Cán bộ xã Thanh Sơn (Lương Sơn) trao đổi, hỗ trợ kỹ thuật phát triển kinh tế rừng với người dân thôn Thăng.
Từ trung tâm xã Thanh Sơn, con đường độc đạo lên xóm Thăng đã được cứng hóa. Khác với những năm trước người dân trong thôn phải rất vất vả mới có thể ra tới khu vực trung tâm. Nhiều ngôi nhà mới được khẩn trương hoàn thiện để kịp đón Tết. Xe tải, xe dịch vụ nối nhau di chuyển thuận tiện.
Với phương châm "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, ông Bùi Văn Hiên, Bí thư chi bộ thôn Thăng đã gương mẫu thi đua lao động sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Hiện nay, gia đình ông Hiên phát triển mô hình kinh tế trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Chủ lực là trồng cây bóng mát diện tích trên 1 ha với gần 3.000 gốc, trong đó có các loại được thị trường ưa chuộng như cây vú sữa, cây sang… Hàng năm, tổng thu từ mô hình kinh tế của gia đình ông ước đạt trên 500 triệu đồng. Ông Hiên cho biết: "Xác định phát triển kinh tế là yếu tố then chốt quyết định đến chất lượng cuộc sống gia đình, vợ chồng tôi đã tận dụng những tiềm năng, lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên, nguồn lao động dồi dào để tìm kiếm các mô hình kinh tế phù hợp. Chủ động học hỏi, tích lũy kích nghiệm và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình lao động. Đặc biệt tìm kiếm đầu ra để sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định”.
Thôn Thăng hiện có 91 hộ với trên 400 nhân khẩu. Cách trung tâm xã khoảng 5 km, thôn có đời sống thấp hơn mặt bằng chung của toàn xã. Nguyên nhân chính do địa hình cách trở, diện tích đất sản xuất hạn hẹp nên đời sống kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Từ nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án hỗ trợ lồng ghép, chính quyền địa phương đã tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở đáp ứng nhu cầu dân sinh. Trong đó đã nâng cấp, cải tạo tuyến đường giao thông nông thôn, đặc biệt là tuyến đường liên thôn, nội thôn và đường dẫn ra khu sản xuất. Đến nay, đường giao thông nông thôn trên địa bàn thôn Thăng được cứng hóa đạt trên 70%. Thôn không có nhà tạm, nhà dột nát. Tỷ lệ người dân được sử dụng điện, nước an toàn, hợp vệ sinh đạt 100%.
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền xã Thanh Sơn quan tâm chỉ đạo tăng cườngcông tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Toàn xã phát triển trên 200 ha cây lâm nghiệp. Các mô hình chăn nuôi duy trì tổng đàn trên 1,6 vạn con. Xã đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các chương trình đào tạo nghề ngắn hạn cho người dân trên địa bàn (trong đó quan tâm đến thôn Thăng), tập trung chủ yếu vào các ngành nghề mây tre đan, may, cơ khí… Tạo điều kiện cho người lao động được tham gia các chương trình hỗ trợ việc làm, xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, xã phối hợp với các tổ chức tín dụng hỗ trợ nhân dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thụ, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết: "Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ lồng ghép đã giúp thôn Thăng có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên so với mặt bằng chung của xã thì thôn Thăng còn nhiều khó khăn. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng thiết yếu. Khuyến khích người dân xóm Thăng linh hoạt, năng động trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ sở. Chú trọng công tác đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất. Nỗ lực trong thời gian sớm nhất "xóa trắng” hộ nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương.
Đức Anh