Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tân Lạc đã chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Nguồn vốn này đã giúp hàng nghìn hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững.


Gia đình ông Bùi Văn Nam, xóm Bái Trang, xã Đông Lai (Tân Lạc) thoát nghèo nhờ vay vốn chính sách. 

Năm 2024, NHCSXH huyện Tân Lạc đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch được giao. Trong năm, đơn vị đã giải ngân trên 170,7 tỷ đồng cho gần 3,9 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn. Doanh số cho vay tập trung chủ yếu vào một số chương trình như: hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và cho vay tạo việc làm. Đến hết tháng 12/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt trên 600 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục đồng hành với người dân trên địa bàn huyện trong hành trình phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. 

Hơn 10 năm trước, gia đình ông Bùi Văn Nam, xóm Bái Trang, xã Đông Lai được tiếp cận vốn chính sách. Khi đó, gia đình ông Nam thuộc hộ nghèo, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Từ số tiền vay của NHCSXH, gia đình ông đầu tư nuôi trâu, bò. Nguồn vốn chính sách đã phát huy hiệu quả, đến nay gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà kinh tế đã ổn định hơn trước. Ông Nam chia sẻ: "Nhờ được Đảng, Nhà nước quan tâm, gia đình được vay vốn ưu đãi để chăn nuôi trâu, bò, giúp kinh tế ổn định hơn trước. Gia đình tiếp tục trồng cỏ nuôi bò và vay thêm vốn của NHCSXH để phát triển kinh tế”. 

Gia đình ông Bùi Hồng Phi, xóm Chuông, xã Mỹ Hoà cũng là điển hình trong sử dụng hiệu quả vốn vay từ NHCSXH để phát triển kinh tế. Cách đây hơn 7 năm, gia đình ông Phi vay 30 triệu đồng từ NHCSXH để chăn nuôi trâu sinh sản và trồng mía tím. Nhờ sự hỗ trợ tận tình của NHCSXH và tổ chức nhận uỷ thác vốn, gia đình ông sử dụng hiệu quả vốn vay. Ông Phi cho biết: Gia đình có lợi thế về đất đai thích hợp để trồng mía kết hợp chăn nuôi trâu. Nhờ vốn chính sách giúp gia đình có vốn đầu tư phát triển kinh tế. Đây là nguồn vốn có lãi suất ưu đãi, thủ tục vay vốn đơn giản. Nhờ vốn chính sách gia đình đã thoát nghèo, làm được nhà mới. 

Gia đình ông Nam, ông Phi là hai trong hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Tân Lạc đang vượt lên khó khăn nhờ sự đồng hành của tín dụng chính sách. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Tân Lạc cho biết: Để phát huy hiệu quả vốn chính sách, ngay từ đầu năm, đơn vị thực hiện rà soát nhu cầu vay vốn, tổ chức làm hồ sơ để cho vay kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. Năm 2024, thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 3.891 lượt khách hàng vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống. Trong đó, 516 lượt hộ nghèo, 588 lượt hộ cận nghèo, 364 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn; tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 601 lao động; giúp 58 học sinh, sinh viên vay vốn chi phí học tập; xây dựng, nâng cấp 788 công trình nước sạch và vệ sinh tại vùng nông thôn. Qua đó góp phần cải thiện, ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.


Viết Đào

Các tin khác


Các hợp tác xã chuẩn bị hàng hoá phục vụ Tết

Thời điểm này, các hợp tác xã (HTX) thương mại, dịch vụ, nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực chuẩn bị hàng hoá phục vụ người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Ngành Điện chung tay “Thắp sáng đường quê”

Những công trình đèn điện thắp sáng trên các tuyến đường được xây dựng với sự hỗ trợ của Công ty Điện lực Hoà Bình (PC Hoà Bình) không chỉ giúp việc đi lại của người dân được an toàn, mà còn góp phần bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng cuộc sống ngày càng văn minh.

Nâng cao giá trị sản xuất và phát triển kinh tế rừng bền vững

Ngày 30/7/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU về phát triển bền vững rừng sản xuất tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó tập trung nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững rừng sản xuất là rừng trồng trên cơ sở hình thành chuỗi liên kết từ trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Giá vàng đạt đỉnh cao nhất kể từ đầu năm

Sau gần 2 tuần đầu năm mới 2025, giá vàng miếng SJC trong nước bất ngờ tăng thêm 2,6 triệu đồng/lượng. Từ mốc 82,2 – 84,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) vào ngày 1/1, giá vàng tăng lên mức 84,8 – 86,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) trong phiên cuối tuần và được dự báo sẽ duy trì ở mức giá này trong tuần tới.

Năm 2025, Hội Nông dân phấn đấu có 42.000 hộ nông dân đạt danh hiệu "Sản xuất, kinh doanh giỏi" các cấp

Hội Nông dân (HND) tỉnh vừa tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành (BCH) lần thứ 6 (khoá XI) nhằm kiện toàn bầu bổ sung Ủy viên BCH HND tỉnh nhiệm kỳ 2023 - 2028; tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Người gieo mầm xanh vùng cao Ngọc Sơn

Sinh ra và lớn lên tại xã Bình Sơn (Kim Bôi), nhưng anh Bùi Đức Sớm lại lựa chọn vùng cao Ngọc Sơn (Lạc Sơn) để thực hiện ước mơ khởi nghiệp. Với mong muốn gieo những mầm xanh tại vùng đất khó, chàng thanh niên đã dành thanh xuân, nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Cuối tháng 10/2024, anh Sớm thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp và thương mại Ngọc Sơn với hy vọng chắp cánh cho nông sản vùng cao Ngọc Sơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục