Người trồng tỏi ở Noong Luông chưa thoát nghèo.
(HBĐT) - Chưa tìm được đầu ra ổn định, việc bảo quản nhiều khó khăn, cây tỏi bản địa (tỏi tía) ở xã Noong Luông, huyện Mai Châu với vị thơm, cay đặc biệt vẫn chưa hình thành nên vùng hàng hàng hoá. Việc mở rộng diện tích giống cây này vẫn là bài toán khó, thu nhập từ cây tỏi chưa thể khuyến khích được người trồng.
Khó khăn đầu ra
Ông Hà Công Duân, Chủ tịch UBND xã Noong Luông cho biết: Cây tỏi tía được người dân ở đây đưa vào trồng từ nhiều năm nay. Trước năm 2006, bà con trồng chủ yếu chỉ để đủ dùng. Khi trạm KN-KL huyện chọn đây là điểm xây dựng mô hình, cây tỏi được trồng nhiều và ngày càng nhân rộng. Với diện tích mô hình trên 3ha, năng suất đạt hơn 25 tạ/ha, bình quân thu nhập 60 - 65 triệu đồng/ha, cây tỏi đã mang lại hy vọng xoá đói, giảm nghèo, làm đổi thay cuộc sống vốn gian khó của bà con các dân tộc Thái, Mường nơi đây.
Khi thời tiết chuyển sang đông cũng là lúc bắt đầu vụ trồng tỏi mới. Nhân dân trong vùng tập trung làm đất, đánh luống, bón lót trước lúc bỏ nhánh đem trồng. Đến tháng 1, tháng 2 năm sau, khi trồng được 125 - 130 ngày, lá tỏi đã già, gần khô, bà con vào mùa thu hoạch củ. Củ tỏi được nhổ, giũ sạch đất, bó thành chùm, treo lên dây ở chỗ thoáng để bảo quản hoặc cột lên gác bếp. Bên cạnh tỏi được sấy khô, một số hộ bán tỏi tươi đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy vậy, việc tiêu thụ sản phẩm luôn là trăn trở lớn nhất đối với bà con.
Ông Hà Văn Yểu, Bí thư chi bộ xóm Noong Luông, một trong những người trồng tỏi với diện tích lớn nhất buồn bã: Vụ thu hoạch năm ngoái, sản phẩm làm ra nhiều mà ít có người đến mua, giá lại thấp. Bà con phải lặn lội mang tỏi ra phố chợ hoặc ngồi dọc đường quốc lộ 6, địa phận xã Thung Khe bán lẻ theo bó.
Chị Hà Thị Hảo, nông dân trồng tỏi ở xóm Trà Đáy cho biết: Tỏi Noong Luông có tiếng là chắc, thơm ngon hơn hẳn các loại tỏi khác hiện có trên thị trường. Nhưng với phương thức tiêu thụ manh mún, nhỏ lẻ, theo kiểu tự sản, tự tiêu thì tỏi Noong Luông vẫn chưa có đầu ra đảm bảo, nên rất thụ động, bấp bênh. Cho đến nay vẫn chưa có khách hàng nào đến thu mua với số lượng lớn mà chủ yếu là khách mua một vài kg làm quà biếu hoặc dùng.
Không chỉ khó khăn về thị trường, người trồng tỏi nơi đây còn gặp những bất thuận trong quá trình bảo quản sản phẩm. Theo kinh nghiệm từ xưa đến nay, bà con sơ chế tỏi bằng cách sấy trên gác bếp và đặt vào những nơi khô ráo. Tuy nhiên, cách này cũng không được lâu dài, khó tránh khỏi hiện tượng mọc mầm, tỏi bị xốp, khô quắt rồi hỏng. Vụ tỏi năm 2009, nhiều nhà nông đã nếm trải xót xa trước cảnh hàng tạ tỏi mọc mầm rồi hỏng đành phải đổ đi.
Thực tế trên đã khiến nhiều người trồng tỏi trên mảnh đất vùng cao Pù Bin, Noong Luông nghi ngại. Trước đây, toàn xã Noong Luông có 362 hộ thì có tới 100% hộ trồng tỏi. Gần đây, số hộ trồng với diện tích lớn giảm đi nhiều. Tổng diện tích vụ tỏi vừa qua của cả xã chỉ đạt hơn 10ha. Có hộ ở vụ trước trồng vài nghìn m2 nay thu hẹp xuống còn khoảng 1.000 m2. Việc giảm diện tích trồng tỏi kéo theo sản lượng tỏi đạt thấp. Mấy vụ trước, ông Ngần Văn Tình ở xóm Noong Luông trồng từ 1.000 - 1300 m2 nhưng vụ này, ông chỉ trồng 400 m2. Cả vụ tỏi, ông thu được ngót 1 tạ củ. Phần giữ lại lấy giống cho vụ sau, phần đem ra chợ bán, ông chỉ thu về khoảng hơn 2 triệu đồng.
Dẫu tỏi là mặt hàng có giá trị kinh tế cao (giá mỗi kg tỏi tía khô dao động 30.000 đồng - 35.000 đồng) nhưng với phương thức bán nhỏ, lẻ, khó bảo quản lại phải vận chuyển đi xa, thu nhập mang về cho nhà nông còn lại chẳng là bao. Cũng theo ông Chủ tịch UBND xã Noong Luông, khó khăn trong tiêu thụ của người dân cũng là những băn khoăn, trăn trở của cấp uỷ, chính quyền địa phương nơi đây. Xã đã liên hệ và giới thiệu sản phẩm tỏi tía tại thị trường một số địa phương trong tỉnh như thành phố Hoà Bình và các huyện Tân Lạc, Kim Bôi... nhưng đến nay vẫn chưa có người đến thu mua. Người trồng tỏi nơi đây vẫn phải tự tìm cách tiêu thụ hàng theo cách cũ, đó là vượt quãng đường cả chục cây số đưa tỏi về bán tại các khu đông dân cư, điểm chợ quanh vùng.
Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào cây ngô, cây lạc và cây tỏi. Bình quân thu nhập đầu người của xã mới đạt 4,36 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo chiếm 31,75%. Người dân ở đây mong được quan tâm, hỗ trợ tìm đầu ra cho cây tỏi, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đem cuộc sống ấm no cho người dân.
Bùi Minh
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2010, Chính phủ nhận định: Nền kinh tế tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao (tăng 5,83%), gấp 1,9 lần so với quý I/2009. Cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều đạt nhiều kết quả tốt.
Ngành dệt may Việt Nam hiện nay đang đứng thứ 10 trong số những nước có kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới. tuy nhiên, trong cơ cấu giá trị hàng dệt may thì tỷ lệ nhập khẩu chiếm phần lớn, Vì thế, một trong những mục tiêu chủ yếu của ngành là từng bước tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng giá trị gia tăng các sản phẩm dệt may.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật, diện tích lúa chiêm xuân bị nhiễm bệnh lùn sọc đen của tỉnh ta có xu hướng tăng nhanh, đến ngày 30 - 03, đã có 88,4 ha lúa ở bốn huyện Cao Phong, Kim Bôi, Kỳ Sơn, Yên Thủy và TP Hòa Bình bị nhiễm bệnh; trong đó nhiều nhất là huyện Cao Phong (32 ha). Đã có gần 50 ha được phun thuốc phòng trừ rầy bằng các loại thuốc đặc trị và nhổ bỏ những cây lúa bị nhiễm bệnh.
(HBĐT) - Từ ngày 7/4 – 13/4, tại Cung văn hóa tỉnh, Trung tâm xúc tiến thương mại (Sở Công thương) phối hợp với Công ty TNHH Hội chợ triển lãm Bắc Hà tổ chức Hội chợ công nghiệp thương mại nănm 2010.
(HBĐT) - Trước khi có Luật HTX, trên địa bàn huyện Lạc Sơn có 206 HTX ứng với 505 đội sản xuất, gồm 2 HTX xây dựng, 1 HTX gạch ngói, 202 HTX nông, lâm nghiệp và 1 HTX sản xuất VLXD. Tổng số cán bộ ban quản lý HTX toàn huyện là 1.010 người.
Năm 2009 cùng với các quyết sách của Trung ương Ðảng, Chính phủ đã có nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cho nên đã vượt qua những tác động của khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 5%. Một trong các giải pháp quan trọng là phát triển thị trường trong nước để kích thích tiêu dùng nội địa.