Năm 2009, với doanh thu đạt gần 650 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng doanh thu tăng 30% so với năm 2008, Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí - CTCP (DMC) (mã chứng khoán PVC), đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, đã từng bước khẳng định hướng đi mới của mình khi chuyển từ sản xuất đơn thuần sang cung cấp các dịch vụ kỹ thuật dầu khí.
Không ít những khó khăn, thách thức đặt ra với DMC, nhưng bằng sự quyết tâm đổi mới của lãnh đạo và tập thể cán bộ, công nhân viên toàn Tổng công ty, DMC đang nỗ lực phấn đấu trở thành nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí chuyên nghiệp và nhà cung cấp hóa chất có uy tín trong nước và khu vực.
Ðột phá trong lĩnh vực dịch vụ cung cấp dung dịch khoan
Nếu như năm 2009, doanh thu từ hoạt động dịch vụ kỹ thuật đạt hơn 160 tỷ đồng (trong đó cung cấp dung dịch khoan của DMC đạt hơn 100 tỷ đồng) thì chỉ quý I-2010, doanh thu từ cung cấp dịch vụ dung dịch khoan đã đạt gần 90 tỷ đồng. Con số này cho thấy tốc độ phát triển khá ấn tượng của lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật cung cấp dung dịch khoan trong bốn lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của DMC (dịch vụ kỹ thuật; cung ứng hóa chất; sản xuất hóa phẩm; khai khoáng), bước đầu khẳng định hướng đi đúng đắn và đầy táo bạo của DMC: Chuyển sang ưu tiên phát triển dịch vụ, lấy dịch vụ làm đòn bẩy cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo tiềm lực phát triển bền vững. Trong nhiều năm liền, tỷ trọng doanh thu của lĩnh vực dịch vụ hầu như chưa xuất hiện trong cơ cấu doanh thu của DMC. Tháng 5-2009, DMC thành lập Chi nhánh DMC - Vũng Tàu, với chức năng chuyên cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cho khoan và khai thác dầu khí, chi nhánh này đã thực hiện cung cấp dịch vụ dung dịch khoan cho một giếng của PVEP Sông Hồng tại Thái Bình; bảy giếng khoan thăm dò và phát triển ngoài khơi, bao gồm: năm giếng Ðại Hùng, một giếng Pearl Oil, một giếng Nam Rồng - Ðồi Mồi,... Bên cạnh đó, các dịch vụ hỗ trợ cho công tác thăm dò, gia tăng hệ số thu hồi dầu được đẩy mạnh, giành được sự tín nhiệm của khách hàng. Năm 2009, DMC đã ký và triển khai các hợp đồng: Xử lý lắng đọng muối vô cơ trong lòng giếng với VSP; cung cấp dịch vụ lựa chọn hóa phẩm bảo đảm cho vận chuyển dầu với Lam Sơn JOC; cung cấp hóa chất cho xử lý vùng cận đáy giếng theo đơn hàng của VSP. Doanh thu của các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật cho khai thác năm 2009 khoảng bảy tỷ đồng. Ngoài ra, DMC cũng tập trung phát triển các dịch vụ xử lý môi trường, xử lý nước (đầu vào, xử lý nước thải), xử lý chất thải (trong đó có các chất thải nguy hại) và làm sạch. DMC đã ký hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn xử lý, bao tiêu các sản phẩm phụ có trong quá trình vận hành nhà máy lọc dầu bao gồm: sản phẩm lưu huỳnh, dầu thải, RFCC... Tổng công ty đã hoàn thành dự án xây dựng trạm xử lý SiO2 trong nước cấp cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất với tổng giá trị hợp đồng gần 46 tỷ đồng.
Phó tổng Giám đốc DMC Phạm Xuân Toàn cho biết, việc sản xuất các sản phẩm truyền thống, giản đơn thường đem lại giá trị thương mại thấp, trong khi đó, nếu phát triển mạnh mẽ các dịch vụ thì sẽ nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm làm ra. Chính từ nhận thức này, lãnh đạo cũng như tập thể cán bộ, công nhân viên Tổng công ty đã quyết tâm đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh: Tập trung ưu tiên phát triển lĩnh vực dịch vụ. Tuy nhiên, lúc đó còn không ít ý kiến lo ngại hướng đi mới này sẽ khó thành công bởi từ trước đến nay, lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí hầu hết đều do các công ty nước ngoài có nhiều kinh nghiệm, với trình độ công nghệ hiện đại đảm nhiệm, chưa có bất kỳ một doanh nghiệp trong nước nào tham gia lĩnh vực này. Rõ ràng đây là thị trường tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức đối với DMC. Chấp nhận mạo hiểm, DMC bắt đầu tiến hành đào tạo lại đội ngũ cán bộ. Từ năm 2008, những cán bộ của DMC được gửi sang đào tạo ở Thái-lan, Ma-lai-xi-a và đến nay, đội ngũ được đào tạo này đã trưởng thành, có thể đảm đương những công việc, vị trí mà trước đây tưởng chừng chỉ có người nước ngoài mới làm được. Chưa thật yên tâm, lãnh đạo DMC tiếp tục lao vào tìm kiếm, thuyết phục khách hàng để giành được những hợp đồng cung cấp dịch vụ. Mặc dù tham gia thị trường muộn, kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí chưa nhiều, nhưng để cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài có uy tín lâu năm trên thị trường, DMC lựa chọn hướng phát triển dịch vụ cho các nhà thầu là PVEP, VSP và các nhà thầu JOC, từng bước khẳng định thương hiệu của mình bằng chất lượng dịch vụ không ngừng được nâng cao. Hiện DMC đang cung cấp dịch vụ cho bốn giàn khoan đang khoan cho các nhà thầu Ðại Hùng, Vietsovpetro, Pearl Oil, Lam Sơn JOC, đồng thời đang hoàn thiện thủ tục để ký tiếp dịch vụ cho các giàn khác chuẩn bị tiến hành khoan cho Trường Sơn JOC, và lô 04.3 của Vietsovpetro. Không chỉ nhà thầu trong nước, một số nhà thầu nước ngoài đã bắt đầu tiếp xúc, liên hệ với DMC để thương thảo, đàm phán hợp đồng. Riêng dịch vụ dung dịch khoan, sau hai năm phát triển, DMC đã chiếm gần 30% thị phần và trong thời gian tới, DMC sẽ phấn đấu đạt 100% thị phần trong nước khi liên doanh MI Vietnam trở thành công ty thành viên của DMC.
Chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ
Sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật cũng đã tạo đòn bẩy thúc đẩy các mảng sản xuất và kinh doanh của DMC phát triển. Nhiều sản phẩm có hàm lượng chất xám và giá trị thương mại cao như PPD, Biocide, Demulsifier, Corosion Inhibitor... đã được DMC hợp tác với đối tác nước ngoài và trong nước sản xuất, đáp ứng yêu cầu của các dịch vụ kỹ thuật. Không chỉ vậy, DMC cũng đang tiếp cận, nghiên cứu sản xuất một số sản phẩm mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản phẩm trong tương lai. Hệ thống kinh doanh cung ứng các hóa phẩm và sản phẩm được thiết lập tại ba miền trên cả nước theo mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm, không chỉ đáp ứng nhu cầu cho các lĩnh vực dịch vụ mà còn cả cho các đơn vị thành viên trong Tập đoàn và các nhà thầu dầu khí.
Quý I vừa qua, doanh thu của DMC đạt hơn 220 tỷ đồng và DMC đang phấn đấu hoàn thành trước nửa tháng mục tiêu doanh thu năm 2010 đạt 1.000 tỷ đồng. Ðể hoàn thành mục tiêu này, DMC xác định lấy phát triển các dịch vụ hóa kỹ thuật làm trọng tâm, trong đó ưu tiên phát triển hai dịch vụ nòng cốt là dịch vụ cung cấp dung dịch khoan và dịch vụ làm sạch và xử lý môi trường. Năm 2010, DMC sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển thông qua việc thành lập Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và triển khai công nghệ. Trung tâm này sẽ hỗ trợ một cách hiệu quả việc triển khai hai dịch vụ nòng cốt nêu trên. Công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ được xác định làm khâu đột phá, nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong việc cung cấp các dịch vụ. Bên cạnh đó, DMC cũng tập trung đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại và rộng khắp trên cả nước để có thể rút ngắn thời gian và khoảng cách cung ứng dịch vụ, một trong những lợi thế để có thể cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường.
Hệ thống kinh doanh cung ứng các hóa phẩm và sản phẩm cho các lĩnh vực dung dịch khoan, khai thác, chế biến vận chuyển và lọc dầu cũng được tổ chức lại theo mô hình cung ứng hậu cần trọn gói về hóa chất và các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của DMC. Phân cấp kinh doanh các loại sản phẩm hóa chất hợp lý nhất giữa Công ty mẹ và các đơn vị thành viên trực thuộc nhằm phát huy cao nhất thế mạnh của các đơn vị và theo vùng, miền (đặc biệt đối với sản phẩm Bentonite). Thiết lập hệ thống phân phối sản phẩm, chính sách phân phối, xây dựng thương hiệu DMC. Bám sát nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hóa chất cho các khách hàng truyền thống, khai thác nhu cầu hóa chất của các nhà thầu dầu khí. Tiếp tục mở rộng cung ứng sản phẩm ra ngoài ngành dầu khí và xuất khẩu. Bên cạnh đó, DMC cũng tập trung sản xuất các sản phẩm truyền thống có hiệu quả kinh tế như Barite, Bentonite, Xi-măng G, Silica flour, Biosafe, Superlub... đồng thời đưa vào sản xuất công nghiệp các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao phục vụ cho khai thác, bơm ép nước như Demul, PPD, Biocide WI...
Nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp đề ra, DMC quyết tâm trở thành nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí chuyên nghiệp, nhà cung cấp hóa chất uy tín trong nước và khu vực giai đoạn 2010-2015.
Kết quả sản xuất, kinh doanh của DMC từ năm 2006 đến năm 2009(*)
|
ĐVT: Tỷ đồng
|
|
Tổng doanh thu
|
Lợi nhuận trước thuế
|
Lợi nhuận sau thuế
|
Năm 2006
Năm 2007
Năm 2008
Năm 2009
|
216,496
397,296
421,740
640,066
|
30,889
39,743
70,338
50,623
|
30,889
39,743
69,165
50,128
|
(*) Tổng công ty DMC chuyển đổi sang hình thức
Công ty cổ phần kể từ ngày 18 - 10 - 2005.
Theo Báo Nhandan
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2009 với tổng doanh thu đạt hơn 6.805 tỷ đồng, trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt hơn 4.730 tỷ đồng, dẫn đầu khối doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Sau chuỗi ngày giảm giá liên tục, giá USD trên thị trường tự do Hà Nội sáng 16/4 đã có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại. Giá USD ngân hàng đã giảm mạnh hơn khiến giá USD tự do đã tăng cao hơn giá ngân hàng như quy luật cũ.
Với vai trò là định chế tài chính của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) đã thực hiện tốt vai trò thu xếp vốn cho các dự án đầu tư phát triển của Tập đoàn.
Bộ Tài chính chính thức công bố kết quả kiểm tra về giá và thuế đối với 4 mặt hàng thiết yếu thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Kết quả cho thấy, cả 4 mặt hàng này đều tăng giá khá mạnh.
(HBĐT) - Được tổ chức Hội Nông dân đứng ra “đỡ đầu” hỗ trợ về vốn, giống, vật tư, KHKT... hàng ngàn nông dân huyện Cao Phong đã dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất kinh doanh, đi đầu trong phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nghề, xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
(HBĐT) - Người dân xóm Rị, xã Phú Thành, huyện Lạc Thuỷ ai cũng biết đến ông Nguyễn Văn Hồng là một trong những hộ nông dân phát triển kinh tế giỏi nhờ mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi.