thể đầu tư chăn nuôi trở lại”, bà Nở bày tỏ.
Cần siết lại khâu kiểm dịch
Theo cán bộ thú y xã Tú Lý Đinh Bá Hanh, xã có tổng đàn lợn khoảng 3 nghìn con. Chăn nuôi lợn là một trong những nghề đem lại thu nhập cho nhiều hộ trên địa bàn. Từ khi bùng phát, dịch bệnh nguy hiểm này đã lây lan ở các xóm: Mít, Mè, Cháu, Tình, Tràng và bắt đầu xuất hiện ở xóm Giêng, đến nay đã tiêu huỷ khoảng 200 con lợn. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, xã Tú Lý tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tiêu huỷ lợn mắc bệnh, không bán chạy lợn để tránh dịch bệnh lây lan. Cùng với đó thực hiện phun tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh. Theo cán bộ thú y xã Tú Lý, một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát và lây lan mạnh như hiện nay là do khâu kiểm soát, kiểm dịch còn lỏng lẻo. Tình trạng tiểu thương đưa thịt lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ từ các nơi khác đến tiêu thụ tại địa bàn khá phổ biến.
Theo số liệu của Phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc, hiện nay tổng đàn lợn trên địa bàn huyện có trên 26,8 nghìn con. Tại xã Cao Sơn, DTLCP bùng phát đã có 143 con lợn mắc bệnh phải tiêu huỷ, trọng lượng trên 3,3 tấn. Đồng chí Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Khi xảy ra dịch bệnh, đơn vị đã tham mưu UBND huyện thực hiện hỗ trợ thuốc phun cho các hộ; tuyên truyền người dân chú trọng phun tiêu độc, khử trùng tại các địa điểm xảy ra dịch bệnh. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về tác hại dịch bệnh, hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh, tiêu huỷ lợn bị chết theo đúng quy định của Luật Chăn nuôi và thú y.
Về nguyên nhân khiến dịch bệnh DTLCP bùng phát, đồng chí Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc cũng nhận định là do khâu kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật chưa thực hiện được. Điều này là tồn tại, vướng mắc sau khi sáp nhập Trạm Chăn nuôi và thú y về Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã xuất hiện tình trạng bán chạy lợn tại xã Tú Lý, nguy cơ cao khiến dịch bệnh lây lan diện rộng. Do đó, việc ngăn chặn tình trạng này là rất quan trọng, cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng và các cấp chính quyền. Cùng với đó là sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời hơn đối với người dân đang chịu thiệt hại do DTLCP gây ra.
Viết Đào |
Những năm qua, vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh. Thông qua nguồn vốn này, nhiều hộ đã đầu từ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.