Trên địa bàn huyện Kim Bôi hiện triển khai 2 dự án trọng điểm mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gồm dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) và dự án khu đô thị sinh thái, giải trí và cáp treo Cuối Hạ. Nhằm triển khai các dự án, huyện tập trung công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, công tác dân vận khéo GPMB được cấp ủy đảng, chính quyền coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.


Nhờ đồng thuận của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng, đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu). Ảnh chụp tại xã Đú Sáng (Kim Bôi). 

Đối với dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu), UBND huyện đã bàn giao trên 59ha, đạt 72,76% diện tích đất phải thu hồi, tương đương tổng chiều dài 11,69/16,31km, đạt 71,67%. Trong đó, tại nhiều xã có tuyến đường đi qua, người dân đồng thuận ứng mặt bằng để đơn vị thi công mặt đường. Cụ thể, xã Đú Sáng có tổng diện tích đất thu hồi 14,7ha, đến thời điểm này người dân đã đồng thuận tạm ứng mặt bằng 8,76ha bàn giao cho đơn vị thi công. Xã Vĩnh Tiến có diện tích đất thu hồi 15,55ha, huyện đã vận động người dân tạm ứng mặt bằng 1,64ha để thi công công trình. 

Hiện chiều dài tuyến đường còn lại khoảng 4,62km, chủ yếu là đất ở và đất rừng đang được huyện tiếp tục hoàn thiện hồ sơ thực hiện bồi thường, GPMB. Với diện tích đất đã được GPMB, tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La dần hình thành. Có được kết quả đó là nhờ sự đồng thuận của nhân dân nơi tuyến đường đi qua. 

Cùng với dự án đường liên kết vùng, huyện Kim Bôi gấp rút đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án khu đô thị sinh thái, giải trí, cáp treo Cuối Hạ tại 2 xã Cuối Hạ và Kim Bôi. Dự án gồm 6 hợp phần phải GPMB là: dự án cáp treo, khu tái định cư xã Kim Bôi, khu dân cư nông thôn mới xã Cuối Hạ, tuyến cáp treo Kim Bôi - Lạc Sơn tại xã Kim Bôi, xây dựng nghĩa trang cho các xã bị ảnh hưởng, xây dựng trường mầm non xã Cuối Hạ. UBND huyện đã giao cơ quan chức năng tiến hành kiểm đếm xong toàn bộ phần diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, tài sản trên đất, mồ mả và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cần di dời. Đồng thời tiến hành xác định nguồn gốc đất, số nhân khẩu trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ % diện tích đất nông nghiệp thu hồi để xây dựng phương án đền bù, bồi thường, GPMB. 

Đồng chí Bạch Công Ban, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Kim Bôi cho biết: Các dự án được triển khai trong thời điểm giao thoa giữa Luật Đất đai cũ và Luật Đất đai mới áp dụng năm 2024. Theo đó, nhiều quy định mới về công tác bồi thường, GPMB được áp dụng, đòi hỏi phải có sự hướng dẫn chi tiết, cụ thể. Trong quá trình thực hiện công tác GPMB, trung tâm luôn nhận được sự hỗ trợ của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, nhất là ở cơ sở. Từ khâu kiểm đếm, niêm yết phương án bồi thường, GPMB, tổ chức đối thoại với nhân dân đều được cấp ủy, chính quyền cơ sở vào cuộc sát sao. 

Xác định công tác GPMB là mấu chốt của mấu chốt thực hiện các dự án trọng điểm, ngay từ khi triển khai dự án, Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Bôi đã chỉ đạo các cấp, ngành phát huy vai trò chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, nhất là tinh thần trách nhiệm, tiên phong của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan đến dự án. Chú trọng thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với phương châm "hợp ý Đảng, lòng dân". Các chủ trương, chính sách xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Thường xuyên theo dõi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Kịp thời giải thích, tiếp thu những ý kiến đóng góp về phương án đền bù, GPMB. Đặc biệt, huyện tổ chức thường xuyên các cuộc đối thoại, giải đáp thắc mắc giữa cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chuyên môn với nhân dân trong công tác bồi thường, GPMB, giải quyết những vướng mắc, bức xúc, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện. 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Thủy, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Kim Bôi cho biết: Ngay từ khi chuẩn bị quy hoạch, xây dựng dự án, triển khai dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, các cấp chính quyền trong huyện đã tổ chức họp dân, lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tham gia của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội liên quan đến dự án để bổ sung, hoàn thiện dự án. Thực hiện các hình thức công khai, như niêm yết công khai dự thảo quy hoạch tại các nơi công cộng (trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn, xóm). Đồng thời, phân công rõ trách nhiệm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nghiên cứu giải quyết ý kiến thắc mắc, kiến nghị đến từng hộ dân có liên quan.


Phương Linh

Các tin khác


Cấp thiết đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Kè xử lý sạt lở đường Bích - Trụ

Việc thi công dang dở, chậm tiến độ dự án Kè xử lý sạt lở đường Bích - Trụ (xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình) gây bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của hơn 80 hộ dân các xóm Tiểu Khu, Bích Trụ. Đây cũng là tuyến đường đi lại, vận chuyển hàng hóa của Nhân dân. Từ thực tế đó, đẩy nhanh thi công dự án là việc làm cấp thiết để nhanh chóng đưa vào sử dụng, đồng thời đảm bảo thông thương, đáp ứng nhu cầu di chuyển của Nhân dân trên địa bàn.

Xã Tân Minh vượt khó xây dựng nông thôn mới

Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là quá trình lâu dài, liên tục, thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã Tân Minh (Đà Bắc) tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM.

Ánh điện “kéo” Tết về sớm với bản

Sau hàng chục năm mong mỏi, nhiều hộ dân thuộc các khu dân cư ở khu vực vùng sâu đã có lưới điện quốc gia kéo đến tận nhà. Điều này không chỉ xoá bỏ nỗi lo mất an toàn do đường dây điện tự kéo cách xa, mà còn đem đến niềm vui lớn cho bà con khi Tết Nguyên đán Ất Tỵ dần chạm ngõ…

Nhộn nhịp thị trường hoa cây cảnh, giá không nhiều biến động

Mặc dù ngành nông nghiệp chịu thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3 vào đầu tháng 9/2024, nhưng đến nay thị trường hoa, cây cảnh phục vụ Tết trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã cơ bản phục hồi, rộn ràng đưa ra thị trường đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Huyện Cao Phong: Người trồng chuối được mùa do giá tăng mạnh

Những ngày gần Tết, giá chuối ở huyện Cao Phong tăng từng ngày. Nhiều nhà vườn thu được hàng trăm triệu đồng nhờ cây cải tạo đất.

Huyện Lạc Thủy tạo bước đột phá về thu hút đầu tư

Để cụ thể hóa nghị quyết đại hội và quyết tâm tạo đột phá trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, huyện Lạc Thủy đã xây dựng phương án "Phát triển các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn huyện đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”. Trong đó, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, kết nối các vùng, miền trong và ngoài huyện để thu hút đầu tư phát triển các khu, CCN.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục