Ghi nhận 7 tháng qua, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) của tỉnh đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, có 19 dự án (chưa bao gồm Chương trình mục tiêu quốc gia) đến thời điểm 30/6 chưa thực hiện giải ngân kế hoạch VĐTC năm 2024. Trước tình hình trên, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư (CĐT) khẩn trương tháo gỡ khó khăn để tăng tỷ lệ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn quan trọng này.


Dự án Hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Phú Thành II, Lạc Thủy (UBND huyện Lạc Thủy làm chủ đầu tư) được giao kế hoạch vốn năm 2024 là 14,4 tỷ đồng, đến nay, tỷ lệ giải ngân rất thấp.

Cụ thể, 19 dự án có tỷ lệ giải ngân 0% đến ngày 30/6 có tổng kế hoạch vốn được giao giải ngân năm 2024 khoảng 104,291 tỷ đồng. Tại cuộc họp với UBND tỉnh, các CĐT đã giải trình khó khăn của từng dự án. Nguyên nhân chủ yếu là do các dự án chưa hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư; một số dự án phải điều chỉnh thiết kế và dự toán; có dự án phải phụ thuộc Trung ương khi hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định, công tác phối hợp chưa hiệu quả nên thời gian chuẩn bị đầu tư bị kéo dài. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp nhiều vướng mắc đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án.

Điển hình như dự án "Xây dựng khu không gian bảo tồn di sản văn hóa Mo Mường gắn với dịch vụ du lịch tại xã Hợp Phong, huyện Cao Phong”, lãnh đạo UBND huyện Cao Phong cho biết, dự án vẫn trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, chưa có khối lượng thực tế nên chưa có tỷ lệ giải ngân. Hay như các dự án: Đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Phú Thành II, huyện Lạc Thủy; hạ tầng kỹ thuật xây dựng khu tái định cư tại xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi… đều gặp khó trong GPMB và thực hiện các thủ tục pháp lý.  

Về 5 dự án do UBND huyện Lương Sơn làm CĐT gồm: Tôn tạo di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa tại xóm Dốc Phấn, xã Lâm Sơn; đường Trần Hưng Đạo đến trung tâm hành chính quy hoạch huyện Lương Sơn; khu tái định cư cho các hộ liền kề nhà máy xi măng Trung Sơn (giai đoạn 1); khu tái định cư cụm công nghiệp xóm Rụt, xã Tân Vinh; đường xã Cao Dương - Thanh Sơn. Nguyên nhân chính là thời gian hoàn thiện thủ tục pháp lý kéo dài, vướng mắc trong GPMB nên vẫn trong quá trình chuẩn bị đầu tư, chưa có khối lượng để giải ngân.

Nắm bắt tình hình giải ngân VĐTC trong các tháng đầu năm rất chậm so với tiến độ đề ra, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt. Riêng đối với 19 dự án đến ngày 30/6 vẫn chưa có tỷ lệ giải ngân, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1101/UBND-KTN, ngày 9/7/2024 về việc phê bình 11 CĐT của 19 dự án; yêu cầu các CĐT nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý và thực hiện dự án dẫn đến ách tắc về tiến độ. Cùng với đó, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ tổng hợp báo cáo kết quả kiểm điểm của các đơn vị, đưa vào đánh giá, bình xét thi đua và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024. Đồng thời, phối hợp Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát công tác tổ chức ở các Ban Quản lý dự án đã đảm bảo quy định chưa để kịp thời kiến nghị chấn chỉnh lại đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. UBND tỉnh cũng giao Sở Xây dựng phối hợp các đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng, tiến hành xử lý nghiêm theo Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, hoàn thành xong trước ngày 10/8/2024.

Theo tổng hợp của Sở KH&ĐT, tính đến cuối tháng 7/2024, tỷ lệ giải ngân VĐTC của tỉnh đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Vì thế, Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh công tác giải ngân các tháng cuối năm. Trong nỗ lực chung, Sở KH&ĐT sẽ sát sao tổng hợp, rà soát, đánh giá tình hình giải ngân của từng dự án để kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét điều chỉnh số vốn của các dự án không còn nhu cầu sử dụng hoặc không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024 cho các dự án có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn.

Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh sự cấp bách phải tăng cường các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân VĐTC năm 2024. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đòi hỏi quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tổ chức, đơn vị liên quan. Khẳng định tinh thần chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các Ban Quản lý dự án chuyên ngành của tỉnh, các CĐT và đơn vị liên quan khẩn trương tăng cường các giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân và chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh khi không hoàn thành nhiệm vụ. Trong đó, rà soát ngay tiến độ từng dự án, chủ động đề xuất điều chỉnh vốn của các dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024 cho các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn. Đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân 0% đến ngày 30/6, yêu cầu các CĐT chấn chỉnh ngay công tác tổ chức thực hiện, khẩn trương tiến hành nghiệm thu, thanh toán và giải ngân lần đầu. Đặc biệt, yêu cầu CĐT quyết liệt thực hiện các giải pháp đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn của các dự án sử dụng nguồn vốn năm 2023 chuyển sang thực hiện năm 2024, nhất định không được để cắt vốn, điều chuyển vốn về Trung ương.


Khánh An

Các tin khác


Sản lượng cá giống 7 tháng ước đạt 110 triệu con

Theo báo cáo của UBND tỉnh, sản lượng sản xuất cá giống tháng 7 trong tỉnh ước đạt 10 triệu con giống các loại. Các cơ sở sản xuất chủ yếu ương dưỡng các bột, cá hương, cá giống gồm các loại truyền thống và một số loại đặc sản như: chiên, lăng, tầm, bỗng... Lũy kế 7 tháng, sản lượng cá giống toàn tỉnh ước đạt 110 triệu con, thực hiện 73,3% kế hoạch năm.

Phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều dự án, sử dụng bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học (BTĐDSH). Đến nay, các dự án đã góp phần khôi phục hệ sinh thái rừng đầu nguồn, bảo vệ hệ thống tưới tiêu, sử dụng bền vững tài nguyên rừng và BTĐDSH của tỉnh. Từ cơ sở đó, tỉnh Hòa Bình đang triển khai thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để công nghiệp đóng vai trò động lực của nền kinh tế

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) phải thực sự trở thành động lực của nền kinh tế. Đây là mục tiêu được Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh uỷ Hoà Bình đặt ra và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong những năm gần đây nhằm đưa CN-TTCN có tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, ổn định xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thực hiện các mục tiêu KT-XH của tỉnh. Đồng thời, tập trung phát triển CN-TTCN theo hướng hiện đại, duy trì phát triển ngành nghề truyền thống, hướng mạnh cho xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao; giữ vai trò động lực quan trọng trong phát triển kinh tế và thực hiện các mục tiêu về CNH-HĐH.

Các cấp Hội Nông dân góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về Đề án "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân (HND) Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam" (Đề án 61); Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với HND các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần xây dựng NTM” giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, các cấp HND trong tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả và đạt nhiều kết quả tích cực.

Ký kết hợp đồng tín dụng vốn vay cho dự án khu công nghiệp Bình Phú

Chiều 2/8, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Hòa Bình phối hợp Công ty TNHH Bình Phú Invest tổ chức Lễ ký kết hợp đồng tín dụng Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Bình Phú, tỉnh Hòa Bình”. Đến dự có đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND TP Hòa Bình, Ban quản lý các KCN tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh và một số đơn vị liên quan.

Đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng nuôi trồng thủy sản

Từ mã số vùng nuôi trồng thủy sản sẽ xác định được chủ cơ sở nuôi và nguồn gốc sản phẩm, qua đó tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu. Việc các vùng sản xuất nuôi trồng thủy sản có mã cũng thích ứng với xu hướng kinh tế nông nghiệp số hiện nay. Từ những yêu cầu trên, Chi cục Thủy sản đã và đang đẩy mạnh việc cấp mã số cho các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục