Từ đầu năm đến nay, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó đoán định, ảnh hưởng lớn đến sản xuất - kinh doanh và đời sống người dân.
UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Hoà Bình những tháng cuối năm. (Ảnh tại Trung tâm thương mại Vincom Plaza - TP Hòa Bình).
Đặc biệt cơn bão lịch sử vừa qua - bão số 3 và hoàn lưu sau bão đi qua nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề, gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và làm đứt gẫy giao thông vận chuyển hàng hóa. Trên thực tế đã có lúc, có nơi xảy ra tình trạng khan hiếm một số mặt hàng thiết yếu như rau xanh, củ quả, lương thực, thực phẩm, nước uống... Chính vì vậy dẫn đến tăng giá cục bộ tại một số nơi, khó khăn cho sinh hoạt, tiêu dùng của nhân dân. Hiện nay, giá một số mặt hàng vẫn ở mức cao, nhất là rau củ các loại, gạo, thịt lợn… đã ảnh hưởng đến chi tiêu thường ngày của người dân.
Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa luôn tăng cao, trong khi dự báo thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường, hình thái thời tiết cực đoan, nguy hiểm vẫn có thể xảy ra. Do vậy, việc quản lý, điều hành giá, bình ổn thị trường có vai trò quan trọng hỗ trợ sản xuất và đời sống, góp phần kiểm soát lạm phát.
Sớm nhận định sự biến động giá cả thị trường có thể xảy ra, Chính phủ, Bộ Tài chính đã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc việc đẩy mạnh các biện pháp quản lý, điều hành giá sau mưa bão. Theo đó, các bộ, ngành chức năng và các địa phương đã sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường giám sát thực hiện các biện pháp kê khai, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
Đặc biệt là các địa phương luôn nắm bắt sát diễn biến giá cả thị trường, cung cầu hàng hóa trên địa bàn, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Lực lượng chức năng tích cực giám sát thị trường hàng hóa tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, không để xảy ra tình trạng tạo khan hiếm, đầu cơ nâng giá; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố thiên tai, bão lũ để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý nhằm trục lợi; đảm bảo và tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, quan tâm đến địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng chịu thiệt hại của bão lũ.
Nhằm tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để kịp thời có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp theo thẩm quyền. Chủ động tháo gỡ, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, chế biến để cân đối cung cầu, ổn định thị trường. Đồng thời tăng cường công tác tổng hợp, phân tích dự báo thị trường giá cả…
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, Sở Công Thương luôn theo dõi, nắm bắt sát diễn biến giá cả thị trường, cung cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu của người dân. Phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các sở, ngành, địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra địa bàn; xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, giám sát thị trường tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình mưa bão để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hoặc vi phạm quy định pháp luật.
Cùng với đó, Sở NN&PTNT đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi sát tình hình sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để cung ứng cho các địa phương. Đồng thời, theo dõi chặt tình hình dịch bệnh, sản xuất các sản phẩm chăn nuôi (nhất là mặt hàng thịt lợn), nhu cầu tiêu dùng của thị trường để đảm bảo nguồn cung, kịp thời có biện pháp bình ổn thị trường. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi; chủ trì, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Tài chính đã đôn đốc, tổng hợp danh sách các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng phải đăng ký giá, kê khai giá trình UBND tỉnh phê duyệt bổ sung. Thông báo danh sách các tổ chức, cá nhân phải kê khai giá; cập nhật danh sách các tổ chức, cá nhân phải kê khai giá nhưng chưa thực hiện kê khai giá theo quy định của Luật Giá năm 2023. Đồng thời, theo dõi diễn biến tình hình thị trường, cung cầu và giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh và đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật. Sở cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá của doanh nghiệp, yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán đối với mặt hàng thiết yếu, mặt hàng bình ổn giá, kê khai giá theo quy định. Kịp thời tham mưu UBND tỉnh thực hiện các biện pháp điều hành phù hợp để giữ ổn định thị trường, giá cả, đảm bảo mục tiêu phát triển KT-XH và kiểm soát lạm phát.
Bình Giang
Sản xuất thép của Việt Nam kỳ vọng tăng khoảng 10% trong năm 2024 và 8% vào năm 2025 khi nhu cầu sử dụng thép của các ngành kinh tế trong nước phục hồi trở lại.
Tự chủ nguyên phụ liệu là một trong những yếu tố sống còn để doanh nghiệp để doanh nghiệp dệt may, da giày gia tăng giá trị cho sản phẩm. Tuy nhiên, hành trình tự chủ nguyên, phụ liệu đòi hỏi phải vượt qua rất nhiều thách thức.
Chiều 3/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà và Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các hiệp hội, nhà thầu xây dựng.
Xã vùng cao Hang Kia (Mai Châu) là nơi sinh sống từ lâu đời của đồng bào dân tộc Mông. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, diện mạo nông thôn nơi đây dần thay đổi, đời sống kinh tế của người dân từng bước cải thiện, nâng cao.
Từ đầu năm đến nay, bám sát chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động theo sát diễn biến kinh tế trong nước và nước ngoài để triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ khó khăn và phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động hệ thống tổ chức tín dụng.
Tối 2/10, Sở Công Thương triển khai diễn tập đảm bảo tác chiến phòng thủ năm 2024.