Cước phí vận tải tăng cao; các vụ kiện phòng vệ thương mại và thẻ vàng IUU là những khó khăn đang tác động mạnh đến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.


Cước vận tải tăng cao là một trong những khó khăn của doanh nghiệp thủy sản.

Cước vận tải "ăn mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp thủy sản

Thường xuyên có các chuyến hàng xuất khẩu đi Mỹ, EU, Công ty cổ phần Chế biến Thủy sản Tài Kim Anh đang như "ngồi trên đống lửa” trước mức tăng phi mã của cước tàu biển. Ông Đỗ Ngọc Tài, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến Thủy sản Tài Kim Anh chia sẻ, cước tàu vận chuyển hàng đi Mỹ tăng đột biến 40% từ tháng 5/2024; cước tàu đi EU tăng 60%...

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta chia sẻ thêm, đối với cước vận tải biển đi Bắc Mỹ, Tây Âu tăng giá 100% so thời kỳ thấp điểm. Mức tăng này đã ảnh hưởng mạnh đến doanh nghiệp.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do xung đột tại Biển Đỏ ảnh hưởng đến gia cước tàu biển. Hầu hết các khách hàng tránh đi vào khu vực Biển Đỏ để phòng chống rủi ro, dù đây là con đường vận tải biển huyết mạch.

Bên cạnh đó, phía Trung Quốc gom contaier rỗng dự phòng xuất hàng cho Mỹ trước kỳ hạn áp thuế mới, dự kiến sẽ bắt đầu từ tháng 8/2024. Họ sẵn sàng trả giá cao để có container, dẫn đến giá container bị đẩy lên.

Hiện nay, doanh nghiệp thủy sản đang bán hàng theo phương thức FOB (bên mua phải lo cước), nhưng do cước tăng cao, khách hàng đang buộc phía người bán phải hỗ trợ cước. Giá cước vận tải tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm không tăng khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin thêm, hiện tình trạng hạn hán ở kênh đào Panama - nơi xử lý 5% giá trị thương mại hàng hải toàn cầu đang dần cải thiện khi số lượt vận chuyển hằng ngày đã tăng lên. Tuy nhiên, năng lực vận chuyển qua kênh đào Panama vẫn thấp hơn mức trung bình hằng ngày thông thường là 34 - 40 lượt quá cảnh và lưu lượng hàng hóa được kỳ vọng sẽ trở lại vào năm 2025. Mới đây lại xảy ra tình trạng tắc nghẽn tại Singapore dẫn đến lo ngại về khủng hoảng chuỗi cung ứng, giá hàng hóa tăng.

Cục Hàng hải Việt Nam, thống kê từ đầu tháng 6/2024, giá vận chuyển hàng hoá container bằng đường biển đi các nước châu Âu, Hoa Kỳ có xu hướng tăng mạnh, chỉ số container thế giới tăng 12% đến 4.716 USD/container 40 feet trong tuần qua.

Dữ liệu từ sàn giao dịch logistics quốc tế Phaata cũng cho thấy, giá cước tuyến Thành phố Hồ Chí Minh đi Hoa Kỳ đang tăng mạnh. Trong khi đó, chỉ số container thế giới của Drewry (WCI) tăng 12% lên 4.716 USD/container 40 feet trong tuần từ ngày 30/5 tới ngày 6/6 và tăng 181% so cùng kỳ năm ngoái. Từ Thượng Hải đến Genoa, giá cước đã tăng 17% ở mức 6.664 USD/container 40 feet. Giá cước từ Thượng Hải đến New York tăng 6% lên 7.214 USD/container 40 feet.

Hiện nay, doanh nghiệp trong ngành thủy sản chủ yếu làm hàng xuất khẩu, mỗi năm sử dụng hơn 1 triệu container, nhưng hiện tại, để đặt được container là rất khó. Kể cả có đặt được, mức cước phí quá cao đã và đang "ăn mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp trong ngành.


Dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ tăng vào cuối năm.

Khó khăn bủa vây doanh nghiệp

Song song với những khó khăn từ cước tàu biển, doanh nghiệp thủy sản cũng phải đối diện với nhiều khó khăn khác. Cụ thể, thủy sản là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các biện pháp phòng vệ thương mại.

Cuối năm 2023, Hiệp hội các Nhà chế biến tôm Hoa Kỳ đã đệ đơn yêu cầu điều tra chống trợ cấp đối với tôm nước ấm từ 4 nước: Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Việt Nam. Theo đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ điều tra chống trợ cấp đối với tôm Việt Nam với hơn 40 chương trình. Kết quả điều tra sơ bộ đã có ở mức 2,84% và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm phải ký quỹ từ tháng 4/2024. Dự kiến tháng 8/2024 sẽ có kết quả cuối cùng và tháng 10/2024, Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) sẽ bỏ phiếu đánh giá kết quả điều tra.

Ông Hồ Quốc Lực chia sẻ, khi tham dự hội chợ quốc tế thủy sản ở Boston (Mỹ) vào tháng 3/2024, các bạn hàng lớn đều lưu tâm đến kết quả điều tra này, bởi nó có tác động không nhỏ cho các thương vụ tiếp theo.

Bên cạnh đó, dù đã có nhiều nỗ lực song Đoàn thanh tra EC đã vào Việt Nam đánh giá 4 lần và đến thời điểm này vẫn chưa tháo gỡ thẻ vàng IUU cho Việt Nam. Dự kiến, việc sẽ thanh tra lần 5 sẽ diễn ra vào tháng 10/2024. Việc EU tiếp tục giữ cánh báo "thẻ vàng” đối với ngành khai thác thủy sản Việt Nam, khiến sản phẩm thủy sản khi vào thị trường EU bị ảnh hưởng rất nhiều. Trong khi EU là thị trường quan trọng của thủy sản Việt Nam nên những khó khăn này khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Thêm nữa, hiện nay, cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu sản phẩm cá thịt trắng trên thế giới ngày càng khốc liệt. Thị trường nhập khẩu mới chỉ ấm lên từ cuối năm ngoái đến nay nên các doanh nghiệp ở các nước đẩy mạnh đẩy hàng ra thị trường, khiến sức cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Những áp lực đó đã khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước trong 5 tháng đầu năm đạt gần 3,6 tỷ USD, chỉ tăng 6% so cùng kỳ năm 2023, theo con số mới nhất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).

Trong top 4 thị trường hàng đầu, chỉ có Mỹ có dấu hiệu tích cực hơn với tăng trưởng 7%, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU gần như chỉ tương đương cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%.

Sự phục hồi chậm và dè dặt của các thị trường, áp lực cạnh tranh về giá xuất khẩu và nguồn cung cùng với những khó khăn trong sản xuất chế biến trong nước như chi phí đầu vào tăng, nguyên liệu thiếu hụt... đang và sẽ tiếp tục tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2024.

VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 sẽ đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Kỳ vọng sau quý 2/2024, các vấn đề khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại vào cuối quý 4, đầu quý 4, là thời điểm nhu cầu mặt hàng thủy sản ở các thị trường nhập khẩu tăng cao để phục vụ lễ Tết cuối năm.

Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Đóng góp hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về vấn đề đất đai

Chiều 12/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương bàn về dự thảo Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sử dụng tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai. Dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố.

Kiểm tra tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Nhuận Trạch

Ngày 12/6, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn. Tham gia đoàn có lãnh đạo một số sở, ngành chức năng của tỉnh.

Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Thương mại điện tử phát triển giúp người tiêu dùng mua bán nhanh chóng, thuận lợi hơn. Tuy nhiên, không ít khách hàng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã gặp những tình huống "dở khóc, dở cười” khi mua hàng online.

VPI dự báo giá xăng tăng nhẹ trong kỳ điều hành ngày 13/6

Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy, tại kỳ điều hành ngày 13/6, giá xăng tăng nhẹ trong khoảng 0,2 - 0,4% và Liên bộ Tài chính - Công Thương không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 5 tháng đầu năm nay tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoàn thiện Nghị định quy định về giá đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

Chiều 11/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về các Nghị định quy định: về giá đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục