Là 1 trong 3 xã thuộc cụm vùng cao huyện Lạc Sơn, xã Ngọc Sơn có tiềm năng, lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường tiêu thụ nông sản gặp khó, giá sụt giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của người dân. Theo rà soát, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn xã hiện chiếm trên 40%.


Mô hình chăn nuôi đại gia súc của gia đình ông Bùi Văn Năm ở xóm Rộc, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) gặp khó trong tiêu thụ.

Gia đình ông Bùi Văn Năm ở xóm Rộc là một trong những hộ tiên phong phát triển sản xuất nông nghiệp, nhưng thời điểm này ông chán nản bởi nông sản tiêu thụ chậm. Một số mặt hàng mũi nhọn của gia đình đều gặp khó ở đầu ra, giá sụt giảm khoảng 40% so với thời gian trước. Cụ thể như 1 con trâu trên 1 tạ trước có thể bán giá khoảng 25 triệu đồng nhưng hiện tại giá chỉ 16 - 17 triệu đồng cũng rất khó bán. Bình quân hàng năm, tổng thu nhập của gia đình ông trên 100 triệu đồng, dự kiến năm nay chỉ khoảng 50 - 60 triệu đồng.

Ông Năm trăn trở: "Những năm trước, nông sản bà con làm ra được tư thương đến thu mua tận vườn. Hiện nay, thị trường tiêu thụ ngày càng khó khăn. Giá các nông sản giảm, trong khi chi phí trồng trọt, chăn nuôi đều tăng. Nếu không sản xuất nông nghiệp thì gia đình cũng chưa biết lựa chọn mô hình kinh tế nào khác để có thu nhập”.

Là xã thuần nông với trên 90% số dân sản xuất nông nghiệp, người dân xã Ngọc Sơn đã tận dụng tiềm năng để đầu tư phát triển các mô hình kinh tế phù hợp. Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn xã gần 400 ha; trong đó, ngô 234 ha, lạc 36 ha, mía tím 36 ha… Năng suất, sản lượng cây trồng đều đạt và vượt kế hoạch. Tổng đàn gia súc, gia cầm duy trì và phát triển gần 45.000 con… Thời gian gần đây, nông sản gặp khó trong tiêu thụ, tư thương ép giá, giá không ổn định.

Theo chia sẻ của người dân, nguyên nhân chính dẫn đến tiêu thụ nông sản khó khăn do địa hình cách trở, giao thông không thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa. Chất lượng nông sản của các hộ còn chênh lệch, không đồng đều. Nguồn cung lớn nhưng nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn và các vùng lân cận hạn chế.

Xác định những khó khăn, thách thức trong việc tìm hướng tiêu thụ nông sản, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân xác định mô hình kinh tế chủ lực để chú trọng nâng cao chất lượng. Lựa chọn cây, con giống đảm bảo chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất. Tăng cường liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ với các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận. Chú trọng công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội facebook, zalo…

Nhằm đẩy mạnh liên kết sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chính quyền xã đang hỗ trợ thành lập 1 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện tối đa để hợp tác xã đẩy nhanh giải quyết thủ tục hành chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất.

Đồng chí Bùi Thị Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết: "Những tiềm năng, lợi thế của xã phù hợp sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ đã và đang cản trở sự phát triển của các hộ nông dân trên địa bàn xã. Thời gian tới, xã mong UBND huyện Lạc Sơn và các ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ địa phương tạo mối liên kết tiêu thụ sản phẩm. Triển khai các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân. Đẩy mạnh liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng và bao tiêu sản phẩm. Từ đó, góp phần phát huy thế mạnh các mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Đức Anh


Các tin khác


Xã Vầy Nưa nỗ lực giảm nghèo bền vững

Vầy Nưa là xã thuộc diện khó khăn của huyện Đà Bắc, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, các mô hình kinh tế hiệu quả cao chưa nhiều. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 95%. Nghề chính mang lại thu nhập cho bà con nhân dân là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi…

Khắc phục hư hỏng trên các tuyến giao thông do ảnh hưởng của mưa bão

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT), từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của mưa bão, nhất là do hoàn lưu gây mưa lớn của bão số 3 (Yagi), toàn tỉnh có 439 vị trí sạt lở taluy dương, khối lượng sạt lở hơn 68.000m3, sạt lở taluy âm 55 vị trí với tổng chiều dài 965m, 2 cầu hư hỏng, 21 ngầm tràn bị ngập… Việc khắc phục hư hỏng trên các tuyến giao thông đang được đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo lưu thông an toàn cho người dân.

Cam Cao Phong vào vụ được mùa, được giá

Ngày cuối tháng 10, chúng tôi trở lại vùng đất Mường Thàng - Cao Phong đầy nắng và gió, thủ phủ trồng cam của tỉnh. Thời điểm này bắt đầu vào vụ thu hoạch cam niên vụ 2024 - 2025. Cam năm nay được mùa, được giá, niềm vui lấp lánh trong ánh mắt, nụ cười của người nông dân.

Người dân mong đường Vầy Nưa - Tiền Phong sớm hoàn thành

Dự án nâng cấp tuyến đường liên xã Vầy Nưa - Tiền Phong (Đà Bắc) có mức đầu tư 400 tỉ đồng với chiều dài gần 25 km, khởi công từ cuối năm 2022. Đến nay, nhà thầu mới thi công được khoảng 6% khối lượng so với hợp đồng; giao thông đi lại rất khó khăn. Nhân dân các xã mong dự án được tập trung đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành để cải thiện điều kiện đi lại, giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 76,12%

Theo UBND tỉnh Hòa Bình, tháng 10/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh ước tăng 76,12% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, IIP tăng 17,2% so với cùng kỳ.

Thăm hợp tác xã nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc

Năm 2024, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Phạm An, thôn Trâm, xã Hưng Thi (Lạc Thủy) được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục