Việt Nam đang dần tạo dựng một ngành lúa gạo khác biệt so với các nước, tập trung vào gạo thơm, gạo chất lượng.

Khẳng định vị thế gạo Việt

Xuất khẩu gạo năm nay dự báo đạt trên 8 triệu tấn, vượt kỷ lục của năm ngoái. Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu bình quân cũng có thể đạt mức cao nhất, trên 600 USD/tấn. Điều này giúp giá lúa gạo tại thị trường trong nước duy trì ở mức cao và vẫn khá ổn định. Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm trên 45%. Tiếp theo là Indonesia và Malaysia. Dù Ấn Độ trở lại "đường đua" trong xuất khẩu gạo, nhưng theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, việc này cũng sẽ không gây tác động nhiều lên giá lúa gạo Việt Nam. Thị trường gạo sẽ khá ổn định và không có rủi ro cao, bởi giống lúa của Ấn Độ khác với Việt Nam.

Việt Nam đang dần tạo dựng ngành hàng lúa gạo tương đối khác biệt so với các nước. Đồng thời tập trung vào gạo thơm, gạo chất lượng cao, giảm dần gạo cấp thấp. Từ đó, hình thành dần mặt bằng thị trường với hàng hóa riêng biệt và tạo ra được giá trị riêng biệt.

Nhìn lại diễn biến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm qua, đã có lúc đạt ngưỡng bình quân 650 USD/tấn. Một ngưỡng cao của Việt Nam và liên tiếp trong nhiều tháng gạo Việt Nam giữ vị trí gạo đắt nhất thế giới với chủng loại 5% tấm. Mặc dù nửa cuối năm giá có sự suy giảm theo xu hướng của gạo thế giới khi Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nới lỏng chính sách xuất khẩu gạo của họ. Một vài tháng nay, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam cũng đã lấy lại ngưỡng trên 600 USD/tấn. Theo các doanh nghiệp, gạo Việt Nam giá tốt vì đáp ứng nhu cầu cao của nhiều thị trường trong năm vừa qua.

Ông Trương Mạnh Linh - Giám đốc Điều hành ngành gạo, Tập đoàn Tân Long cho biết: "Do tình hình bão lũ cũng như biến đổi khí hậu ảnh hưởng sản lượng trong nước của các nước này nên Phillipines, Indonesia, Malaysia thậm chí châu Phi tăng lượng nhập khẩu cuối năm, làm cho nguồn cung trong nước bị cắt giảm và giá có biến động tăng".

Năm 2024 đã dần khép lại với những kết quả không thể đẹp hơn cho hoạt động xuất khẩu gạo. Hạt gạo Việt Nam một lần nữa chứng minh là hạt ngọc quý giá với cả giá và kim ngạch không ngừng tăng cao.


Hạt gạo Việt Nam một lần nữa chứng minh là hạt ngọc quý giá với cả giá và kim ngạch không ngừng tăng cao

Gạo Việt chinh phục nhiều thị trường cao cấp

Tính đến hết tháng 11, giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 5,3 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay. Trong 10 năm qua, kim ngạch và sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn cùng tăng đều. Và từ chỗ Việt Nam bán những giống gạo cấp thấp, nay ngành gạo đã có những doanh nghiệp sản xuất được những giống gạo mà thị trường cần, với chất lượng cao.

Trúng thầu 50.000 tấn gạo thơm đi Hàn Quốc trong năm tới, chuẩn bị những bước cuối cùng đề đưa gạo với thương hiệu của chính mình lên thị trường Australia, đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo này, việc đầu tư cho chất lượng đã giúp họ liên tiếp chinh phục các thị trường khó tính, đổi lại giá trị thu về lớn hơn 30% so với thông thường

Ông Trương Mạnh Linh - Giám đốc Điều hành ngành gạo, Tập đoàn Tân Long chia sẻ: "Đề án 1 triệu ha để vận hành, sản xuất lúa và sản lượng gạo giảm phát thải đáp ứng nhu cầu của thế giới".

Với cơ cấu mùa vụ dày đặc trong năm, gạo Việt Nam cạnh tranh ở độ tươi mới và chất lượng ngày càng được cải thiện. Đây chính là lý do ngành gạo của Việt Nam trong năm nay đạt mục tiêu sớm tới một tháng. Và cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: "Gạo Việt Nam cứ đà này hết năm xuất khẩu trên 9 triệu tấn với giá trị lớn, gạo Việt Nam như chúng ta biết 85% giống lúa mới, 89% gạo chất lượng cao. Nếu chúng ta làm thành công 1 triệu ha nâng cao năng suất chất lượng, giảm phát thải vị thế gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế còn cao hơn nhiều".

Việt Nam đang dần tạo dựng một ngành lúa gạo khác biệt so với các nước, tập trung vào gạo thơm, gạo chất lượng. Từ đó hình định hình thương hiệu gạo Việt Nam là phân khúc gạo chất lượng cao và đây cũng là định hướng từ nay đến hết năm 2030 của ngành gạo Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu ý kiến: "Phải có cơ chế giám sát quy trình sản xuất làm sao đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đảm bảo thương hiệu, giữ vững uy tín của ngành gạo Việt Nam, tránh một vài lô ban đầu làm tốt, sau đó chất lượng giảm dần, không được đồng đều".

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường như EU, Hàn Quốc, Mỹ.

Để tiếp tục vươn lên vị trí cao hơn trong thị trường xuất khẩu gạo thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết cần tiếp tục tái cơ cấu mạnh ngành hàng lúa gạo theo hướng kiểm soát tốt chất lượng. Phải gắn ngành lúa gạo với phát triển bền vững, phát triển xanh. Gạo Việt Nam không chỉ ngon, mà phải có nhãn xanh, với mục tiêu cuối cùng là tăng thêm thu nhập cho người trồng lúa lên 30% so với trước đây.

Theo VTV.VN

Các tin khác


Nhìn lại năm 2024: Linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ

Năm 2024 khép lại với nhiều điểm sáng trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Những kết quả đạt được là tiền đề quan trọng, tạo thế và lực để toàn ngành cùng đất nước bước sang kỷ nguyên mới vươn mình, phát triển, giàu mạnh.

Huyện vùng cao Đà Bắc nỗ lực vượt khó

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, sự đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Đà Bắc đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tính đến tháng 11/2024, bình quân tiêu chí NTM của huyện đạt 13 tiêu chí/xã; có 4 xã đạt 19/19 tiêu chí, 1 xã đạt 14 tiêu chí và 11 xã đạt từ 10 - 13 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí.

Huyện Lạc Thủy phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh nông nghiệp

Huyện Lạc Thủy có nhiều lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng; người dân cần cù, chịu khó, cùng diện tích đất nông nghiệp lớn để phát triển các mô hình nông sản an toàn. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển các sản phẩm OCOP từ chính nguồn nông sản và thế mạnh của vùng. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện được cải tạo, nâng cấp, thuận lợi cho phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.

Huyện Mai Châu nâng tầm sản vật cá dầm xanh

Với giá trị kinh tế và hiệu quả đem lại, nuôi cá dầm xanh ở Mai Châu đã được mở rộng từ xã Vạn Mai ra thêm 4 xã gồm: Mai Hịch, Mai Hạ, Chiềng Châu, Sơn Thủy, vì các xã có nhiều mạch nước ngầm chảy ra từ các khe núi, là điều kiện phù hợp để nuôi loài cá đặc sản này. Mặc dù là loài cá đặc sản được nhiều người biết đến, nhưng hầu hết sản lượng nuôi trồng hàng năm chỉ cung cấp cho một bộ phận nhỏ thực khách khi đến tham quan, du lịch tại Mai Châu.

Kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Sáng 20/12, tại huyện Đà Bắc, đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác đã kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ km19 -km53 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình). 

Tiếp sức cho hàng Việt

Những năm qua, thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần giúp người tiêu dùng trong tỉnh dần thay đổi thói quen, suy nghĩ, ngày càng tin dùng hàng Việt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục