Người trồng lúa cần được hỗ trợ nhiều mặt như kỹ thuật canh tác, giống...; kể cả phúc lợi y tế, văn hóa, giáo dục..
Chính sách lúa gạo hiện hành sẽ không còn chỗ đứng khi thỏa thuận về lúa gạo trong AFTA được áp dụng. Vì vậy, phải thiết kế ngay chính sách điều hành, xuất khẩu gạo cho bối cảnh mới
Sắp tới đây, khi thực hiện Thỏa thuận tự do thị trường về lúa gạo trong khối các quốc gia Đông Nam Á (AFTA), ngoại trừ Philippines, Indonesia và Malaysia, các quốc gia khác - trong đó có VN - phải dỡ bỏ toàn bộ hàng rào quan thuế, thuế cho nhập khẩu lúa gạo sẽ ở mức 0%. Lúc đó, VN sẽ đối diện với thách thức mới khi dòng chảy lúa gạo từ Thái Lan, Campuchia sẽ tự do tràn sang.
Những chính sách bù giá và tạm trữ vốn đã khó thực hiện sẽ không còn cơ hội để thực hiện (vì sẽ bù và trữ cho cả gạo nước ngoài); vấn đề giá sàn với những tác dụng ngược của nó vốn đã bất cập sẽ càng thêm bất cập. An ninh lương thực, là cơ sở của các quyết định ngừng xuất khẩu gạo và phân bổ chỉ tiêu, cũng cần phải điều chỉnh khi thị trường các quốc gia hòa nhập với nhau.
Như vậy, tất cả các cơ sở của chính sách lúa gạo hiện hành chắc chắn sẽ không còn chỗ đứng trong bối cảnh mới. Vậy đâu là thiết kế phù hợp cho chính sách nông sản, đặc biệt là lúa gạo, của chúng ta?
Ba giải pháp
Trong phạm vi có hạn của bài báo, xin đề nghị một số việc nên làm ngay:
Một là, tăng cường năng lực dự trữ của Cục Dự trữ Quốc gia từ vài trăm ngàn tấn hiện nay lên khoảng 1 triệu tấn, cùng với dự trữ trong dân và dự trữ trong lưu thông của các doanh nghiệp để có số lượng dự trữ đủ lớn, không phải bận tâm về an ninh lương thực, từ đó sẽ hết lo điều tiết lượng gạo xuất khẩu. Năng lực dự trữ của Cục Dự trữ Quốc gia tăng lên cũng mở ra khả năng thực hiện chính sách tạm trữ của Nhà nước khi cần thiết. Ngoài ra, Nhà nước cũng có thể điều tiết giá lúa gạo trong nước bằng biện pháp hết sức mềm dẻo qua giá mua vào hay bán ra lượng gạo dự trữ này.
Hai là, rút lại toàn bộ những quyền lực có tính hành chính ép buộc đã trao cho Hiệp hội Lương thực VN (VFA). Chính khi hết quyền lực, VFA sẽ có động lực nhiều hơn để tập trung cải thiện khâu lưu thông, xúc tiến đưa hạt gạo VN ra thị trường quốc tế. Nhà nước nếu có hỗ trợ thì phải hỗ trợ VFA đá “sân khách” chứ không phải là “sân nhà” như lâu nay. Các mối quan hệ công - tư, vị lợi - vô vị lợi do được tách bạch triệt để như vậy sẽ không còn những lẫn lộn, rối rắm nữa.
Ba là, Nhà nước cần nhất quán trong việc bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp, hạn chế tối đa việc can thiệp hành chính, cứng nhắc gây lệch lạc sự vận hành tự nhiên của thị trường. Chỉ khi nào có chỉ dấu cho thấy quá nguy hiểm, không còn có thể áp dụng các biện pháp khác, sau khi cân nhắc kỹ càng, dự lường hết mọi hậu quả, Nhà nước mới can thiệp bằng quyền lực.
Hỗ trợ nông dân bằng nhiều cách
Áp dụng các biện pháp trợ giá như Thái Lan, dù bằng cách nào cũng gây tiêu tốn ngân quỹ một khoản khổng lồ, chưa chắc chúng ta đã kham nổi. Hơn nữa, đây là công việc thường kèm theo nhiều thủ tục, trong khi con người và cách giải quyết thủ tục ở VN luôn là vấn đề đáng lo ngại nên hiệu quả rất khó đoán. Việc tốn tiền nhiều mà hiệu quả không nắm chắc được thì chưa nên làm ngay.
Có lẽ ở VN, việc trợ giá chưa thật sự cấp thiết. Dù có lúc chúng ta có công bố mua cao hơn giá thị trường nhưng đó cũng chỉ là trợ giá ảo, không có mấy nông dân được hưởng lợi. Nông dân VN lâu nay vẫn trần thân đi trên đôi chân của mình, thậm chí có lúc còn bị các nhóm lợi ích độc quyền, khéo léo hoặc lộ liễu, đã lấy đi phần lẽ ra là của họ.
Những nông dân tự lực là chính ấy sẽ không có gì phải sợ khi thị trường hòa nhập quốc tế. Thái Lan đang e ngại VN về điểm này. Những nông dân quen trợ cấp được bán lúa trên 5.000 đồng/kg của họ sẽ khó đương đầu với những nông dân bán lúa dưới 3.800 đồng/kg của chúng ta hiện nay. Nói như vậy không phải để tự hào mà để thấy rằng cần phải thương nông dân mình nhiều hơn.
Không trợ giá, chúng ta vẫn có thể hỗ trợ nông dân bằng nhiều cách khác như cung cấp giống tốt, chuyển giao miễn phí công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, giúp đỡ đào tạo và huấn luyện, xây dựng các công trình tiện ích cho các vùng nông nghiệp... Chúng ta cũng có thể hỗ trợ nông dân thụ hưởng nhiều hơn các phúc lợi y tế, giáo dục, văn hóa...
Xét cho cùng, thu nhập nào rồi cũng để chi tiêu, để tiêu dùng và hưởng thụ dịch vụ nào đó. Cho nên, không trợ giá cho nông dân tăng thu nhập được thì hãy giúp đỡ họ trong khâu thụ hưởng, vẫn có ý nghĩa như nhau.
Theo Báo NLĐ
Một số ngân hàng cho biết sau khi áp dụng lãi suất thỏa thuận khi cho vay vốn trung và dài hạn, một số khách vay vốn để đầu tư sản xuất đã lắc đầu khi ngân hàng đưa ra mức lãi suất vay trên 18%/năm.
Thời điểm đóng cửa hoạt động kinh doanh vàng tài khoản đến gần. Các sàn vàng “chui” vẫn diễn ra khá sôi động với nhiều hình thức khác nhau.
Nhà sản xuất trong nước có thể áp dụng kinh nghiệm của doanh nghiệp (DN) nước ngoài về phát triển hệ thống phân phối, liên kết với những nhà phân phối chuyên nghiệp để mở rộng thị phần, đặc biệt là ổn định giá bán - vấn đề mọi người tiêu dùng đang quan tâm.
(HBĐT) - Đó là khẳng định của ông Đỗ Tuấn Hải, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh huyện Đà Bắc khi nhìn nhận về khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của nông dân bản địa.
Sáng 13-3, tại Hà Nội, Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức Ðại hội toàn thể lần thứ hai nhằm đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp hoạt động trong nhiệm kỳ thứ hai (2010-2014) của Hiệp hội, tạo chuyển biến mạnh mẽ, phát huy vai trò đại diện quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (DN FDI).
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX): Ngày 18-3, HNX sẽ tổ chức đấu thầu 1.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành.