Nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã biết tận dụng nguồn phân hữu cơ sẵn có để đầu tư thâm canh, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp
(HBĐT) - “Năm 2009, ngành Nông nghiệp đã phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng với sức mạnh từ nội lực, chúng ta đã chứng tỏ được bản lĩnh của mình thông qua những thành quả đáng ghi nhận”. Đó là khẳng định của đồng chí Bùi Ngọc Đảm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khi nhìn lại một năm sản xuất đầy biến động và cho rằng: 365 ngày qua là 365 ngày nông nghiệp tỉnh ta gồng mình vượt khó.
Đồng chí Bùi Ngọc Đảm nhìn nhận: “Có những lúc, sức tàn phá của thiên tai, dịch bệnh tưởng như đã có thể dồn người nông dân đến bước đường cùng. Nhưng sự hỗ trợ và định hướng kịp thời của ngành chức năng và chính quyền các cấp đã tiếp thêm sức mạnh cho người nông dân, giúp họ chủ động đứng lên, gồng mình vượt qua mất mát để tiếp tục hướng tới những giá trị mà họ mong muốn đạt được trong quá trình sản xuất nông nghiệp”.
Chưa nói đến những thách thức mà ngành Nông nghiệp tỉnh nhà phải đối mặt khi vận động trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng. Chỉ cần nhớ lại diễn biến bất thường của thời tiết và dịch bệnh trong năm qua cũng đã đủ để thấm thía nỗi lao đao của người nông dân khi họ phải liên tiếp gánh chịu những áp lực lớn. Đầu tiên là đợt mưa lũ lịch sử kéo dài từ ngày 31/10 - 03/11/2008 gây thiệt hại nặng nề cho vụ đông xuân 2008 – 2009 với diện tích 4.500 ha ngô, màu bị ngập úng, 634 ha nuôi trồng thuỷ sản bị ngập tràn, hàng loạt công trình thuỷ lợi bị hư hỏng, giá trị thiệt hại khoảng trên 110 tỷ đồng. Tiếp đó, nguy cơ bùng phát dịch lở mồm long móng ở trâu, bò khiến địa bàn các huyện Mai Châu, Tân Lạc, Yên Thuỷ… “nóng” lên từng ngày, nhiều hộ chăn nuôi rơi vào tình trạng khốn đốn. Vụ hè thu 2009 tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi diễn biến bất lợi của thời tiết, kèm theo sức tàn phá khủng khiếp của các loại sâu bệnh hại trên cây trồng như bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và đặc biệt, sự phát triển mạnh trên diện rộng của tập đoàn rầy trên lúa đã gây thiệt hại nặng nề cho nông dân nhiều vùng. Hậu quả là sản lượng lúa toàn tỉnh năm 2009 đã giảm 2,5% so với năm 2008. Trong đó, riêng tập đoàn rầy đã gây hại trên 4.950 ha lúa vụ hè thu, làm giảm trên 1.000 tấn sản lượng.
Anh Bùi Văn Ngũ (Sào Báy, Kim Bôi) kể lại: Vụ hè thu 2009, nhà tôi trồng hơn 3.000 m2 lúa. Khi lúa bắt đầu chắc hạt thì bị nhiễm rầy cục bộ. Nguy cơ cháy rầy lan ra cả ruộng đã hiển hiện trước mắt. Nhưng sau đó, nhà tôi cũng như nhiều hộ trong xã được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách phun thuốc kháng rầy và khoanh vùng dịch bệnh. Nhờ đó không những vớt vát được vụ mùa mà nhiều hộ còn đảm bảo được năng suất cao hơn cùng kỳ năm ngoái…
Đối với nhiều hộ nông dân trong tỉnh, năm 2009 là một năm sản xuất đầy biến động và ẩn chứa không ít rủi ro. Chính vì vậy sự vào cuộc kịp thời của ngành chức năng và sự hỗ trợ của chính quyền các cấp đã giúp họ vượt qua khó khăn. Khắc phục hậu quả và kịp thời ứng phó với thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp, Sở NN&PTNT tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ sản xuất, đảm bảo khung thời vụ và diện tích gieo trồng, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời hướng dẫn bà con cách tận dụng nguồn phân hữu cơ sẵn có để đầu tư thâm canh, quán triệt định hướng khoanh nuôi bảo vệ và phát triển mạnh kinh tế rừng. Chính quyền các huyện, thành phố đã quan tâm chỉ đạo sâu sát cơ sở, kịp thời hỗ trợ nguồn kinh phí thoả đáng cho công tác phòng chống dịch bệnh và ứng dụng KHCN vào sản xuất. Công tác dự tính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi phát huy tốt vai trò. Đội ngũ khuyến nông viên, thú y viên cơ sở trở thành người bạn tin cậy của nhà nông. Công tác quản lý chất lượng giống cây trồng, vật nuôi ngày càng được chú trọng. Nhiều nguồn vốn được linh hoạt lồng ghép và sử dụng hiệu quả, tạo nền tảng vững vàng cho sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn…
Năm 2009, ngành nông nghiệp tỉnh nhà tiếp tục khẳng định vị thế ổn định trong cơ cấu kinh tế chung, với cơ cấu GDP chiếm 36,7%, mức tăng trưởng 4,14%, tổng sản lượng lương thực đạt trên 33,7 vạn tấn, tiếp tục đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Kết quả trên phản ánh nỗ lực và bản lĩnh của ngành nông nghiệp trong một năm gồng mình vượt khó. Bỏ lại sau lưng những nhọc nhằn của một năm sản xuất đầy cam go, ngành nông nghiệp tỉnh ta tiếp tục hướng tới năm 2010 bằng bản lĩnh sẵn sàng đối mặt và vượt qua thách thức./.
Phan Anh
(HBĐT) - Mặc dù cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi suy thoái kinh tế và thiên tai, dịch hại, tuy nhiên ở 3 xã Tây Phong, Bắc Phong, Thu Phong (Cao Phong) đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Kết quả đó nói lên sự thành công về mặt kinh tế- xã hội của dự án “Phát triển kinh tế hộ gia đình thông qua phát triển nông nghiệp bền vững”.
(HBĐT) - Vĩnh Đồng có diện tích tự nhiên là 1.040 ha. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp là 254,45 ha, đất 2 vụ lúa trên 140 ha. Toàn xã có 1.037 hộ với 4.478 nhân khẩu, được phân bổ trên 13 đơn vị xóm, tỷ lệ làm nông nghiệp toàn xã chiếm 90% trên tổng số hộ.
Nhằm tiếp tục chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và mở rộng sản xuất kinh doanh sau ảnh hưởng của khủng hoảng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2010, hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo trình Thủ tướng Quyết định về việc gia hạn nộp thuế TNDN năm 2010.
Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp để giảm căng thẳng về thanh khoản như giảm lãi suất để việc cho vay và huy động trở nên thuận tiện hơn
Để thống nhất về giá thuê cột điện để treo cáp viễn thông, vừa qua giữa ba bộ: Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Tài chính đã đứng ra "hòa giải", nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) vẫn chưa đạt được thỏa thuận chung là "thuận mua vừa bán".
Việt Nam là nước sản xuất lúa đứng thứ năm trên thế giới, với sản lượng hằng năm đạt hơn 35 triệu tấn. Nhiều năm qua, nước ta luôn là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới với sản lượng từ 4,5 đến 5 triệu tấn/năm. Riêng năm 2009, dự kiến xuất khẩu gạo sẽ đạt hơn sáu triệu tấn. Tuy nhiên, sản xuất và xuất khẩu gạo nước ta đang gặp nhiều thách thức, đòi hỏi những giải pháp chiến lược để sản xuất và xuất khẩu gạo phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.