Thành
viên các tổ tuần tra, bảo vệ rừng thực hành xử lý tình huống giả
định gặp bẫy thòng lọng trong tuần tra bảo vệ rừng cộng
đồng tại xã Sơn Thủy (Mai Châu).
Tại xóm Riêng, xã Tú Lý (Đà Bắc), đều đặn hàng tháng các thành viên Tổ tuần tra bảo vệ rừng cộng đồng thực hiện tuần tra rừng. Ông Bùi Kỳ Thi, Trưởng xóm Riêng cho biết: Hiện xã Tú Lý có trên 512 ha rừng phòng hộ; trên 3.000 ha rừng sản xuất. Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lâm nghiệp cho người dân các xóm; hướng dẫn các chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng dân cư ứng dụng bản đồ LoCus Map trên điện thoại thông minh để phục vụ việc quản lý, bảo vệ rừng... Nhờ đó, người dân xóm cũng như các thành viên tổ cộng đồng có thêm kiến thức pháp luật về lâm nghiệp, thêm kinh nghiệm trong việc tuần tra, bảo vệ rừng để kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện các hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng tới rừng.
Hiện diện tích đất có rừng toàn tỉnh là 237.299,32 ha, rừng tự nhiên trên 141.614 ha, rừng trồng trên 95.685 ha. Theo Chi cục Kiểm lâm, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tham mưu Sở NN&PTNT và tham gia công tác thẩm định các dự án đầu tư có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố tham mưu chính quyền địa phương triển khai kịp thời các văn bản của cấp có thẩm quyền về triển khai công tác QL,BV&PTR trên địa bàn tỉnh.
Chính quyền địa phương các cấp xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là cấp xã, do đó, việc triển khai thực hiện các quy chế phối hợp được thực hiện tốt, tiêu biểu như quy chế giữa lực lượng kiểm lâm, công an, quân sự; quy chế phối hợp giữa đơn vị chủ rừng, UBND cấp xã sở tại và các cơ quan chức năng của địa phương; giữa tỉnh Hòa Bình và các tỉnh lân cận. Hàng năm, ngành Kiểm lâm tổ chức trên 1.300 cuộc tuyên truyền với gần 275.000 lượt người tham gia; xây dựng và bổ sung chỉnh sửa phương án phòng cháy, chữa cháy của tỉnh nhằm chủ động huy động nguồn lực theo phương châm 4 tại chỗ để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống cháy rừng xảy ra. Trên 120 km đường băng trắng cản lửa thường xuyên được duy tu, củng cố; các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng tại các thôn, xóm được xây dựng để thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ rừng tại gốc. Lực lượng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng thường xuyên được củng cố và hoạt động hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 1.257 tổ quần chúng bảo vệ rừng với 7.660 người tham gia.
Đặc biệt, tình trạng vi phạm pháp luật và diện tích bị thiệt hại do hành vi phá rừng trái pháp luật giảm, công tác quản lý, bảo vệ rừng được chấn chỉnh, đi vào nền nếp. Trong 5 năm (2019 - 2023), toàn tỉnh phát hiện và xử lý 214 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Các vụ vi phạm được xử lý đúng người, đúng hành vi, có tính răn đe cao, không có khiếu nại xảy ra sau khi xử lý. Trên địa bàn tỉnh không có vụ việc nổi cộm, các điểm nóng về phá rừng, cháy rừng, chống người thi hành công vụ, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. An ninh rừng được giữ vững, độ che phủ rừng được duy trì ổn định từ 51,5% trở lên.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp được tăng cường và đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đồng hành cùng doanh nghiệp, chủ rừng trong triển khai xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có trên 16.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC...
Đồng chí Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác QL,BV&PTR, thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, tiếp tục đưa chỉ tiêu phát triển rừng vào chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh. Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành để thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Chủ động, nâng cao năng lực, xử lý kịp thời, hiệu quả phòng cháy chữa cháy rừng. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng mới, phát triển kinh tế rừng. Đặc biệt, quan tâm gắn bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, thu nhập, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Thu Hằng