Xuất xưởng thực phẩm của Công ty
Vissan phục vụ Tết Canh Dần.

Xuất xưởng thực phẩm của Công ty Vissan phục vụ Tết Canh Dần.

Cùng với sự phục hồi kinh tế, thị trường hàng hóa đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc và ngày càng sôi động đặc biệt vào các dịp lễ, Tết. Thu nhập có khả năng thanh toán của người dân tăng lên và nhất là khi niềm tin của người tiêu dùng vào sự phục hồi kinh tế sẽ làm xu hướng tiêu dùng của người dân tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán. Dự kiến nhu cầu hàng hóa sẽ tăng khoảng 20 đến 30% so với các tháng trong năm và tập trung vào các hàng hóa lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng.

Chỉ đạo quản lý nhà nước


Bộ Công thương đánh giá, do kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao, nhu cầu về ăn uống trong ngày Tết không còn chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu. Nhưng theo tập quán tiêu dùng của người Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán vẫn không thể thiếu các loại thực phẩm như bánh chưng, giò, bánh, mứt, kẹo, thực phẩm tươi sống và chế biến sẵn..., vì vậy nhu cầu đối với các loại hàng hóa này sẽ vẫn tăng cao trong những ngày giáp Tết. Ngoài ra, do tác động của một số yếu tố như nguồn cung hạn chế, giá nguyên liệu, giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao, tỷ giá tăng..., cho nên giá nhiều loại hàng hóa sẽ có xu hướng tăng. Giá lương thực thời gian qua đã có những đợt tăng khá mạnh và hiện đang ở mức cao, thời gian tới giá gạo sẽ tiếp tục tăng nhẹ, nhất là ở các tỉnh phía bắc. Tuy nhiên, do hầu hết các địa phương đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng và các chương trình, chính sách hỗ trợ bình ổn thị trường Tết nên giá cả hàng hóa mặc dù có xu hướng tăng nhưng sẽ không tăng đột biến và quá cao ảnh hưởng đời sống của người dân.


Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên đán Canh Dần, Bộ Công thương đã chỉ thị các địa phương, đơn vị triển khai kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, phục vụ với mục tiêu cung ứng hàng hóa đủ với chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý, phục vụ nhân dân đón Tết đầy đủ, chu đáo, an toàn.


Trước diễn biến của giá thóc, gạo tăng liên tục trong thời gian đầu tháng 11-2009, Bộ Công thương đã chỉ đạo nhằm bình ổn thị trường lương thực cuối năm 2009 và đầu năm 2010, chủ động các phương án cung ứng lương thực khi thị trường có dấu hiệu bất ổn. Ðồng thời theo dõi sát diễn biến giá cả, cung cầu thị trường hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết.


Chuẩn bị phục vụ Tết tại một số địa phương


TP Hà Nội đánh giá thị trường Tết sẽ sôi động, lượng hàng hóa phong phú, nhu cầu hàng hóa dự kiến tăng khoảng 20% so với các tháng trong năm, tập trung vào các hàng hóa thiết yếu như thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả, bánh mứt kẹo, đồ uống... Giá một số loại hàng hóa lương thực, thực phẩm theo quy luật sẽ có xu hướng tăng vào những ngày cao điểm sát Tết. Tuy nhiên, với kế hoạch chuẩn bị và các phương án phục vụ Tết của các ban, ngành Thủ đô, sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiếu hàng, sốt giá cục bộ làm ảnh hưởng đời sống nhân dân.


UBND thành phố đã tạm ứng từ Quỹ dự trữ tài chính thành phố số tiền 250 tỷ đồng trong thời gian năm tháng với lãi suất 0% cho 12 doanh nghiệp (DN) đủ năng lực, thực hiện dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán.


Các DN dự trữ hàng hóa bảo đảm chất lượng theo đúng tiến độ kế hoạch và cam kết bán ra với giá thấp hơn 5% so với giá thị trường thời điểm Tết. Ngoài ra, các trung tâm thương mại, siêu thị như Metro, Big C, Intimex... cũng có kế hoạch dự trữ kinh doanh hàng hóa trong dịp Tết với tổng giá trị hàng hóa khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. UBND thành phố tạo điều kiện lưu thông vận chuyển hàng hóa trong nội đô, ưu tiên cho phương tiện vận tải của tám DN chở hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán được hoạt động 24/24 giờ trong nội thành; tạo điều kiện cho các DN sử dụng các khu đất trống làm kho tạm để dự trữ hàng hóa.


TP Hồ Chí Minh dự kiến nhu cầu mua sắm sẽ tăng khoảng 30 đến 40% so với ngày thường và tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hoa cây cảnh, đồ uống... Giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ sẽ tăng khá mạnh vào những ngày giáp Tết, nhưng tại các điểm bán hàng của các DN tham gia bình ổn Tết giá cả sẽ tương đối ổn định, thị trường sẽ không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá cục bộ.


UBND thành phố đã ứng 422 tỷ đồng từ ngân sách thành phố giao cho 13 DN đủ năng lực trên địa bàn vay ưu đãi trong sáu tháng (lãi suất 0%) để mua hàng hóa dự trữ Tết. Yêu cầu các DN tham gia bình ổn cung ứng hàng hóa bảo đảm chất lượng với giá bán thấp hơn giá sản phẩm cùng loại ngoài thị trường khoảng 10% tại thời điểm giáp Tết và sẵn sàng tham gia cân đối cung cầu hàng hóa khi cần thiết. Sở Công thương chủ trì phối hợp các sở, ngành kiểm tra tiến độ thực hiện kế hoạch bình ổn thị trường các mặt hàng thực phẩm thiết yếu của các DN được giao nhiệm vụ tham gia bình ổn thị trường Tết. Giao cho các DN được hỗ trợ vốn dự trữ hàng Tết đẩy mạnh việc mở rộng hệ thống cửa hàng bán lẻ trên địa bàn thành phố và tổ chức chương trình bán hàng lưu động phục vụ vùng sâu, vùng xa, công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng giáp ranh thành phố... Lập kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết; chú trọng công tác phòng, chống buôn bán hàng nhập lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm các quy định về giá. Cấp giấy phép lưu thông vào giờ cao điểm, đường cấm cho các phương tiện vận tải của các DN được UBND thành phố giao nhiệm vụ bình ổn giá để cung ứng hàng hóa phục vụ Tết.


Hải Phòng dự báo tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên địa bàn thành phố trong tháng Tết sẽ tăng từ 25 đến 30% so với các tháng trong năm. Ðể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và giữ vai trò bình ổn thị trường hàng hóa Tết, Sở Công thương đã giao cho một số DN trên địa bàn thực hiện việc dự trữ hàng hóa phục vụ Tết giữ vai trò chủ đạo điều tiết, giữ vững ổn định giá cả, cung cầu thị trường. Phối hợp các đơn vị sản xuất ở các quận, huyện và hợp đồng với các trang trại và các hợp tác xã thương mại chuẩn bị nguồn hàng nông sản, hàng thực phẩm... Giao một số DN thực hiện việc cung ứng hàng hóa cho các huyện ngoại thành và các huyện đảo.


Ðà Nẵng dự báo sức mua trên thị trường sẽ tăng khoảng 20% so với Tết Kỷ Sửu. Các DN trên địa bàn thành phố đã có kế hoạch dự trữ 18 mặt hàng thực phẩm tiêu dùng thiết yếu với tổng trị giá khoảng 108,6 tỷ đồng. Giao cho một số DN chủ lực cung ứng các hàng hóa thiết yếu đến các xã miền núi, vùng dân tộc thiểu số với giá ổn định trong dịp Tết. Sở Công thương đang đề nghị UBND thành phố hỗ trợ các DN vay 3,4 tỷ đồng với lãi suất 0% trong 1,5 tháng để dự trữ hàng Tết; hỗ trợ kinh phí phục vụ bán hàng Tết 100 triệu đồng (tổ chức 11 điểm bán hàng và hai xe lưu động); hỗ trợ chi phí bán hàng phục vụ hai xã miền núi 50 triệu đồng.


Tại Cần Thơ, các DN trên địa bàn thành phố đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán với tổng giá trị hàng hóa khoảng 933,29 tỷ đồng. Sở Công thương phối hợp Sở Tài chính đề nghị UBND thành phố hỗ trợ bốn DN đầu mối cung ứng hàng thiết yếu và thực hiện bình ổn thị trường Tết được vay ưu đãi từ ngân sách khoảng 15 tỷ đồng để mua hàng hóa dự trữ phục vụ Tết. Sở Công thương đã có kế hoạch phối hợp Phòng Kinh tế, Phòng Công thương các quận, huyện và ba DN (Công ty TNHH thương mại Sài Gòn - Cần Thơ, Công ty TNHH thực phẩm rau quả Cần Thơ và Vinatex) tổ chức các đợt đưa hàng Việt về bán ở các vùng nông thôn từ ngày 10-12-2009 đến trước Tết Nguyên đán Canh Dần, hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".


Giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh cho biết, để đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, Sở Công thương đã có kế hoạch mua hàng hóa dự trữ với tổng giá trị hàng hóa 209 tỷ đồng, gồm các mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng, dầu, bánh mứt và các nhu yếu phẩm khác.


Ngoài ra phòng ngừa sự đột biến về giá, tỉnh Trà Vinh đã tạm ứng tám tỷ đồng từ vốn ngân sách cho các doanh nghiệp có sử dụng vốn Nhà nước mua dự trữ các mặt hàng thiết yếu, như: Lương thực, thực phẩm, xăng, dầu, nhu yếu phẩm đề phòng khi giá cả thị trường có tăng đột biến, sẵn sàng đưa hàng hóa dự trữ ra để bình ổn giá.


Cùng với chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Canh Dần, sở giao cho Ban chỉ đạo 127 và Chi cục Quản lý thị trường tăng cường hoạt động chống hàng giả, buôn lậu và gian lận thương mại.


Tỉnh Kon Tum nhằm bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa không để xảy ra đột biến giá trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Dần, góp phần ổn định thị trường, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.


Theo đó, cho doanh nghiệp tạm ứng 12,6 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh để dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết. Hai đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ dự trữ hàng Tết là Công ty cổ phần Thương mại tổng hợp Kon Tum và siêu thị Vinatex Kon Tum. Hai đơn vị này thực hiện danh mục và số lượng hàng dự trữ, đồng thời cam kết bán hàng với mức giá hợp lý, không tăng giá các mặt hàng dự trữ trước, trong và sau Tết.


Cùng với số tiền tạm ứng của UBND tỉnh, ba đơn vị gồm Công ty cổ phần Thương mại tổng hợp Kon Tum, siêu thị Vinatex Kon Tum và siêu thị Koruko đã tự bỏ vốn khoảng 60 tỷ đồng, khai thác khoảng 250 mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trong dịp Tết.
 
                                                                         Theo Báo Nhandan

Các tin khác


Gửi tiết kiệm, chung tay vì người nghèo

Gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là việc làm mang tính nhân văn, không chỉ đem lại lợi ích cho khách hàng mà còn góp thêm nguồn lực giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Kinh nghiệm giải ngân vốn đầu tư công ở huyện Lương Sơn

Từ việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các giải pháp cụ thể, sát sao, huyện Lương Sơn trở thành địa phương có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công khá nhất tỉnh, góp phần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực thực hiện mục tiêu xây dựng huyện đạt tiêu chí cấp thị xã năm 2025.

Giá vàng sáng 20/5

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 20/5, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau:

Xã Tân Minh: Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Là xã vùng cao, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, đến nay xã Tân Minh (Đà Bắc) mới đạt 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Địa phương đang tập trung huy động mọi nguồn lực, nỗ lực hoàn thành các tiêu chí còn lại để hoàn thành mục tiêu về đích NTM trong thời gian tới.

Thủ tướng phát lệnh khởi công mở rộng Nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài

Chào mừng kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiều 19/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải đã dự Lễ khởi công gói thầu xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiết bị công trình mở rộng nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài - gói thầu chính và quan trọng nhất của dự án.

Huyện Lương Sơn: Học tập và làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực

Từ coi trọng thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, huyện Lương Sơn đã giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm, vấn đề từ thực tiễn đặt ra của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục