Gần 50 năm sau ngày non sông liền một dải, những vùng đất từng là hậu phương lớn cho chiến trường miền Nam đang bừng nở sức sống mới. Không còn là "vùng trũng” dịch vụ, Hòa Bình ba năm trở lại đây đã bứt phá bằng những mô hình thương mại đặc sắc: chợ đêm vùng cao, phố đi bộ, trung tâm logistics gắn với nông sản bản địa... Trên nền những đồi sim tím, giữa bãi ngô trập trùng, thương mại - dịch vụ đang len lỏi, đánh thức cả vùng đất và tâm thế con người. Đó là cuộc cách mạng thầm lặng nhưng đủ sâu để khắc tên Hòa Bình trên bản đồ kinh tế dịch vụ Tây Bắc.
Siêu thị Vì hoà bình tại phường Tân Thịnh là một trong những siêu thị đầu tiên hình thành trên địa bàn thành phố Hoà Bình, có đóng góp lớn cho tổng mức bán lẻ của tỉnh.
Trong quý I/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh Hòa Bình ước đạt 20.108 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong ba năm trở lại đây - một chỉ dấu cho thấy sức tiêu dùng nội tỉnh đang phục hồi mạnh mẽ, kéo theo hàng loạt chuyển biến trong hoạt động thương mại - dịch vụ.
Tại khu vực thành phố Hòa Bình, mô hình "tuyến phố thương mại kết hợp du lịch” đã manh nha hình thành, với các cửa hàng chuyên doanh, chuỗi cửa hàng ăn, uống mọc lên thay thế những dãy nhà đóng cửa im lìm. Chị Bùi Ánh Hồng, chủ một quán đồ uống hiện đại tại phường Phương Lâm chia sẻ: "Không ngờ là quán nhỏ lại trở thành nơi check-in quen thuộc của các bạn trẻ và khách du lịch. So với năm ngoái, doanh thu tăng khoảng 30%, tôi cảm nhận rõ những hồi sinh, phát triển về thương mại - dịch vụ trên mảnh đất này.”
Không chỉ ở thành thị, sự chuyển mình của thị trường nông thôn cũng rõ rệt hơn bao giờ hết. Chợ phiên Cao Phong, nơi từng buôn bán nhỏ lẻ và manh mún, nay đã có quầy hàng OCOP chuyên biệt, điểm quét mã QR sản phẩm và cả máy POS không tiền mặt. Sự lan tỏa của thương mại điện tử được thể hiện qua việc tỉnh duy trì hoạt động bán hàng trên sàn thương mại điện tử Hòa Bình, dù vẫn còn nhiều thách thức về tính mùa vụ và sản phẩm.
Du lịch tiếp tục là "cánh chim đầu đàn” trong lĩnh vực dịch vụ. Quý I/2025, toàn tỉnh đón 1,65 triệu lượt khách, tăng 5,8% so với cùng kỳ, với doanh thu đạt 1.680 tỷ đồng. Đáng chú ý, lượng khách quốc tế đạt tới 230 nghìn lượt, cho thấy nỗ lực quảng bá và kết nối của tỉnh với các thị trường nước ngoài bước đầu có hiệu quả. Thương hiệu du lịch Hoà Bình đang từng bước định vị gắn với yếu tố bản sắc và trải nghiệm. Không chỉ là điểm đến nghỉ dưỡng, Hòa Bình đang hướng đến trở thành điểm đến văn hóa - sinh thái hấp dẫn.
Hàng loạt chương trình như phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, hợp tác với TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, chuyển đổi số trong lữ hành - lưu trú… đã và đang tạo cú hích mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp trẻ, người dân bản địa mạnh dạn tham gia thị trường dịch vụ: từ homestay làng Mường, đến các tour trekking tự tổ chức…
Dù thương mại – dịch vụ đang khởi sắc, Hòa Bình vẫn đối mặt với một số điểm nghẽn, như quy mô thị trường còn nhỏ, năng lực logistics và sàn thương mại điện tử tỉnh hoạt động còn hạn chế… Tuy vậy, định hướng của tỉnh rất rõ ràng. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch năm 2025, đang trình phê duyệt cơ chế hỗ trợ giai đoạn 2026 - 2030, đẩy mạnh chuyển đổi số trong tiêu dùng và thương mại. Việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi sự, kết nối chuỗi tiêu dùng - sản xuất và xây dựng hạ tầng thương mại bản địa sẽ là ba trụ cột để thương mại - dịch vụ trở thành "mũi tăng trưởng mới”.
Đồng chí Dương Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định: Chúng tôi không chạy theo con số. Cái cần là tạo ra mạng lưới thương mại có bản sắc, dịch vụ mang tính bản địa hóa, phục vụ chính người dân Hòa Bình trước khi chinh phục du khách và thị trường ngoài tỉnh.
Dẫu vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng những tín hiệu tích cực trong thương mại - dịch vụ hôm nay đang mở ra kỳ vọng lớn cho một Hòa Bình tự tin bước vào "cuộc chơi” mới: cạnh tranh bằng bản sắc, phát triển bằng trải nghiệm.
Minh Vũ
Sáng 24/4, tại xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy, Công ty TNHH Xuân Thiện Hòa Bình tổ chức Lễ khởi công dự án Nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện Hòa Bình. Dự lễ khởi công có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Thị Minh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, huyện, thành phố...
Nhiều dự án chưa tiến hành giải ngân hoặc tỷ lệ giải ngân thấp, huyện Mai Châu đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021 - 2025.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi từ các tổ chức kinh tế giảm sau 5 tháng tăng liên tiếp, kéo huy động vốn ngân hàng sụt giảm đầu năm nay.
Sáng 23/4, đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì họp thường kỳ tháng 4/2025 của UBND tỉnh, nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm; xem xét cho ý kiến vào các văn bản trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và nhiều nội dung khác phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh.
Ghi nhận từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh nền kinh tế cần thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển, các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai các sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh (SX-KD), tiêu dùng chính đáng của người dân và doanh nghiệp với lãi suất cho vay hợp lý. Trong đó, ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho vay các lĩnh vực thế mạnh của địa phương nhằm "bơm” vốn cho nền kinh tế, bám sát mục tiêu tăng trưởng của từng quý và cả năm 2025.
Dám nghĩ, dám làm, chị Bùi Thị Châm, hội viên Chi hội phụ nữ xóm Láu Ráy, xã Bình Sơn (Kim Bôi) đã lựa chọn trở về quê hương lập nghiệp sau thời gian lao động tại nước ngoài. Nhờ nguồn vốn tích lũy và không ngừng học hỏi, vợ chồng chị mạnh dạn đầu tư mô hình kinh tế tổng hợp, phát triển chăn nuôi gắn với trồng trọt theo hướng sản xuất sạch, tuần hoàn.