Từ loại gia cầm giống bản địa được người dân 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) chăn nuôi làm nguồn thực phẩm, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Ứng dụng thông tin khoa học, công nghệ thuộc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Hoà Bình, UBND huyện Mai Châu trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ "tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Gà đen Pà Cò, Hang Kia - Mai Châu” đã nâng tầm giống gà này thành sản vật và mở thêm hướng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Mông ở Hang Kia, Pà Cò.


Cán bộ Trung tâm Ứng dụng thông tin khoa học, công nghệ hướng dẫn các hộ được cấp chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu  "Gà đen Pà Cò, Hang Kia - Mai Châu” các điều kiện sử dụng nhãn hiệu.

Nâng tầm sản phẩm

Cùng với nhiều hộ dân ở xóm Xà Lĩnh, xã Pà Cò, nhà Sùng A Lư vừa tái đàn, đầu tư hơn 50 con giống gà đen bản địa, loại gà vừa được cấp chứng nhận nhãn hiệu "Gà đen Pà Cò, Hang Kia - Mai Châu”. Sùng A Lư chia sẻ: Trước đây gia đình cũng nuôi loại gà này nhưng chủ yếu làm thực phẩm hàng ngày. Sau khi được công nhận chứng nhận nhãn hiệu, nhu cầu của thị trường đối với loại gà này lớn, có giá trị cao nên tôi tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi để bán sản phẩm cho người tiêu dùng.

Cũng như gia đình Sùng A Lư, gia đình Phàng A Thắng ở xóm Cang đã tận dụng diện tích đất vườn đồi quanh nhà đầu tư chăn thả gần 50 con gà đen giống bản địa để bán cho khách có nhu cầu. Với giá bán dao động từ 250 - 300 nghìn đồng/kg, bình quân mỗi năm đàn gà mang về cho gia đình Phàng A Thắng hàng chục triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng ngô và các loại rau màu. 

Chị Sùng Y Nông ở xóm Pà Cò 1 là 1 trong 30 hộ của xã đủ điều kiện được trao chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu "Gà đen Pà Cò, Hang Kia - Mai Châu” phấn khởi: Giống gà đen được người dân chăn nuôi từ lâu đời, được coi là sản phẩm đặc sản của đồng bào dân tộc Mông ở Pà Cò, Hang Kia. Thịt gà đen có vị thơm, ngọt, ngậy... ngon hơn hẳn các loại thịt gà bán trên thị trường. Gà đen có giá trị kinh tế cao hơn so với các giống gà khác. Trước đây, do chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, chưa có thương hiệu nhận biết trên thị trường nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Việc xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận là bước đi mới, quan trọng để sản phẩm chăn nuôi của người dân được nhiều người biết đến.

Nhãn hiệu chứng nhận "Gà đen Pà Cò, Hang Kia - Mai Châu” là nhãn hiệu tập thể được Cục Sở hữu trí tuệ cấp, UBND huyện Mai Châu là cơ quan chủ quản và chủ sở hữu. Vừa qua, UBND huyện Mai Châu đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu cho Hợp tác xã A Hiệp ở xóm Pà Cò Lớn, xã Pà Cò và 30 hộ ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò có đủ điều kiện. Đây là cơ sở để sản phẩm gà đen bản địa được nâng tầm, trở thành sản phẩm hàng hóa, đem lại thu nhập cao cho người dân.

Góp phần nâng cao đời sống người dân

Theo đồng chí Hà Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, việc xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận "Gà đen Pà Cò, Hang Kia - Mai Châu” không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi ở 2 xã, mà còn giúp cho sản phẩm gà đen được nhận biết trên thị trường thông qua những dấu hiệu đặc trưng hay qua mã định danh sản phẩm (QR code). Từ đó vừa để khẳng định nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, vừa khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thúc đẩy nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo thu nhập ổn định, nâng cao đời sống người dân. 

Hang Kia, Pà Cò là 2 xã đặc biệt khó khăn của huyện Mai Châu, cách trung tâm huyện khoảng 35km. Địa hình 2 xã phức tạp, chủ yếu là núi đá hiểm trở, độ dốc lớn. Do vậy, quỹ đất nông nghiệp ít, phân tán, rất khó khăn trong phát triển sản xuất. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Pà Cò Phàng A Chà, mặc dù điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nhưng địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng ở Hang Kia, Pà Cò phù hợp chăn nuôi giống gà đen, thường được người dân nuôi bán chăn thả. Đây là giống gà dễ nuôi, có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh. Về giá trị kinh tế, gà đen bản địa con trưởng thành có cân nặng trung bình từ 2 - 3kg/con, cá biệt có con nặng 3,5kg; hàm lượng mỡ ít, thịt săn chắc, giá bán từ 250 - 300 nghìn đồng/kg, thời gian nuôi không dài... 

Việc chăn nuôi gà đen tại Hang Kia, Pà Cò tập trung chủ yếu tại các hộ gia đình, mục đích dùng làm thực phẩm trong sinh hoạt hoặc làm thuốc chữa bệnh, một phần ít để bán. Với việc xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận "Gà đen Pà Cò, Hang Kia - Mai Châu” đã thúc đẩy các hộ dân mở rộng quy mô chăn nuôi. Bởi thời gian qua, nguồn thu từ gà đã trở thành nguồn thu chính của nhiều gia đình. Nhờ đó, từ chỗ hoàn cảnh khó khăn nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống ổn định, thậm chí vươn lên làm giàu, như ở xã Pà Cò có các gia đình: Sùng A Hiệp, Sùng A Chua, Sùng A Danh, Sùng A Của - xóm Pà Cò Lớn; Phàng A Gàng, Phàng A Chà, Phàng A Chia - xóm Chà Đáy; Mùa A Phong, Sùng A Pha, Phàng Y Sơ, Mùa A Già - xóm Pà Háng Lớn...  

Mạnh Hùng

Các tin khác


Sơ kết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 6 tháng đầu năm

Chiều 18/7, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2024. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Kiểm tra tiến độ công tác lập Quy hoạch chung đô thị Lương Sơn

Ngày 17/7, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND huyện Lương Sơn về tiến độ lập Quy hoạch chung đô thị Lương Sơn, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.

Tiếp thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế

Sáu tháng đầu năm nay, nền kinh tế của tỉnh Hoà Bình trên đà phục hồi với những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, vẫn có nhiều thách thức đặt ra, đòi hỏi cần tiếp thêm động lực để tăng trưởng mạnh mẽ hơn, phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển kinh tế năm 2024.

Huyện Lạc Sơn: Ước thiệt hại 1,6 tỷ đồng do ảnh hưởng của mưa lớn

Do ảnh hưởng của mưa lớn từ chiều 15/7 đến sáng 16/7 đã gây thiệt hại trên địa bàn huyện Lạc Sơn, chủ yếu về nhà ở, giao thông và sản xuất. Cụ thể, về nhà cửa có 4 hộ dân ở xã Quý Hoà, 1 hộ dân ở xã Mỹ Thành bị đất đá sạt lở làm hư hỏng nhà và vùi lấp một số tài sản, giá trị thiệt hại ước 850 triệu đồng. Tại 2 xã Quý Hoà, Tân Lập xảy ra ngập úng ảnh hưởng đến hơn 18 ha lúa mới cấy và hoa màu, thiệt hại trên 400 triệu đồng.

Chủ động các biện pháp ứng phó mưa lũ trên địa bàn tỉnh

Ngày 16/7, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1147/UBND-KTN yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố chủ động các biện pháp ứng phó mưa lũ trên địa bàn tỉnh.

Kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ Hòa Bình

Ngày 16/7, tại Quảng trường Hòa Bình, thành phố Hòa Bình, Hội LHPN tỉnh phối hợp tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam tổ chức hoạt động kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm với chủ đề "Phụ nữ hội nhập phát triển kinh tế bền vững”. Tới dự có các đồng chí: Hà Thị Nga, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo một số ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo Hội LHPN 20 tỉnh phía Bắc; đại diện các doanh nghiệp, đơn vị tiêu thụ, đơn vị sản xuất sản phẩm trong tỉnh, TP Hà Nội và tỉnh Nghệ An.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục