Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh dẫn nguồn báo China Daily cho biết các nhà quan sát thị trường và giới xuất khẩu nhận định quan hệ kinh tế - thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam dự kiến sẽ nâng lên tầm cao mới, nhờ cơ cấu thương mại bổ sung cao giữa hai nước, tiến trình hiện đại hóa của Việt Nam, cũng như tác động ngày càng rõ nét từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Chú thích ảnh
Cảng quốc tế Gemalink trong cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là đầu mối khu mực phía Nam chuyên xuất khẩu hàng hóa sang trị trường Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và các biện pháp đơn phương gia tăng, Trung Quốc và Việt Nam đang đẩy mạnh nâng cấp công nghiệp và chuyển đổi kỹ thuật số nhằm đón đầu cơ hội tăng trưởng trong các lĩnh vực trọng yếu như sản xuất tiên tiến, năng lượng xanh, logistics thông minh, thương mại điện tử và hội nhập chuỗi cung ứng khu vực.

Chuyên gia về phát triển kinh tế khu vực tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Giáo sư Wan Zhe, nhận định hai nước đang trên đà thiết lập quan hệ kinh tế sâu sắc và năng động hơn trong những năm tới, với khát vọng hướng tới phục hồi và tăng trưởng bền vững. Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa hai bên đã ghi nhận nhiều bước tiến đáng kể. Việt Nam hiện đang triển khai một loạt chiến lược chủ chốt như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030; và Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030.

Theo Giáo sư Wan Zhe, những sáng kiến mang tính định hướng tương lai này giúp tăng đáng kể sức hút của Việt Nam như một điểm đến đầu tư và đổi mới, thu hút dòng vốn và công nghệ đáng kể từ Trung Quốc cũng như các nước khác. Bà cho rằng chính sức mạnh tổng hợp ngày càng lớn này đang tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác kinh tế và công nghệ sâu rộng giữa hai nước.

Số liệu mới nhất từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến đầu tư nước ngoài quan trọng của Trung Quốc. Trong 8 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư 1,97 tỷ USD vào Việt Nam, đánh dấu tốc độ tăng trưởng nhanh chóng.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại giữa hai nước trong năm 2024 đạt 1,85 nghìn tỷ Nhân dân tệ (NDT, tương đương 254,05 tỷ USD), tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước, nhờ tăng trưởng về thương mại hàng hóa cùng các lợi ích từ RCEP. Đà tăng này tiếp tục được duy trì trong 2 tháng đầu năm nay, với kim ngạch thương mại song phương đạt 270,96 tỷ NDT, tăng 8,2% so với cùng kỳ.

Các mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam gồm máy móc, thiết bị viễn thông, linh kiện điện tử, nguyên liệu công nghiệp, tàu hỏa, tàu thủy, xe tải, thiết bị gia dụng và vật liệu xây dựng. Ngược lại, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều loại nông sản và thủy sản như hải sản, trái cây, cà phê, gạo; cũng như điện thoại thông minh, máy tính, cao su, giày dép, quần áo và đồ nội thất.

Nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc), ông Gao Lingyun, cho biết trong trung và dài hạn, Trung Quốc và Việt Nam có xu hướng làm sâu sắc hơn tính bổ sung và phân công lao động, thay vì  cạnh tranh trực tiếp. Điều này xuất phát từ việc hai nước đang ở những giai đoạn phát triển khác nhau và có lợi thế khác nhau. Trung Quốc hiện dẫn đầu về năng lực sản xuất và công nghệ cao cấp, trong khi Việt Nam có thế mạnh trong lĩnh vực lắp ráp và lực lượng lao động trẻ, tay nghề cao. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng mở ra nhiều cơ hội mới.

Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia về đầu tư xuyên biên giới tại Đại học Kinh tế và Thương mại Quốc tế Bắc Kinh, Giáo sư Lan Qinxin, nhận định Việt Nam có lợi thế cạnh tranh và tiềm năng thị trường nổi bật so với các quốc gia Đông Nam Á khác, cũng như so với Ấn Độ và Mexico, nhờ vị trí địa lý gần Trung Quốc và các chính sách đầu tư cởi mở. Giáo sư nhấn mạnh chính động lực bổ sung này đang thúc đẩy quan hệ đối tác cùng có lợi, đồng thời củng cố chiều sâu và khả năng thích ứng của quan hệ kinh tế Trung - Việt.

Một ví dụ cụ thể là nhà sản xuất sợi dệt và hóa chất, công ty Ningbo Dafa Chemical Fiber, tại thành phố Ninh Ba của tỉnh Chiết Giang, đang tích cực tìm kiếm những cơ hội mới ở thị trường Việt Nam. Giám đốc kinh doanh của công ty, bà Wang Ling, cho biết: "Ngành sản xuất đồ nội thất của Việt Nam phát triển mạnh, nhu cầu về sợi dệt và nguyên liệu tổng hợp cũng mạnh”. Theo số liệu thống kê của Hải quan Ninh Ba, trong 2 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu của công ty sang Việt Nam đạt 20,64 triệu NDT, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.



Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Giá vàng sáng 14/4 tăng mạnh, vàng miếng vượt 107 triệu đồng/lượng

Sáng 14/4, giá vàng trong nước đồng loạt tăng mạnh, vàng miếng SJC thiết lập đỉnh mới, vượt 107 triệu đồng/lượng. Mở cửa phiên sáng đầu tuần, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 104,5 - 107 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1.500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, và tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với giá chốt phiên cuối tuần trước. Đây là mức bán ra vàng miếng SJC cao nhất trong lịch sử.

Huyện Đà Bắc đẩy nhanh tiến độ các chương trình mục tiêu quốc gia

Cũng như các địa phương trong tỉnh, huyện Đà Bắc đã và đang nỗ lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) với mục tiêu đến cuối tháng 6/2025, vừa đảm bảo tiến độ giải ngân, vừa đảm bảo chất lượng thực hiện các chương trình, dự án.

Chuyên gia dự báo giá vàng vượt 110 triệu đồng/lượng trong năm 2025

Giá vàng trong nước tuần qua đã thiết lập đỉnh lịch sử trong phiên giao dịch ngày 11/4, vượt 106 triệu đồng/lượng và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025.

Tháo gỡ khó khăn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Hòa Bình tập trung vào các mục tiêu chính như: giảm nghèo, phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống, phát triển giáo dục, y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp nhiều bất cập cần giải quyết trong giai đoạn tới.

Nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo

Giảm nghèo bền vững (GNBV) không chỉ là mục tiêu, mà còn là thước đo sự phát triển công bằng và toàn diện của mỗi quốc gia. Trong quá trình thực hiện công cuộc này, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự chung tay của toàn xã hội, một yếu tố then chốt mang tính quyết định chính là ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân.

Chè Sông Bôi - Xanh hoá một vùng quê

Gần 245 ha chè, trong đó có 100 ha đạt chuẩn VietGAP. Những con số tưởng chừng khô khan ấy lại kể một câu chuyện rất xanh ở huyện Lạc Thủy, nơi cây chè không chỉ bền bỉ phủ kín những triền đất khô bạc, mà còn thắp lên hy vọng về một hướng đi mới cho nông nghiệp bền vững.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục