Huyện Lạc Thủy có nhiều lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng; người dân cần cù, chịu khó, cùng diện tích đất nông nghiệp lớn để phát triển các mô hình nông sản an toàn. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển các sản phẩm OCOP từ chính nguồn nông sản và thế mạnh của vùng. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện được cải tạo, nâng cấp, thuận lợi cho phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.
Sản phẩm dưa lưới inchiba xanh của Công ty cổ phần công nghệ cao Trường Thịnh, xã Thống Nhất (Lạc Thủy) đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Những năm qua, huyện Lạc Thủy quan tâm việc chọn và đưa vào sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Việc quản lý đồng bộ chất lượng ngay từ khâu sản xuất giống, quy trình canh tác… góp phần tăng năng suất, sản lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra giá trị sản phẩm bền vững cho ngành nông nghiệp, đặc biệt đối với các loại cây, con có thế mạnh của địa phương như chè, na, cam, thanh long, dê, gà Lạc Thủy… Huyện tập trung phát triển cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao với tổng diện tích hiện có trên 1.440 ha, trong đó cây ăn quả có múi 780,45 ha, cây nhãn 143,45 ha, na 89,1 ha, thanh long 56 ha, macca 154 ha… Diện tích được chứng nhận sản xuất an toàn thực phẩm, GAP đạt 30%. Có 30 cơ sở được cấp chứng nhận GlobalGap, VietGap. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 69 trang trại (gồm 37 trang trại thuộc lĩnh vực tổng hợp, 19 trang trại thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 10 trang trại thuộc lĩnh vực trồng trọt, 2 trang trại lĩnh vực thủy sản), doanh thu bình quân đạt 500 triệu đồng/trang trại/năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Huyện đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt, nâng cao hiệu quả sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Theo đó, UBND huyện giao phòng NN&PTNT hỗ trợ, hướng dẫn các vùng trồng trọt hàng hóa tập trung trên địa bàn làm thủ tục đăng ký cấp mã số, được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp 8 mã số (trong đó 6 mã số được cấp mới trong năm 2024). Vùng trồng được cấp mã số nằm trong các vùng trồng trọt tập trung của huyện (vùng trồng thanh long, thị trấn Ba Hàng Đồi; vùng trồng chè xã Phú Nghĩa; vùng trồng na thôn Đồng Bong, xã Đồng Tâm). Quan tâm xây dựng các thương hiệu nông sản chủ lực, nông sản đặc sản gắn với sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn huyện có 23 sản phẩm OCOP, trong đó 6 sản phẩm đạt 4 sao, 17 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm sau khi được công nhận đã hoàn thiện về bao bì, nhãn mác, tem, chất lượng sản phẩm được kiểm định theo định kỳ. Đồng thời, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm do tỉnh, huyện tổ chức, góp phần nâng cao hiệu quả thu nhập của người dân. Quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang thương mại điện tử, sàn giao dịch, tham gia các hội chợ, triển lãm, tuần lễ giới thiệu sản phẩm... thúc đẩy kết nối giao thương và tiêu thụ sản phẩm. Hướng dẫn hỗ trợ các tổ chức, cá nhân quản lý và truy xuất nguồn gốc, tiếp cận thông tin thị trường, bán hàng trực tuyến, sàn giao dịch điện tử. Nhiều cơ sở sản xuất bán sản phẩm nông sản qua các mạng xã hội: fanpage, facebook, instagram, zalo, youtube…
Đồng chí Hoàng Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thuỷ cho biết: OCOP là chương trình phát triển kinh tế quan trọng, thúc đẩy sản xuất gắn với phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị, góp phần nâng cao chất lượng nông thôn mới, trong đó trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển và tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Thời gian tới, huyện tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình, phát huy sức mạnh của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội với thực hiện chương trình theo từng nội dung cụ thể. Khuyến khích các chủ thể OCOP tham gia hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại tại các diễn đàn kết nối cung cầu, thực hiện kết nối trên nền tảng công nghệ số, hội chợ quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và nông sản; tổ chức đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP đảm bảo chặt chẽ, khách quan, đúng quy định; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về đánh giá, phân hạng sản phẩm và duy trì điều kiện, chất lượng sản phẩm của các chủ thể, sản phẩm OCOP. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, vận động các chủ thể chú trọng cải thiện chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ để các sản phẩm OCOP của huyện ngày càng được nhiều người biết đến, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, bảo đảm cung ứng theo yêu cầu của thị trường. Tăng cường phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh, tiềm năng của tiểu vùng, như dược liệu, dịch vụ, du lịch; thu hút đầu tư, khuyến khích các chủ thể chế biến sâu các sản phẩm, nhất là các sản phẩm từ chè, cây ăn quả để tiêu thụ mạnh trong nước, tăng giá trị của sản phẩm.
Hào Nam