Xác định thế mạnh của địa phương là du lịch và sản xuất nông nghiệp, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ (ĐHĐB) huyện lần thứ XXVI, huyện Mai Châu đã hướng tới việc xây dựng "nền kinh tế xanh” bằng chương trình hành động với những lộ trình cụ thể và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Khai thác vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc, hàng năm huyện Mai Châu thu hút đông khách du lịch quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Từ việc tạo được bứt phá trong phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ), Mai Châu trở thành cái tên đầy sức hút đối với du khách và đứng trước nhiều vận hội mới để vươn tầm phát triển... "Lĩnh vực du lịch của huyện đã trải qua một hành trình đặc biệt đánh dấu sự chung sức, đồng lòng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong toàn huyện”, đồng chí Hà Công Nghị, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mai Châu chia sẻ. Với phương châm chỉ đạo xuyên suốt qua 3 kỳ ĐHĐB huyện "phát triển DLCĐ gắn với xây dựng nông thôn mới” đã tạo được sự đồng lòng, nhất trí cao từ cấp ủy, chính quyền cơ sở, phù hợp với nguyện vọng của người dân.

Thực hiện chủ trương phát triển DLCĐ, năm 2010 được coi là vạch xuất phát để Mai Châu bắt đầu thực hiện hành trình phát triển mới. Thời điểm đó, toàn huyện mới có 11 nhà nghỉ, 54 hộ kinh doanh nhà nghỉ cộng đồng, 8 xã có hoạt động DLCĐ. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt gần 10 tỷ đồng/năm. Cả năm đón khoảng 64 nghìn lượt khách du lịch. Toàn huyện cũng chỉ có bản Lác (xã Chiềng Châu) được coi là bản DLCĐ. Sản phẩm du lịch nghèo nàn, chất lượng dịch vụ thấp nên chưa tạo sức hút đáng kể đối với du khách. Trong bối cảnh đầy thử thách, cả hệ thống chính trị huyện Mai Châu quyết tâm tạo ra hướng phát triển mang tính đột phá cho lĩnh vực du lịch của huyện, đó là DLCĐ.

Sau 15 năm, Mai Châu đang hiện thực hóa những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện. Đáng kể nhất là sự phát triển vươn tầm của ngành du lịch. Đến thời điểm này, huyện có quy hoạch đồng bộ, bài bản về phát triển du lịch. Bằng cách thực hiện hiệu quả những quyết sách quan trọng về phát triển du lịch, Mai Châu đã bứt phá, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. "Nghị quyết ĐHĐB huyện qua các nhiệm kỳ là "kim chỉ nam” định hướng cho các hoạt động phát triển du lịch của huyện. Từ nghị quyết đã có nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch được tăng cường. Hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm đầu tư. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa được quan tâm. Nhờ đó, từ 1 điểm DLCĐ ban đầu là bản Lác, đến nay toàn huyện có gần 150 cơ sở lưu trú du lịch, 7 điểm DLCĐ, 12 khách sạn, 28 nhà nghỉ, 106 homestay, thu hút, tạo việc làm cho trên 1.200 lao động trong lĩnh vực du lịch. Trên địa bàn huyện có 15 dự án du lịch, thương mại được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, tổng vốn đăng ký trên 1.178 tỷ đồng. Các dự án đều có quy mô, khả năng đáp ứng nhu cầu về nghỉ dưỡng chất lượng cao cho khách du lịch. Từ những nỗ lực đó đã đưa ngành thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của huyện (chiếm 37% năm 2024), vượt chỉ tiêu Nghị quyết ĐHĐB huyện lần thứ XXVI đề ra.

Xây dựng nền "kinh tế xanh”, bền vững

Không chỉ đặt mục tiêu tạo ra những dấu ấn rõ nét trong lĩnh vực du lịch, theo đồng chí Phạm Văn Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu thì huyện xác định nông nghiệp vẫn là một "trụ đỡ” cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Để đưa giá trị sản xuất nông nghiệp ngày càng cao theo tinh thần Nghị quyết ĐHĐB huyện lần thứ XXVI, thời gian qua huyện đã nỗ lực để tạo ra những bước đột phá mới.

Đảng bộ, chính quyền các cấp trong huyện tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, phù hợp từng vùng, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng chí Ngần Văn Toàn, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Mai Châu cho biết, huyện tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp đưa vào sản xuất. Thực hiện thâm canh tăng vụ, chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa, xây dựng mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, như mô hình trồng rau an toàn tại xã Chiềng Châu, Bao La, Mai Hịch...; ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, thực hiện giám sát an toàn dịch bệnh... 

Để thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, huyện quan tâm đầu tư, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông nghiệp, nhất là những sản phẩm có tính đặc trưng như "Ngô nếp Thung Khe”, "Khoai sọ Phúc Sạn”, "Tỏi tía Thành Sơn”, "Lợn đen Mường Pa”, "Rượu Mai Hạ”, "Gà đen Hang Kia, Pà Cò”, mới đây nhất là "Cá dầm xanh Mai Châu” nhằm góp phần nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm...

Từ việc thực hiện có hiệu quả lộ trình phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế địa phương đã thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Mai Châu ngày càng phát triển bền vững. Trong đó, nông nghiệp vẫn đóng vai trò "trụ đỡ” với giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản năm 2024 đạt 1.452,3 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28%. Du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn tiếp tục là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế của huyện.


Mạnh Hùng

Các tin khác


Nhộn nhịp thị trường hoa cây cảnh, giá không nhiều biến động

Mặc dù ngành nông nghiệp chịu thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3 vào đầu tháng 9/2024, nhưng đến nay thị trường hoa, cây cảnh phục vụ Tết trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã cơ bản phục hồi, rộn ràng đưa ra thị trường đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Huyện Cao Phong: Người trồng chuối được mùa do giá tăng mạnh

Những ngày gần Tết, giá chuối ở huyện Cao Phong tăng từng ngày. Nhiều nhà vườn thu được hàng trăm triệu đồng nhờ cây cải tạo đất.

Huyện Lạc Thủy tạo bước đột phá về thu hút đầu tư

Để cụ thể hóa nghị quyết đại hội và quyết tâm tạo đột phá trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, huyện Lạc Thủy đã xây dựng phương án "Phát triển các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn huyện đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”. Trong đó, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, kết nối các vùng, miền trong và ngoài huyện để thu hút đầu tư phát triển các khu, CCN.

Các dịch vụ làm đẹp hút khách dịp cuối năm

Làm đẹp là nhu cầu thiết yếu của chị em phụ nữ, nhất là vào những dịp lễ, Tết. Thời điểm này, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ làm đẹp từ làm tóc, spa… bắt đầu nhộn nhịp. Lượng khách hàng được dự đoán tiếp tục tăng đến sát Tết Nguyên đán.

Trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Khu công nghiệp Yên Quang

Sáng 15/1, Công ty cổ phần An Việt Hòa Bình - chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Yên Quang phối hợp tổ chức Lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại KCN Yên Quang. Dự buổi lễ có đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan.    

Trên 33 nghìn hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi

Sáng 15/1, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (HĐQT NHCSXH) tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2025 (phiên họp lần thứ IV năm 2024). Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện chủ trì hội nghị. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục