Xu hướng sắm Tết của người tiêu dùng năm nay chú trọng chi tiêu tiết kiệm, ưu tiên các sản phẩm thiết yếu, có giá trị sử dụng cao.
Những ngày cận Tết, sức mua sắm tại các siêu thị ở Hà Nội tăng đáng kể. Tuy nhiên, xu hướng sắm Tết của người tiêu dùng năm nay chú trọng chi tiêu tiết kiệm, ưu tiên các sản phẩm thiết yếu, có giá trị sử dụng cao.
Nhiều người dân đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm thân thiện với môi trường, tốt cho sức khỏe hay còn gọi là các sản phẩm xanh. Đây là một thay đổi tích cực, cho thấy xu hướng tiêu dùng bền vững và trách nhiệm hơn đối với cộng đồng.
Cũng như nhiều người nội trợ, chị Hương ở Hà Nội từ mấy năm gần đây luôn giữ thói quen mua sắm tại siêu thị. Lý do rất đơn giản, đó là đầu vào của hàng hóa ở đây yên tâm về chất lượng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội cho biết: "Khi lựa chọn, tôi sẽ ưu tiên cái quan trọng nhất vẫn là chất lượng sản phẩm, chẳng hạn chất lượng hữu cơ về rau củ quả, để dành cho gia đình có sức khỏe tốt nhất, đón cái Tết vui vẻ”.
Hướng đến lựa chọn những sản phẩm xanh là một thay đổi tích cực, phản ánh xu thế tiêu dùng bền vững và trách nhiệm hơn của cộng đồng
Gian hàng rau, củ, quả và thực phẩm luôn là nơi thu hút đông khách trong những ngày cận Tết. Đa số người tiêu dùng đều muốn mua sản phẩm xanh, sạch, sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, với giá không quá đắt.
Ông Nguyễn Tiến Giáp - Xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội chia sẻ: "Nhà tôi năm nào cũng vậy, rõ nguồn gốc, chất lượng đảm bảo, quan trọng là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Theo thống kê sơ bộ của một số siêu thị ở Hà Nội, năm nay, lượng khách tăng chậm, chủ yếu tập trung vào hai tuần trước Tết, với sức mua tăng khoảng từ 10%-20% so với ngày thường. Tuy nhiên, hầu hết các mặt hàng không tăng giá. Rất nhiều người như anh Dương thích lựa chọn sản phẩm trong nước, từ các vùng miền trong đó có các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc địa phương, có thương hiệu, gọi tắt là OCOP.
Anh Nguyễn Văn Dương - Quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội tâm sự: "Những năm gần đây, xu thế sản phẩm OCOP được đánh giá rất cao, chúng tôi cũng sẽ ưu tiên những sản phẩm vùng miền để tặng khách hàng”.
Bà Nguyễn Kiều Oanh - Giám đốc phụ trách Sở Công thương, TP. Hà Nội nhận định: "Đối với sản phẩm OCOP, chúng tôi ưu tiên đưa vào chuỗi bán hàng của các siêu thị. Đặc biệt, qua các kênh thông tin truyền thông, các mặt hàng ấy đảm bảo chất lượng thì sẽ có sức lan tỏa”.
Hướng đến lựa chọn những sản phẩm xanh là một thay đổi tích cực, phản ánh xu thế tiêu dùng bền vững và trách nhiệm hơn của cộng đồng. Sự thay đổi này không chỉ thúc đẩy tính cạnh tranh của doanh nghiệp mà còn góp phần bảo vệ môi trường và hướng đến phát triển bền vững trong tương lai.
Người Việt Nam ngày xưa vẫn có quan niệm "No ba ngày Tết, ấm ba tháng hè" nên Tết đến cứ tích luỹ thức ăn để cảm giác no đủ. Vì thế nhiều khi chi tiêu quá nhiều cho việc mua sắm thực phẩm, dẫn đến tình trạng thừa mứa thức ăn, đổ bỏ.
Một thay đổi tích cực là ngày càng nhiều người dân có xu hướng mua thực phẩm vừa đủ để tránh lãng phí. Bởi hiện nay các hàng quán, siêu thị hầu như phục vụ đến chiều 30 và Mùng 2 Tết đã mở cửa trở lại, thậm chí có nơi bán hàng xuyên Tết. Do đó, người dân không cần lo lắng và chỉ nên mua sắm phù hợp với nhu cầu, mua đủ để không lãng phí.
Theo VTV.VN
Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 65 tỷ USD. Tuy nhiên các ngành hàng nông nghiệp cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi mới đây nhiều thị trường liên tiếp đưa ra những thay đổi về quy định đối với hàng nông sản xuất khẩu, yêu cầu các địa phương, người sản xuất, doanh nghiệp phải nhanh chóng cập nhật và tuân thủ.
Một ngân hàng đưa ra mức lãi suất lên đến 9,5%/năm cho kỳ hạn 12-13 tháng, áp dụng cho khách hàng gửi tại quầy với số dư tối thiểu 2.000 tỉ đồng.
Giá vàng tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng trong phiên 21/1, khi thị trường đổ xô vào tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn xung quanh các kế hoạch thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngày 21/1, Sở Tài chính tổ chức Hội nghị triển khai Công điện số 125/CĐ-TTg, ngày 01/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến lĩnh vực quản lý tài sản công (TSC), thống nhất phương án xử lý TSC trên địa bàn tỉnh sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Tham dự có lãnh đạo, chuyên viên Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng; đại diện UBND các huyện, thành phố; các đơn vị liên quan đến lĩnh vực quản lý TSC; đại diện các địa bàn có cơ sở nhà, đất dôi dư sau khi sắp xếp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Quyết định số 377/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp quốc gia năm 2024 (đợt 3).