Với khát khao khởi nghiệp và cống hiến cho quê hương Lạc Sơn, không ít con em dân tộc Mường kiên trì theo đuổi nghề nông nhưng lựa chọn, thích ứng với đường hướng sản xuất - kinh doanh sáng tạo, đổi mới để đạt được thành công nhất định. Họ đang là chủ các doanh nghiệp, giám đốc hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.


Chị Bùi Thị Mơ, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Mơ Đức, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) khởi nghiệp từ nông nghiệp với thành công bước đầu của mô hình nuôi trồng và chế biến ốc nhồi hữu cơ tuần hoàn.

Cách đây tròn 1 năm, chị Bùi Thị Mơ ở xóm Dằm, xã Nhân Nghĩa đứng ra thành lập HTX Nông nghiệp hữu cơ Mơ Đức với mong muốn phát triển mô hình nuôi trồng và chế biến ốc nhồi hữu cơ tuần hoàn. Nhờ áp dụng tốt kinh nghiệm nuôi ốc nhồi nên năng suất sản phẩm ngày càng được nâng lên. Ngoài phân phối ốc nhồi thương phẩm và ốc giống, chị Mơ còn nghiên cứu chế biến sản phẩm "Chả ốc nhồi Hòa Bình”, bao gồm: chả ốc nhồi vỏ ốc, chả ốc nhồi đùi xả, chả ốc nhồi ống nứa. HTX đang hợp đồng với 2 đối tác lớn là Sun Group và Cooplus bao tiêu đầu ra sản phẩm. Một số đơn vị kinh doanh du lịch, nhà hàng, quán ăn trong tỉnh cũng đặt mua các sản phẩm phục vụ nhu cầu của thực khách. 

Tháng 7/2024, nhận được sự hỗ trợ của tổ chức Hội Nông dân, chị Mơ xây dựng cửa hàng nông sản an toàn tại phố Hữu Nghị, thị trấn Vụ Bản. Từ khi đi vào hoạt động kinh doanh cửa hàng, các sản phẩm ốc nhồi, rượu cần, sản phẩm OCOP của huyện và một số nông sản được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm khác đến gần hơn với người tiêu dùng.  

Tại xã Nhân Nghĩa còn có một ông chủ cũng xuất thân nông dân là anh Bùi Văn Nhưng, Giám đốc Công ty TNHH Tinh bột nghệ Nhưng Vần Hoà Bình. Anh Nhưng chia sẻ: Đến với nghề chế biến tinh bột nghệ như một cái duyên, để phát triển từ quy mô hộ gia đình lên doanh nghiệp tôi đã tìm hiểu kỹ tiềm năng thị trường, đồng thời nghiên cứu, sản xuất ra các sản phẩm tốt, ứng dụng dây chuyền công nghệ hiện đại. Hiện nay, tinh bột nghệ Nhưng Vần có chất lượng, giá cả cạnh tranh, là sản phẩm đầu tiên của huyện được chứng nhận OCOP 4 sao và đã được xuất sang thị trường Anh quốc.

Cùng với việc khẳng định uy tín và chỗ đứng trên thị trường, anh Nhưng tập trung mở rộng sản xuất, tăng diện tích vùng trồng nghệ nguyên liệu từ 1 ha lên 5 ha ở các xã lân cận, nhiều nhất ở xã Miền Đồi. Ngoài tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại chỗ với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng, anh tổ chức thu mua nghệ tươi cho nông dân các xã với giá trung bình 5.000 đồng/kg, giá trị thu nhập bình quân từ 60 - 75 triệu đồng/ha, góp phần cải thiện thu nhập cho hàng trăm người dân trong vùng.

Tận dụng lợi thế đồi rừng rộng lớn, ông Quách Văn Sơn, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Thành An ở xóm Đồi Cả, xã Mỹ Thành đã cùng các thành viên bàn bạc, góp vốn nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu cho sản phẩm mật ong xuất xứ địa phương. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, "Mật ong Thành An” có sức tiêu thụ mạnh hơn, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã. Cũng từ đây, nguồn lực, nghề sẵn có trong nhân dân được phát huy. Các hộ thành viên cũng tích cực tìm kiếm thị trường, liên kết sản xuất để đảm bảo "đầu ra” cho sản phẩm ổn định.

Theo đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn, những năm gần đây, cùng với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), số lượng doanh nghiệp, HTX thành lập ngày càng tăng, từng bước đi vào hoạt động hiệu quả. Toàn huyện có 7 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 60 HTX với hơn 700 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 850 lao động. Với vai trò chủ doanh nghiệp, HTX, những người con dân tộc Mường năng động, gắn bó với nông nghiệp như chị Bùi Thị Mơ, anh Bùi Văn Nhưng, ông Quách Văn Sơn hay các Giám đốc HTX tiêu biểu khác, gồm: anh Bùi Văn Huế ở xã Quyết Thắng; chị Quách Thị Hoà ở xã Hương Nhượng… đã có đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển dịch, tái cơ cấu nông nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động vùng dân tộc thiểu số, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH ở địa phương.   

Bùi Minh

Các tin khác


Huyện Đà Bắc: Triển vọng phát triển nuôi vịt bầu thương phẩm

Huyện Đà Bắc có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi. Một trong những mục tiêu ngành chăn nuôi của huyện đặt ra là phát triển một số giống vật nuôi bản địa như: lợn, cá sông Đà và gà, dê, vịt…

Thành lập mới 47 doanh nghiệp trong tháng 7

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong tháng 7, có 47 doanh nghiệp với 28 đơn vị trực thuộc được thành lập mới, tổng số vốn đăng ký trên 557 tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng năm 2024, toàn tỉnh thành lập mới 257 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 5.200 tỷ đồng.

Triển khai 83 dự án hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp

Theo báo cáo của UBND tỉnh, thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2023, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 83 dự án về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nhập khẩu tăng trưởng trong vòng an toàn

Nhập khẩu tuy tăng trưởng cao nhưng không đáng lo ngại bởi vì chiếm 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong 7 tháng năm 2024 là nhóm hàng cần nhập khẩu.

Ứng phó thế nào trước biến động tăng lương?

Tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng từ ngày 1/7 sẽ tác động lên lạm phát như thế nào và ảnh hưởng ra sao đến kế hoạch và hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp?

Khẩn trương tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công

Ghi nhận 7 tháng qua, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) của tỉnh đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, có 19 dự án (chưa bao gồm Chương trình mục tiêu quốc gia) đến thời điểm 30/6 chưa thực hiện giải ngân kế hoạch VĐTC năm 2024. Trước tình hình trên, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư (CĐT) khẩn trương tháo gỡ khó khăn để tăng tỷ lệ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn quan trọng này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục