Dự kiến sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành phố Hòa Bình có 5 phường, xã. (Ảnh chụp tại đường Chi Lăng, thành phố Hòa Bình).
Hòa Bình là một trong những tỉnh tiên phong thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Tỉnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị theo đúng tinh thần Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở.
Ngày 17/4/2025, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất chủ trương sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã. Theo đó thực hiện sắp xếp, sáp nhập 151 ĐVHC cấp xã trực thuộc 10 huyện, thành phố thành 46 ĐVHC cấp xã trực thuộc tỉnh (gồm 42 xã và 4 phường), giảm 105 xã, phường, thị trấn, tương đương 69,5%.
Trên cơ sở định hướng và các nguyên tắc chỉ đạo sắp xếp ĐVHC không đơn thuần là gộp nhỏ thành lớn, mà là sự tái cấu trúc tổng thể theo hướng liên kết vùng, phát huy tiềm năng và lợi thế so sánh, đồng thời đáp ứng yêu cầu lịch sử, văn hóa, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng phương án tổ chức ĐVHC cấp xã đáp ứng yêu cầu.
TP Hòa Bình là trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa của tỉnh, thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã, từ 19 ĐVHC cấp xã để hình thành 5 ĐVHC cấp xã mới (4 phường và 1 xã), được cơ cấu thành vùng trung tâm và các vùng ven đô thị. Dự kiến phường Hòa Bình được sáp nhập bởi 7 phường nằm trong khu vực trung tâm của thành phố. Đây là vị trí quan trọng khu vựcđô thị, phù hợp với thực tiễn, phù hợp quy hoạch và không gian phát triển trong thời gian tới. Cơ bản người dân đồng tình, ủng hộ. Theo ông Nguyễn Văn Long, tổ 16, phường Tân Thịnh, phương án tổ chức, sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh, cũng như TP Hòa Bình được tính toán khoa học và phù hợp. Đối với các xã, phường dự kiến của TP Hòa Bình, việc được tổ chức lại đảm bảo tạo dư địa rất lớn đối với sự phát triển sau này; có không gian rộng mở, kết nối hạ tầng giao thông chiến lược như đường Hòa Lạc - Hòa Bình, các cầu qua sông Đà; nhiều dự án chiến lược về đô thị, công nghiệp, dịch vụ đang được triển khai. Các xã dự kiến đều có cơ hội phát triển theo thế mạnh từng vùng, như phường Kỳ Sơn phát triển nông nghiệp chất lượng cao, gắn với du lịch; xã Thịnh Minh phát triển đô thị, du lịch sinh thái; phường Mông Hóa dự kiến phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch… Trên phạm vi toàn tỉnh, đơn vị cấp xã dự kiến được tổ chức lại đáp ứng yêu cầu và có không gian phát triển rất lớn. Tại 4 vùng Mường của tỉnh là Bi, Vang, Thàng, Động, khi tổ chức lại vẫn còn các xã theo các vùng Mường.
Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; dự thảo đề án hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, sẽ thành lập tỉnh Phú Thọ. Sau hợp nhất, tỉnh Phú Thọ mới có diện tích tự nhiên 9.437,46km2, dân số khoảng 3,6 triệu người, trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Phú Thọ đặt tại thành phố Việt Trì hiện nay. Dự kiến tỉnh mới Phú Thọ sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Có hạ tầng giao thông đồng bộ, liên kết thuận lợi với Vùng Thủ đô và các tỉnh Tây Bắc, là điểm trung chuyển quan trọng giữa miền núi và đồng bằng. Phú Thọ có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, đã và đang hình thành hệ thống khu công nghiệp, đô thị, du lịch và dịch vụ quy mô lớn, trở thành một trong những cực tăng trưởng quan trọng của vùng trung du, miền núi phía Bắc. Phú Thọ có hệ thống y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa phát triển, đủ năng lực phục vụ người dân cả khu vực; các trung tâm thể thao - du lịch góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của tỉnh mới. Hợp nhất 3 tỉnh sẽ tăng thu ngân sách, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân. Việc hình thành một tỉnh lớn với quy mô kinh tế lớn hơn sẽ nâng cao vị thế, năng lực điều hành và sức cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư, công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Từ đó tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, giảm chênh lệch phát triển giữa các vùng trong tỉnh mới...
Linh Đan